Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quảng Ninh phải thoát ra khỏi những cái cũ, không ngừng đổi mới sáng tạo

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh.

Cùng dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Ninh; Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam;Tổng công ty Đông Bắc. 

Báo cáo và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đánh giá, trong giai đoạn 2011 – 2020, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động, sáng tạo, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược, đạt những thành tựu rất ấn tượng. Quảng Ninh đã và đang vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới, sáng tạo của vùng, một cực tăng trưởng của khu vực phía bắc…

Thời gian qua, Quảng Ninh đạt được những kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; GRDP tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp 2016 – 2022; trong đó năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28% trong bối cảnh dịch COVID-19 (xếp thứ 13/63 toàn quốc và 3/7 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269 nghìn tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD, cao nhất khu vực phía bắc; năng suất lao động tăng trên 13%.

Tổng thu ngân sách Nhà nước giai đoạn 2020 – 2022 đạt trên 156,2 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 117,8 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tổng chi đầu tư phát triển đạt trên 48,3 nghìn tỷ đồng, tỉ lệ giải ngân hằng năm đều đạt và vượt kế hoạch; tỉ trọng chi đầu tư tăng lên, đạt khoảng 57 – 58% tổng ngân sách.

Trong khó khăn, tỉnh đã có nhiều cách làm hiệu quả để huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư. Giai đoạn 2020 – 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách đạt trên 475,2 nghìn tỷ đồng, trong đó FDI đạt 2,15 tỷ USD, tăng bình quân 54%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 267 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; bình quân mỗi năm thành lập mới khoảng 2 nghìn doanh nghiệp. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 7.684 triệu USD, tăng bình quân trên 9%/năm.

Theo báo cáo, tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng đầu cả nước 5 năm liên tiếp từ 2017 – 2021.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hoàn thành, đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, phá thế “độc đạo” của Quảng Ninh khi trước đây chỉ có Quốc lộ 18, trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.046 km), cùng với sân bay, cảng biển, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới.

Công tác quy hoạch, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biển đổi khí hậu được quan tâm. Tỉ lệ đô thị hóa cao, đạt trên 67,5%, đứng thứ 5 cả nước. Tỉ lệ che phủ rừng đạt khoảng 55%.

Về các lĩnh vực văn hóa – xã hội, tỉnh đã bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân được đặc biệt quan tâm. Đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Khởi công và triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Lĩnh vực văn hóa được chú trọng; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo. Tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại, văn hóa, du lịch, thể thao quy mô quốc tế, khu vực, quốc gia.

Quốc phòng, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của cấp đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho biết, tỉnh đặt mục tiêu tới năm 2025 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía bắc, đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 – 2025 đạt khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD.

Tỉnh xác định ba khâu đột phá giai đoạn 2020 – 2025 là:

– Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số;

– Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể;

– Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP của cả giai đoạn 2025 – 2040 khoảng 10%; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng – an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Ninh, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của tỉnh. Việc đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” sẽ ngày càng khó hơn. Huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư có dấu hiệu chững lại. Chênh lệch giàu nghèo, chất lượng sống là vấn đề trăn trở khi nông nghiệp đóng góp tỉ trọng nhỏ trong GRDP nhưng số người làm nông nghiệp, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… chiếm tỉ lệ lớn trong dân số. Xung đột giữa khai thác than và phát triển du lịch vẫn tạo ra những vấn đề lớn về vệ sinh, môi trường cần giải quyết. Vệ sinh, môi trường vẫn là vấn đề lớn. Cần xử lý tốt hơn mối quan hệ giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng.

Thủ tướng và các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng, lợi thế, khác biệt của tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, với diện tích đất liền hơn 6,1 nghìn km2 và trên 6 nghìn km2 mặt biển, dân số khoảng 1,34 triệu người, Quảng Ninh như một “Việt Nam thu nhỏ”, hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.

Quảng Ninh có vị trí địa lý quan trọng; là địa phương duy nhất trong cả nước có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc; luôn được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Tỉnh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía bắc; có nhiều khu kinh tế, trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Đặc biệt, Quảng Ninh có lợi thế kinh tế biển, nhất là về cảng biển, logistics; đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản với nhiều ngư trường, bãi cá có sản lượng cao, thuận tiện cho khai thác. Có hơn 2 nghìn hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, đảo trải dài theo đường ven biển hơn 250 km.

Tỉnh giàu tiềm năng du lịch, là một đỉnh của tam giác tăng trưởng du lịch miền Bắc Việt Nam, có danh thắng nổi tiếng là vịnh Hạ Long vừa là di sản thiên nhiên thế giới, vừa là kỳ quan thiên nhiên thế giới, là địa điểm du lịch lý tưởng. Tài nguyên giàu có, có đủ địa hình đồng bằng, trung du, đồi núi, biển, biên giới, hải đảo. Quỹ đất dồi dào, nhất là diện tích rừng và đất rừng, than đá trữ lượng lớn…

Quảng Ninh có nền văn hóa đa dạng, phong phú, lâu đời với nét đặc sắc, độc đáo của 22 dân tộc thiểu số. Đặc biệt, Quảng Ninh có Yên Tử – nơi phát sinh thiền phái Trúc Lâm với Phật hoàng Trần Nhân Tông. Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Người dân Quảng Ninh có truyền thống yêu nước, tinh thần bất khuất, kiên cường, là một trong những cái nôi của phong trào công nhân, nơi rèn luyện và giác ngộ ý thức giai cấp cho các chiến sĩ cách mạng kiên trung.

Thủ tướng đánh giá cao và cơ bản nhất trí với mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020 – 2025 và tầm nhìn, định hướng phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp của Quảng Ninh.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần bám sát, quán triệt, thực hiện hiệu quả các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 6/4/2022, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương,

Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số vấn đề mà Quảng Ninh cần lưu ý trong thời gian tới, mà trước hết là phải quản lý được môi trường sạch đẹp, xã hội văn minh, văn hóa phát triển. Vừa tăng tốc độ tăng trưởng, vừa tăng chất lượng tăng trưởng, tập trung vào đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu.

Kiên trì thực hiện sáng tạo mô hình “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, khai thác tối đa các hành lang giao thông, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tiềm năng, khác biệt, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh.

Tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng, trong đó có ưu tiên tuyến đường từ Uông Bí lên Yên Tử, đường kết nối với Lạng Sơn, Bắc Giang, đường ven biển, hạ tầng cửa khẩu biên giới. Thủ tướng lưu ý việc đầu tư cảng Móng Cái để thúc đẩy vận tải đường biển từ phía nam ra phía bắc, đẩy mạnh kết nối sân bay Vân Đồn và sân bay Cần Thơ để kết nối nhanh nhất với đồng bằng sông Cửu Long, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ miền Nam ra miền Bắc, giảm tải cho đường bộ Bắc – Nam.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành các thủ tục để tỉnh Lạng Sơn triển khai đầu tư nâng cấp quốc lộ 4B nối với cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, từ đó kết nối Quảng Ninh – Lạng Sơn – Cao Bằng và kết nối vùng Đông Bắc – Tây Bắc; đồng thời sớm khởi động lại dự án đường sắt Yên Viên – Phả Lại phải dừng lại từ năm 2011.

Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số qua những việc cụ thể, phấn đấu đi đầu trong triển khai thu thuế điện tử, hóa đơn điện tử.

Quảng Ninh có nhiều di tích lịch sử – văn hóa, việc quản lý phải bảo đảm văn minh, sạch đẹp, trang trọng, quan tâm nâng cao giá trị văn hóa. Thủ tướng đề nghị phối hợp với các cơ quan và tỉnh Bắc Giang tích cực triển khai các công việc để đề cử UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới.

Quảng Ninh cần phát huy các kinh nghiệm đã có, tăng cường huy động mạnh mẽ các nguồn lực qua các hình thức hợp tác công tư. Tập trung đầu tư cho nguồn lực con người, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; sơ kết, đánh giá mô hình Đại học Hạ Long để tiếp tục triển khai xây dựng theo quy hoạch, nâng cấp, phát triển Đại học Hạ Long tầm cỡ khu vực, chú trọng đào tạo các ngành nghệ thuật, tiếng Nhật, tiếng Hàn, kỹ năng nghề. Xây dựng cung thể thao hiện đại, xứng tầm trên khu vực đất rộng 300 ha đã được quy hoạch.

Thủ tướng đề nghị Quảng Ninh phát động và làm tốt 3 phong trào gắn với lợi ích chung và từng người: phong trào bảo vệ môi trường; phong trào học ngoại ngữ để nâng cao sức cạnh tranh về lao động; phong trào chuyển đổi số.

Phân tích thêm, Thủ tướng cho rằng việc triển khai phong trào bảo vệ môi trường không mất nhiều kinh phí như xây dựng hạ tầng, song cần vận động nâng cao ý thức của người dân, huy động toàn dân vào cuộc với nòng cốt là thanh niên và lực lượng vũ trang để phong trào sống động, thường xuyên, liên tục, xây dựng thương hiệu Quảng Ninh giàu có và sạch đẹp. “Làm được như vậy thì không cần khẩu hiệu “nơi đáng sống”, người ta vẫn tự tìm đến”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý giữ vững và củng cố đoàn kết, thống nhất trên cơ sở sự chân thành, tình đồng chí, các quy định của Đảng, Nhà nước, “giữ được đoàn kết thì không được lúc này cũng được lúc khác, không được chỗ này thì được chỗ khác, không được người này thì được người khác, còn mất đoàn kết là mất tất cả”.

Quảng Ninh phải thoát ra khỏi những cái cũ, không ngừng đổi mới sáng tạo, vươn lên tầm cao mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng cơ bản đồng ý về chủ trương với các đề xuất của tỉnh, giao các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh Quảng Ninh để triển khai các công việc cụ thể, khẩn trương xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích