Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

Ngày 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024 để đánh giá về tình hình kinh tế – xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024.

tm-img-alt
Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4

Dự Phiên họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số Ban, Ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp này nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng qua; đánh giá các trọng tâm, trọng điểm của công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo; phân tích, đánh giá các kết quả đạt được, những gì là “đi ngang, đi xuống”, những gì khó khăn, vướng mắc? Phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân do sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chúng ta, đặc biệt cần lưu ý rút ra bài học kinh nghiệm.

Thủ tướng nêu vấn đề, phải chăng những kết quả đạt được thời gian qua là nhờ chúng ta đã nắm bắt sát tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả? Thủ tướng cũng nhấn mạnh bài học về đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ; vấn đề tăng cường giám sát, kiểm tra phải được triển khai “từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngay từ lúc đầu”, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành lớn, “vừa mất thời gian, tiền bạc, con người”. Theo Thủ tướng, nhìn lại từ nhiều vụ việc vừa qua cho thấy, công tác giám sát, kiểm tra đạt hiệu quả thấp.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, chúng ta phải dự báo sát tình hình tháng 5 và quý II này có gì mới, đột biến. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài, vừa có tính tình thế trước mắt để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2024 theo Nghị quyết 01/NQ-CP; giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là những việc đã kéo dài 2-3 nhiệm kỳ trong khi chúng ta tại sao có việc thì lại giải quyết rất nhanh. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện tinh thần “làm việc nào dứt việc đó” vì thời gian ít, nguồn lực có hạn, yêu cầu cao, công việc nhiều. Thủ tướng nhấn mạnh các trọng tâm tháng 5 như chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương và kỳ họp tới của Quốc hội; cùng với đó, giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ như hạn hán, bão lũ…

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình KTXH tháng 4 tiếp tục tiếp tục chuyển biến tích cực, nhìn chung tốt hơn tháng 3 và 3 tháng đầu năm; tính chung 4 tháng đầu năm 2024 đạt được kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực. Trong đó, kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ

Sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,8% so tháng 3 và tăng 6,3% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 6,0%; trong đó ngành chế biến chế tạo tăng 6,3%; một số địa phương có ngành chế biến, chế tạo tăng cao như các tỉnh Phú Thọ tăng 29,6%; Bắc Giang tăng 24,1%; Hà Nam tăng 15,5%; Bình Phước tăng 15,2%…

Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá cao; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 2% so tháng 3 và tăng 9% so cùng kỳ; tính chung 4 tháng tăng 8,5%. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, trong đó lượng đơn hàng mới tăng mạnh.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,07% so với tháng 3; bình quân 4 tháng tăng 3,93%.

Lãi suất huy động và cho vay tiếp tục xu hướng giảm; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời. Các cân đối lớn được bảo đảm; trong đó: Thu đủ chi; Xuất đủ nhập; An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm, xuất khẩu gạo đạt  trên 3,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,08 tỷ USD, tăng lần lượt 11,7% và 36,5% so với cùng kỳ);  Cân đối cung cầu lao động được bảo đảm.

Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tích cực, xuất siêu tăng, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá. Trong tháng 4, tổng kim ngạch XNK ước đạt 61,20 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng tổng kim ngạch XNK đạt 238,9 tỷ USD, tăng 15,2%, trong đó XK tăng 15% (khu vực trong nước tăng 21%, cao hơn khu vực FDI tăng 12,9%); NK tăng 15,4%; xuất siêu 8,4 tỷ USD.

Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, đã tăng vượt cùng kỳ trước đại dịch;  khách quốc tế tháng 4 đạt gần 1,6 triệu lượt; tính chung 4 tháng đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ 2023.

Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính – NSNN tiếp tục được cải thiện rõ nét; Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ (15,65%).  Thu hút FDI đạt 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ, cao nhất trong những năm qua.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực; Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; Cải cách hành chính được đẩy mạnh, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân. Chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. ADB dự báo năm 2024 Việt Nam tăng trưởng 6%, Ngân hàng HSBC dự báo 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo 6,7%; Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc. Chỉ số hạnh phúc xếp thứ 54, tăng 11 bậc so với năm 2023.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích