Thủ tướng yêu cầu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

Chủ trì cuộc họp trực tuyến sáng 7/9 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ mục tiêu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm, đưa hoạt động khai thác hải sản trở lại lành mạnh, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển đúng hướng.

Thủ tướng cũng chỉ đạo hàng loạt giải pháp quyết liệt, đồng bộ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của 675 xã, phường, thị trấn thuộc 28 tỉnh, thành phố ven biển trong việc tổ chức thực hiện, tuyên truyền, vận động nhân dân để đạt được mục tiêu này, vì lợi ích của chính người dân và cộng đồng, đất nước.

Thủ tướng yêu cầu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp

 Thủ tướng yêu cầu chậm nhất cuối năm nay phải chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp.

Năm 2017, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa cảnh báo “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp để gỡ “thẻ vàng”, chúng ta đạt được một số kết quả, song mục tiêu lớn nhất là gỡ “thẻ vàng” chưa đạt được. Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp để sớm đạt mục tiêu lớn nhất này, dứt khoát không để bị “thẻ đỏ”, thúc đẩy phát triển ngành thủy sản đi đúng hướng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương đã nêu nhiều giải pháp, đề xuất theo tinh thần đề cao trách nhiệm trên lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, thực hiện các biện pháp khắc phục các hạn chế để trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm hiện nay; đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhiều địa phương cam kết với Thủ tướng về mốc thời gian chấm dứt vi phạm của tàu cá trên địa bàn.

Thủ tướng cũng trực tiếp lắng nghe đề xuất, kiến nghị từ các cấp chính quyền. Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Ngành thủy sản đã trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với sản lượng khoảng 9 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 8,5 đến 9 tỷ USD mỗi năm. Theo chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam, đến năm 2030, sản lượng thủy sản đạt 10 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu khoảng 14 đến 16 tỷ USD. Sự hiện diện và hoạt động của ngư dân trên các vùng biển đã giải quyết việc làm, sinh kế cho khoảng 1 triệu ngư dân và 4 triệu người liên quan; góp phần phát triển ngành thủy sản, nâng cao đời sống nhân dân, phát triển kinh tế xã hội đất nước, góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được rất cơ bản, ngành khai thác, đánh bắt hải sản còn nhiều hạn chế, yếu kém, dẫn tới việc EC cảnh cáo thẻ vàng. Để gỡ “thẻ vàng” và không để bị “thẻ đỏ”, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt; Ban Chỉ đạo, các Ban, Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố ven biển trong thời gian qua đã rất tích cực trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp chống khai thác IUU. Phía EC đã đi kiểm tra thực tế tại Việt Nam 02 lần vào các năm 2017, 2019; ghi nhận những nỗ lực tích cực của phía Việt Nam.

Tuy nhiên, sau gần 4 năm thực hiện các khuyến nghị của EC, chúng ta còn rất nhiều vấn đề chưa đạt yêu cầu; không những chưa gỡ được “thẻ vàng” mà còn có nguy cơ bị nâng lên “thẻ đỏ”. Tàu cá tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài – đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng. Các tỉnh có tàu cá vi phạm đã được nêu rõ trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thủ tướng nêu rõ 10 tỉnh phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định trách nhiệm.

Ngư dân chưa thực hiện nghiêm việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo Luật Thủy sản, đến nay mới đạt 27.628/30.609 tàu cá (90,26%); hơn nữa, còn tình trạng lắp đặt rồi thì lại ngắt kết nối khi đánh bắt. Công tác thực thi pháp luật, xử phạt vi phạm khai thác IUU chưa nghiêm; có địa phương thì xử phạt, có địa phương lại chỉ tuyên truyền, nhắc nhở. Công tác chứng nhận truy xuất nguồn gốc thủy sản chưa bảo đảm độ tin cậy cao…

Thủ tướng nêu rõ, những vấn đề nêu trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng nguyên nhân chính là lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước ở các cấp, các ngành, nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, nghiêm minh. Công tác kiểm tra, giám sát và tuyên truyền, vận động chưa tốt. Một bộ phận người dân có lúc chưa có ý thức, trách nhiệm tốt trong thi hành các quy định liên quan đến khai thác thủy sản.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu chậm nhất trong năm nay, tức là còn 4 tháng nữa, phải chấm dứt tình trạng vi phạm nói trên. Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia phải hoạt động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, thường xuyên đôn đốc, kiểm điểm công việc, giám sát, kiểm tra. Các địa phương phải tổ chức quản lý, hướng dẫn ngư dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về khai thác, đánh bắt thủy sản.

“28 tỉnh thành phố, 136 huyện thị và đặc biệt là 675 xã phường thị trấn phải quán triệt, tổ chức thực hiện thật tốt, đạt được mục tiêu”, Thủ tướng nghiêm khắc.

Thủ tướng nêu rõ, các địa phương, nhất là cấp cơ sở, phải làm tốt một số nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Theo đó, tuyên truyền, vận động, quán triệt chủ trương, chính sách, pháp luật tới tận người dân để người dân biết, hiểu, người dân tin, người dân theo, người dân làm.

Thực hiện nghiêm quản lý nhà nước, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh, đúng đối tượng, ai làm tốt phải khen, ai làm chưa tốt phải phê bình, kiểm điểm, ai vi phạm phải xử lý, kỷ luật. Đóng góp ý kiến, góp phần hoàn thiện, thể chế, chính sách. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các lực lượng trên địa bàn. Phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá, tạo điều kiện, cơ hội để người dân tham gia phát triển hạ tầng, thực hiện các mục tiêu phát triển ở địa phương.

Nam Dương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích