Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình, đồ án, dự án tại Yên Bái
Sáng 24/9, trong chương trình công tác tại Yên Bái, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã đi khảo sát và nghe báo cáo về Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Thủ tướng nêu ra một số cách tiếp cận để tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xung quanh nghiên cứu khai thác hiệu quả Hồ Thác Bà – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đã nghe báo cáo về định hướng quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, các dự án giao thông kết nối nội tỉnh và liên tỉnh.
Cho ý kiến về Đồ án Quy hoạch, Thủ tướng nêu ra một số cách tiếp cận để tỉnh phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xung quanh nghiên cứu khai thác hiệu quả Hồ Thác Bà.
Theo đó, khai thác tối đa các tuyến cao tốc Phú Thọ-Tuyên Quang và Tuyên Quang-Hà Giang, cao tốc Nội Bài-Lào Cai kết nối với hồ Thác Bà theo hướng tuyến ngắn nhất, thuận tiện nhất có thể; đồng thời nghiên cứu xây dựng tuyến giao thông quanh hồ để mở ra không gian phát triển mới, khai thác tất cả không gian của hồ.
Thủ tướng khảo sát khu du lịch hồ Thác Bà – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng lưu ý đường nối từ cao tốc đến hồ Thác Bà sẽ đi qua sông Hồng nên phải chú ý thẩm mỹ, kiến trúc khi thiết kế cầu bắc qua sông để là một sản phẩm du lịch, một điểm nhấn ấn tượng.
Thủ tướng cho rằng, quy hoạch phải triển khai ngay từ bây giờ nhưng có tầm nhìn lâu dài, ít nhất 20-30 năm sau; không nên quá phụ thuộc vào quy hoạch giao thông đã có trước đây. Khi giải được bài toán giao thông thì sẽ thu hút được các nhà đầu tư vào.
Khu du lịch quốc gia Thác Bà. |
Đầu tư phân kỳ, chỗ nào hiệu quả cao nhất, nhanh nhất thì làm trước. Khi triển khai phải bảo đảm trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, sớm đưa công trình vào vận hành, không để dự án kéo dài, bị dàn trải dẫn đến không hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát huy yếu tố môi trường, sinh thái để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Nghiên cứu khai thác lợi thế mặt hồ Thác Bà để phát triển điện mặt trời, giảm công suất thủy điện. Phát triển kinh tế, nhất là du lịch Hồ Thác Bà để nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người dân sống xung quanh hồ.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040. |
* Ngày 18/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 234/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040.
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái đến năm 2040 có tính tích hợp, đồng bộ, kết hợp giữa phát triển du lịch và phát triển đô thị, nông thôn bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an toàn hồ đập thủy điện, ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai và bảo vệ môi trường, tài nguyên, không gian cảnh quan đặc thù và nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong vùng hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái.
Thủ tướng: Phát huy yếu tố môi trường, sinh thái để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Quy hoạch có tính kế thừa, phát huy các giá trị không gian cảnh quan mặt nước và vùng ven hồ, giá trị của danh thắng và bản sắc văn hóa vùng sông Chảy để hình thành sản phẩm du lịch chủ đạo, đặc trưng, tạo thương hiệu riêng cho du lịch hồ Thác Bà; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các chiến lược quy hoạch tỉnh Yên Bái, quy hoạch liên quan trong vùng và quốc gia. Làm tiền đề để thu hút đầu tư xây dựng phát triển thương mại-du lịch xứng tầm cấp quốc gia; phối hợp liên kết phát triển du lịch liên vùng Thủ đô Hà Nội, vùng trung du miền núi Bắc Bộ và quốc tế.
Phát huy những lợi thế về kinh tế, đầu tư phát triển của khung hạ tầng quốc gia-quốc tế, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Yên Bái. Xây dựng Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà gắn với “phát triển xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, xây dựng hình ảnh con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập” thể hiện trong từng phân khu chức năng và phân khúc thị trường để xây dựng phát triển du lịch thân thiện, gần gũi với thiên nhiên, môi trường sinh thái, hướng đến sự hài lòng, đáp ứng nhu cầu cho du khách…
Lòng hồ Thác Bà. |
Tính chất Quy hoạch: Là Khu du lịch quốc gia trọng tâm của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ với sản phẩm du lịch đặc trung gắn với giá trị văn hóa dân tộc và hệ sinh thái lòng hồ Thác Bà; là một trong những trung tâm du lịch cấp quốc gia với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, lịch sử, văn hóa, tham quan, nghiên cứu; có sản phẩm du lịch chủ đạo và hình thành thương hiệu cho Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà; là vùng bảo tồn, phát huy giá trị sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa đặc thù của quốc gia; là vùng có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh quốc gia; là vùng bảo đảm an ninh năng lượng, cấp nước, thủy lợi cho vùng đồng bằng sông Hồng.
Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 260.000-270.000 người, đến năm 2040 khoảng 300.000-310.000 người; quy mô khách đến năm 2030 khoảng 1 triệu lượt khách, đến năm 2040 khoảng 2,5 triệu lượt khách…
Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra thực địa đê kè chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
Rút ngắn thi công ngày nào, dân hưởng lợi ngày đó
Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đi kiểm tra thực địa đê kè chống ngập sông Hồng khu vực xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái.
Tuyến đê kè Giới Phiên có tổng chiều dài 4,25 km, được đầu tư nhằm khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế những thiệt hại do lũ lụt gây ra; với tổng kinh phí đầu tư 472 tỷ đồng.
Địa phương đề xuất cùng với làm kè, cho phép làm đường để tạo thuận lợi phát triển đô thị văn minh, hiện đại, tuy nhiên hiện đang gặp vướng mắc về quy định.
Tại công trình, Thủ tướng chỉ đạo xử lý vướng mắc nói trên theo hướng vừa sử dụng vốn Trung ương vừa sử dụng vốn địa phương, kết hợp làm kè với đường giao thông, khai thác công trình đa mục tiêu vừa phòng, chống ngập vừa phát triển giao thông, hạ tầng đô thị. Đường đô thị cần được quy hoạch có tầm nhìn lâu dài, còn đầu tư phân kỳ phù hợp điều kiện.
Thủ tướng thị sát Dự án cầu Giới Phiên. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
* Thăm công trình xây dựng dự án cầu Giới Phiên, là cây cầu thứ 5 nối trung tâm thành phố Yên Bái ở tả ngạn sông Hồng sang hữu ngạn sông Hồng, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đơn vị nhà thầu tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp để rút ngắn thời gian hoàn thành dự án ít nhất 6 tháng.
“Nếu càng kéo dài thời gian thi công, càng tốn kém do trượt giá; hơn một ngày, hay một điều; rút ngắn thi công ngày nào người dân hưởng lợi ngày đó”, Thủ tướng phân tích.
Thành phố Yên Bái sẽ lấy sông Hồng làm trục, phát triển không gian đô thị hướng ra phía đường cao tốc xuyên Á gắn với phát triển một số khu đô thị mới. Ảnh VGP/Nhật Bắc |
*Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã thăm cơ sở hạ tầng khu vực xã Giới Phiên, xã Bảo Hưng để phát triển đô thị thành phố Yên Bái phía hữu ngạn sông Hồng.
Theo quy hoạch, thành phố Yên Bái được điều chỉnh mở rộng sang hữu ngạn sông Hồng và phân thành phố thành 3 khu vực là khu đô thị cũ, khu vực không gian sông Hồng và khu đô thị mới.
Thành phố sẽ lấy sông Hồng làm trục, phát triển không gian đô thị hướng ra phía đường cao tốc xuyên Á gắn với phát triển một số khu đô thị mới tại hai xã Tân Thịnh và Giới Phiên cũng như hệ thống đường vành đai.
Thành phố cũng xác định quỹ đất xây dựng cùng các giải pháp sử dụng đất hiệu quả theo hướng xây dựng tập trung các khu chức năng dịch vụ, giáo dục, du lịch giải trí.
Thị sát thực địa, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh Yên Bái cần tiếp tục lấy sông Hồng làm trục không gian phát triển. Xây dựng các cây cầu để phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng, mỗi một cây cầu cũng là một điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc du lịch.
Thủ tướng lưu ý tỉnh mở rộng không gian phát triển mới phải dành quỹ đất phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm, có người đến làm thì mới có người đến làm mới có người đến ở, khi đó mới phát triển bất động sản, đô thị bền vững.
* Thăm khu vực quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Trấn Yên, thành phố Yên Bái, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, Yên Bái cần lựa chọn nhà đầu tư tốt; triển khai đúng quy định của pháp luật, nhưng phải hiệu quả; phát huy mô hình lãnh đạo công, quản trị tư để phát triển khu công nghiệp này.
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục cập nhật thông tin và hình ảnh về chuyến công tác của Thủ tướng tại Yên Bái.
Nguồn: Báo xây dựng