Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Quy hoạch tỉnh Đồng Nai là sản phẩm kết tinh trí tuệ của nhiều thế hệ”
(Xây dựng) – “Quy hoạch tỉnh Đồng Nai là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân và của cả nước, bản quy hoạch tốt để kết nối, hội nhập và cất cánh. Đồng Nai cần thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”” – Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai năm 2024.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quy hoạch tỉnh Đồng Nai là sản phẩm kết tinh trí tuệ của nhiều thế hệ quá khứ, hiện tại, tương lai. (Ảnh: Nguyễn Đức) |
Công tác quy hoạch được đặc biệt chú trọng
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Đồng Nai cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, địa phương liên quan đã phối hợp, chuẩn bị chu đáo Hội nghị với nội dung kết hợp “2 trong 1”: Công bố quy hoạch tỉnh Đồng Nai và xúc tiến đầu tư.
Phân tích về công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh: Quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển. Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII tới nay, công tác này được tập trung đầu tư, đẩy mạnh; đến nay đã hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt 110/111 quy hoạch. Quy hoạch có vai trò dẫn dắt, định hướng, giúp phát triển đúng hướng nhanh, bền vững, toàn diện, bao trùm; giúp khai thác, sử dụng hiệu quả không gian: Mặt đất, mặt nước – biển, không gian ngầm; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, đột phá, tầm nhìn chiến lược, tổng thể, bao trùm, toàn diện; quy hoạch phải đi trước một bước, đồng thời phải đảm bảo tính hành lang, hệ thống, kế thừa và phát triển; trong quá trình thực hiện, có nhà tư vấn tốt mới có quy hoạch tốt, có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới thực hiện đầu tư tốt, tạo cơ hội mới, giá trị mới.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Quy hoạch cần bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực tiễn của địa phương, vùng, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của địa phương; bám sát nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Thủ tướng cũng chỉ ra 3 yếu tố, tư tưởng quan trọng trong công tác quy hoạch: Luôn đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường để đổi lấy tăng trưởng đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, vùng, cả nước, khu vực và trên thế giới.
Cùng với đó, 5 nhiệm vụ của công tác quy hoạch gồm: Tìm ra và phát triển tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để khai thác hiệu quả cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, khắc phục; xây dựng danh mục các dự án, chương trình với thứ tự ưu tiên để thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; huy động nguồn lực thực hiện (Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư, bên trong – bên ngoài).
“Quy hoạch tỉnh Đồng Nai là sản phẩm kết tinh trí tuệ”
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Nai đã đạt được trong thời gian qua, đây cũng là cơ sở để củng cố, tăng cường niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Phân tích về “điểm mạnh” của Đồng Nai, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng Nai có vị trí chiến lược về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng; có hơn 3 triệu người, nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ, nhiều khát vọng; là đầu mối giao thông quan trọng, đủ 5 phương thức vận tải; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ; có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng; lợi thế thiên nhiên đa dạng, phù hợp phát triển xanh, bền vững, toàn diện.
Thủ tướng cho rằng, về cơ bản, Đồng Nai đã đạt được những kế hoạch về phát triển kinh tế – xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn như tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 lên một tỉnh công nghiệp và đông dân. Những tháng đầu năm 2024, Đồng Nai đã phục hồi và phát triển tương đối toàn diện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi chứng kiến nhiều nhà đầu tư đến với Đồng Nai. (Ảnh: Thanh Nguyễn) |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh: Quy mô nền kinh tế của Đồng Nai vẫn chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế và vị trí địa lý chiến lược; chất lượng tăng trưởng, kết quả cải cách hành chính và năng lực cạnh tranh, việc phát triển các các khu công nghiệp chuyên biệt, tỉ lệ lao động qua đào tạo cần nâng cao hơn nữa.
Thủ tướng đánh giá quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới. “Đây là sản phẩm kết tinh trí tuệ của Đồng Nai, các nhà khoa học, doanh nghiệp, nhân dân và của cả nước, bản quy hoạch tốt để kết nối, hội nhập và cất cánh”.
“1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”
Chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tưởng khẳng định, để “kết nối, hội nhập và cất cánh” thì Đồng Nai cần chú trọng, tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá”.
Theo đó, “1 trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp trong xã hội để phát triển, lấy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư; trong đó tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm.
“2 tăng cường”, là tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người gồm nâng cao năng lực, trí tuệ con người, nâng cao trình độ, bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm người yếu thế, khó khăn trong xã hội với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau; Tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua các phương thức giao thông, kết nối các chuỗi cung ứng, sản xuất, kết nối văn hóa, giáo dục và đào tạo.
17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỷ đồng (tương đương 6,2 tỷ USD) đã “cập bến” Đồng Nai trong ngày công bố quy hoạch. (Ảnh: Thanh Nguyễn) |
“3 đột phá”, chính là, đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, hạ tầng số, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội, văn hóa, thể thao…, phải xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực; Đột phá về khoa học công nghệ, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp bền vững, vận dụng sáng tạo Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đi vào những ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), doanh nghiệp phát triển mạnh, bền vững với tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn nhân tài.
Nhiều nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra
Để hoàn thành mục tiêu của quy hoạch đề ra, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.
Luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác, phát huy truyền thống lịch sử -văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công – tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.
Phát huy hiệu quả 3 vùng động lực kinh tế của tỉnh, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển. Phát triển công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi các khu công nghiệp theo hướng xanh, số, tuần hoàn.
Tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, phát huy vai trò, vị trí của Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng Đông Nam bộ; khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa làm động lực để phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Phát triển hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường; tăng cường bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học gắn với chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thiết lập các hành lang đa dạng sinh học; bảo vệ các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường trồng và bảo vệ, quản lý rừng, quan tâm bảo vệ vùng dự trữ sinh quyển.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng để mọi người hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần “Dân biết – Dân bàn – Dân làm – Dân thụ hưởng”.
Với các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tăng cường liên kết vùng, hỗ trợ nhau, cùng thực hiện quy hoạch Vùng Đông Nam bộ, góp phần thực hiện tốt quy hoạch quốc gia; các tỉnh, ngành phải hỗ trợ lẫn nhau giải quyết các vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng; kết nối giao thông, chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất; nghiên cứu xây dựng các quỹ, cơ chế hỗ trợ các dự án liên vùng, liên tỉnh; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho phát triển. Tinh thần các tỉnh trong Vùng phải tự lực, tự cường với tinh thần “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”, vượt qua giới hạn của chính mình để phát triển. Các tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành Trung ương phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để giám sát, hỗ trợ tỉnh Đồng Nai thực hiện tốt, hiệu quả quy hoạch với tinh thần cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn, nhận thức và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và phát triển. Các Bộ, ngành, địa phương phải nói đi đôi với làm, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”; bám sát tình hình, đúc rút kinh nghiệm, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để các địa phương phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng trân trọng cảm ơn và hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư đã chọn tỉnh Đồng Nai để đầu tư. Tại Lễ công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư, dự kiến sẽ trao Quyết định chủ trương/Giấy chứng nhận đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư 155.000 tỷ đồng (tương đương 6,2 tỷ USD).
Nguồn: Báo xây dựng