Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thúc đẩy hạ tầng giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long
(Xây dựng) – Chiếu 13/7, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL. |
Tham dự cuộc họp có: Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Đông Nam bộ.
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) thông tin cho biết, hiện nay, khu vực ĐBSCL đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải. Các dự án này gồm: Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau gồm 02 dự án thành phần Cần Thơ – Hậu Giang, Hậu Giang – Cà Mau do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng gồm 4 dự án thành phần do 4 địa phương (An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng) là cơ quan chủ quản; dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu gồm dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 (Tiền Giang); dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận (Bộ GTVT là cơ quan chủ quản).
Đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư, đang tổ chức triển khai thi công, trong đó dự án cao tốc Cao Lãnh-An Hữu đã khởi công dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), dự án thành phần 2 do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản dự kiến khởi công trong tháng 7/2024; dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.
Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đạt 98,9%; dự án Cần Thơ – Cà Mau đạt 99,9%; dự án Cao Lãnh – An Hữu: Thành phần 1 – tỉnh Đồng Tháp đạt 99,7%, thành phần 2 – tỉnh Tiền Giang đạt 82%; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 18% (khởi công tháng 3/2024).
Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, nhưng nếu không được giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2024 sẽ ảnh hưởng đến việc hoàn thành thi công toàn bộ các dự án. Về công tác triển khai thi công, theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 2 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 (gồm: Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau và dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận); dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu và dự án Mỹ An – Cao Lãnh hoàn thành năm 2027. Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm và công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại buổi làm việc. |
Các vấn đề buổi làm việc được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm là vật liệu xây dựng, cát, đá, giải phóng mặt bằng, tiến độ… Tại buổi làm việc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo báo cáo về việc sử dụng tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện để làm vật liệu đất đắp. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng đã chủ trì, phối hợp ban hành, chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và làm vật liệu san lấp, bao gồm 13 Tiêu chuẩn, 01 Quy chuẩn và 05 Chỉ dẫn kỹ thuật, 03 định mức kinh tế kỹ thuật…
Tại buổi làm việc tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Bộ Xây dựng đề xuất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và các cơ sở phát thải đẩy mạnh thực hiện: Bộ GTVT nghiên cứu, đẩy mạnh việc sử dụng tro xỉ nhiệt điện trong thi công các công trình giao thông (đường cấp III trở xuống); hướng dẫn việc sử dụng tro, xỉ đắp nền đường giao thông. Vì theo TCVN 12660:2019 thì tro, xỉ nhiệt điện chỉ được đắp nền đường ở chiều sâu 80cm-100cm kể từ đáy kết cấu áo đường trở xuống, những khu vực nước ngầm bên dưới thì không được sử dụng tro, xỉ để đắp nền đường.
Bộ Tài chính quy định hạch toán đối với hàng hóa là tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất và phân bón để phù hợp với các quy định hiện hành, phối hợp với UBND các địa phương nghiên cứu ban hành các cơ chế đặc thù hỗ trợ về cước vận chuyển đối với các công trình xây dựng nằm ở xa nguồn cung cấp để khuyến khích tăng cường sử dụng tro, xỉ.
Các nhà máy nhiệt điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích và đầu tư nghiên cứu xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao để thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao tiếp cận nguồn phát thải; tiếp tục tìm kiêm đối tác phù hợp để tăng tốc độ tiêu thụ, giảm lượng tồn đọng tro bay tối đa và đảm bảo lượng tồn trữ tại các bãi chứa của mỗi nhà máy không vượt quá tổng lượng thải của 2 năm sản xuất trung bình.
Trước khi chủ trì làm việc với các Bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát thực tế 2 tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau và cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng. Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những nỗ lực và chúc mừng, hoan nghênh các địa phương vùng ĐBSCL dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đã đồng hành, sát cánh cùng các cơ quan Trung ương, có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, xác định hướng tuyến các dự án cao tốc ngắn nhất, thẳng nhất có thể; cảm ơn các địa phương, các cấp, các ngành đã hợp tác, phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ, các doanh nghiệp đã tích cực tham gia và người dân đã ủng hộ, nhường mặt bằng cho các dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát tuyến đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. |
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc xây dựng các dự án cao tốc tại ĐBSCL nói riêng, các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải trên cả nước nói chung là công việc rất vinh dự, tự hào, góp phần thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng và phát triển hạ tầng theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có mục tiêu 3.000km cao tốc tới năm 2025 và 5.000km cao tốc tới năm 2030.
Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, tự hào; những sản phẩm đạt được khẳng định chúng ta hoàn toàn có thể phát triển hệ thống cao tốc tại ĐBSCL. Những kết quả đạt được cũng cho thấy, muốn phát triển đất nước thì phải có đội ngũ cán bộ giỏi, có tâm, có đức, có trí tuệ, hoài bão, trách nhiệm và sản phẩm cụ thể; đồng thời quản trị đất nước phải thông minh, số hóa; phát triển kinh tế – xã hội và môi trường phải hài hòa, hợp lý, nhanh, bền vững, xanh, sạch, đẹp.
Theo Thủ tướng, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục tạo động lực, truyền cảm hứng để hoàn thành khoảng 500-600km cao tốc tại ĐBSCL trong nhiệm kỳ này, thiết thực kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chào mừng Đại hội XIV của Đảng; đồng thời những kết quả trong nhiệm kỳ này sẽ là nền tảng, cơ sở để tiếp tục xây dựng khoảng 600km cao tốc tại ĐBSCL trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng những vướng mắc như: Nguồn vốn địa phương nào gặp khó đề xuất Chính phủ để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính; về vật liệu cát hiện nay các tỉnh, thành ĐBSCL đã có kế hoạch và khai thác mỏ thì các địa phương phối hợp chia sẻ với nhau; ĐBSCL có cát thì chia sẻ với miền Đông Nam bộ; miền Đông Nam bộ có đá thì cung cấp cho các tỉnh, thành ĐBSCL, đẩy nhanh tiến độ thực hiện “03 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”… để hoàn thành các đường cao tốc đúng tiến độ vào năm 2025.
Nguồn: Báo xây dựng