Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển vùng Đông Nam Bộ
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Đông Nam Bộ là vùng có tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ. Thời gian qua, Vùng có đóng góp quan trọng vào thành quả chung của đất nước.
Tuy nhiên, Đông Nam Bộ vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đó là các mâu thuẫn cần được giải quyết, trong đó mâu thuẫn lớn nhất là tiềm năng rất lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP |
Kết nối hạ tầng chiến lược, đồng bộ chưa hiệu quả, đầy đủ, toàn diện. Huy động nguồn lực chủ yếu dựa vào Nhà nước, chưa phát huy được các cơ chế hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa ngang tầm với vai trò, vị thế của Vùng, chưa ngang tầm với yêu cầu của sự phát triển.
Ngoài ra, Vùng còn đối diện nhiều thách thức, lớn nhất là phát triển chưa bền vững, trong đó có phát triển đô thị, ùn tắc giao thông, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, úng ngập.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, chương trình hành động đã nêu rõ mục tiêu phấn đấu phát triển vùng năng động nhất này để đóng góp nhiều nhất cho đất nước trên các lĩnh vực, trong đó có GDP, “cả nước vì Vùng, Vùng vì cả nước”. Mục tiêu nữa là ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, tựu trung trong 9 chữ “tư duy mới, đột phá mới, giá trị mới”.
Cụ thể, “tư duy mới” là tư duy tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại, dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài. Nội lực là con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hoá, tinh thần đoàn kết…, từ đó, chúng ta có những sản phẩm không chỉ là “Made in Việt Nam, by Việt Nam”.
Thủ tướng tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm có thế mạnh của Vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: VGP |
Tư duy mới là phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ nhưng tích cực, chủ động hội nhập sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, nội lực cần kết hợp với ngoại lực (là vốn, công nghệ, quản lý, thể chế…), sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, kết hợp sức mạnh doanh nghiệp trong nước với ngoài nước.
Làm rõ nội hàm về “đột phá mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, đó là cách thức, phương thức huy động các nguồn lực.
Nêu rõ bài học “hợp tác công tư có nhiều hình thức, chúng ta phải sáng tạo, năng động, phải quyết tâm làm”, Thủ tướng lấy ví dụ, thời gian vừa qua, có tỉnh làm được 200 km cao tốc nhưng cả vùng Đông Nam Bộ trong 10 năm qua chỉ làm được 50 km cao tốc, “đây là vấn đề mà các đồng chí cần suy nghĩ, không ai làm thay chúng ta được”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tán thành với ý kiến xây dựng trung tâm tài chính trong vùng để huy động nguồn lực hay Quỹ phát triển hạ tầng như đề xuất của lãnh đạo TP.HCM. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu triển khai.
Đột phá về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, “coi việc của doanh nghiệp như việc của nhà mình, của chính quyền hằng ngày” với mục tiêu làm cho cuộc sống của người dân ấm no, hạnh phúc. Theo đó, phải đơn giản hoá thủ tục hành chính, chính sách phải ổn định, phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá thị trường, đa dạng hoá chuỗi cung ứng.
Về “giá trị mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP, tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người của vùng đã giảm so với các vùng khác. “Giá trị mới là mang lại tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, giá trị đóng góp cho GDP cao hơn”.
“Giá trị mới lớn nhất của Vùng là góp phần quan trọng, đắc lực, hiệu quả vào xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế-xã hội của vùng. Ảnh: VGP |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, phát triển đô thị vẫn luôn được coi là động lực của phát triển kinh tế-xã hội. Vùng Đông Nam Bộ sẽ tiếp tục tăng về số lượng đô thị, như đến năm 2025 dự kiến thêm 10 đô thị và đến năm 2030 tăng thêm 20 đô thị và nhiều đô thị tiếp tục hoàn thiện chất lượng để nâng loại đô thị trong giai đoạn tới.
“Để gỡ những “nút thắt” giao thông ảnh hưởng đến sự phát triển và năng lực cạnh tranh của vùng Đông Nam Bộ, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu hiện nay là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng góp ý.
Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Đông Nam Bộ là khoảng 413.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng tổng số km đường bộ cao tốc vùng là 772 km trong giai đoạn 2021- 2030. Ông Nguyễn Văn Thắng góp ý, cần có cơ chế, chính sách sáng tạo, đột phá trong huy động vốn tư nhân, các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã Công bố Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chương trình hành động xác định 19 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế – xã hội và môi trường, phấn đấu đến năm 2030 đạt một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2030 đạt khoảng 8 – 8,5%. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 380 triệu đồng/năm. Tỉ trọng khu vực dịch vụ chiếm 41,7% trong GRDP, khu vực công nghiệp và xây dựng 45,3% (riêng công nghiệp chế biến, chế tạo 33%). Tỉ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm 30-35%. Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40-45%. Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng Đông Nam Bộ để giúp vùng Đông Nam Bộ phát triển bứt phá, gồm: Các dự án xây dựng đường cao tốc, đường sắt, đường thuỷ có tính kết nối vùng, các dự án nâng cấp các cảng hàng không trong vùng và các dự án trung tâm thông tin, logistics của Vùng; đồng thời phân công cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô