Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần rà soát, nghiên cứu thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội
(Xây dựng) – Chiều 05/11, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phát triển nhà ở xã hội và phát triển hạ tầng chiến lược, trong đó bao gồm hạ tầng giao thông là 2 trong nhiều vấn đề Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn. |
Phát triển nhà ở xã hôi chính là góp phần bảo đảm an sinh xã hội
Chất vấn Thủ tướng, Đại biểu Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt vấn đề: Nhà ở xã hội, nhà ở công nhân được cử tri cả nước hết sức quan tâm. Rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu. Hơn nữa, các quy định hiện hành có nhiều điều kiện khiến người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng. Xin Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ có chính sách gì để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân?
Trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết: Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, từ hôm qua đến giờ chúng ta bàn rất nhiều, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng đã nói rõ. Quan trọng bây giờ là nguồn lực và phải tháo gỡ cơ chế để huy động nguồn lực, trong đó có hợp tác công tư.
Ví dụ, như việc doanh nghiệp họ muốn mua nhà cho công nhân thuê lại nhưng đang vướng Luật, do vậy phải rà soát lại quy định pháp luật để sửa nội dung này.
Thủ tướng chia sẻ: Tôi thấy các nước làm nhiều nhà ở xã hội với 3 nội dung gồm nhà mua, thuê và thuê mua nhưng nước ta chưa làm nhiều. Đây là vấn đề chính sách, cần phải nghiên cứu thêm việc này, tính toán thêm phương thức nhà ở xã hội cho thuê. Ai có tiền thì phải mua ngay, ai không có tiền thì thuê mua. Sau quá trình thuê 10 năm, 20 năm người ta trả xong tiền mua nhà, đó gọi là thuê mua.
Thủ tướng đồng thời cho rằng cần nghiên cứu thêm vấn đề quy hoạch phát triển nhà ở xã hội. Như quy định hiện hành, một dự án chung cư cao cấp phải dành 20% để làm nhà ở xã hội. Thực tế cho thấy, nhà ở xã hội này có những bất cập về hạ tầng và các dịch vụ khác… Chúng ta cần phải nghiên cứu cải tiến như thế nào cho phù hợp, sát với thực tiễn và có tính khả thi hơn, vừa đảm bảo xây dựng khu đô thị nhưng cũng phải đảm bảo được 20% quỹ nhà ở xã hội…
Trả lời Đại biểu Bùi Xuân Thống – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai về các giải pháp nhằm bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Việt Nam có nhiều chính sách bảo đảm an sinh xã hội. Một là công ăn việc làm. Hai là đảm bảo quyền lợi cho người có công. Ba là xóa đói giảm nghèo. Bốn là đảm bảo bảo hiểm xã hội cho các đối tượng khác nhau…
“Chưa bao giờ chúng ta làm về an sinh xã hội lớn như hiện nay. Cho đến giờ, chúng ta chi ra là 87.000 tỷ đồng cho gần 56 triệu người và hơn 800 người sử dụng lao động. Đây là một việc làm rất lớn của cả hệ thống chính trị chúng ta, trong đó có sự đóng góp của các đại biểu Quốc hội”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, như Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đề cập, tới đây, về nhà ở, chúng ta đưa ra Chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp…
Tại phiên chiều 05/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. |
Chú trọng huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng
Chất vấn Thủ tướng, Đại biểu Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt vấn đề: Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập nặng khi mưa lớn, triều cường, xin Thủ tướng cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng, cấp thoát nước, giao thông, nhà ở đã cập nhật như thế nào? Các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết như thế nào cho một quốc gia đất hẹp, người đông với trên 3.000km bờ biển?
Trả lời chất vấn, Thủ tướng cho biết: Việt Nam là một trong trong 56 nước chịu biến đổi khí hậu rất lớn, vì vậy cần phải nhận thức và hành động cho tương xứng với những gì mà biến đổi khí hậu đang tác động đến đất nước. Đồng bằng sông Cửu Long không những chịu tác động sạt lở mà còn bị sụt lún, nước biển dâng cao…
Trước thực trạng trên, thứ nhất, cần phải đánh giá lại tác động của biến đổi khí hậu. Thủ tướng chỉ đạo cho các Bộ, ngành liên quan phải khảo sát lại toàn bộ tác động của biến đổi khí hậu đến đất nước, nhất là các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung hay khu vực miền núi phía Bắc.
Thứ hai, chúng ta phải xây dựng thể chế, phải có một bộ luật cho vấn đề chuyển đổi năng lượng; dành nguồn lực cho hạ tầng chống biến đổi khí hậu, bao gồm chống sạt lở, đê điều, hồ đập… Nguồn lực này không là nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công tư.
Việt Nam phải chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, tăng cường quản trị, phải hình thành quản trị quốc gia liên quan đến lĩnh vực này.
Thủ tướng nhắc lại: Về phát triển hạ tầng chiến lược nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn 2 ngày qua, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã nói rồi. Theo đó, cần phải có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu, hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục…
Riêng phát triển hạ tầng giao thông, ở nhiệm kỳ trước, chúng ta dự kiến bố trí 165.000 tỷ đồng nhưng huy động chỉ được 134.000 tỷ đồng. Nhiệm kỳ này, chúng ta dự kiến bố trí 470.000 tỷ đồng, gấp 3 lần so với nhiệm kỳ trước. Hiện nay, bằng nhiều giải pháp chúng ta đang tích cực thực hiện mục tiêu này.
Thủ tướng nhấn mạnh: Phải hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng giao thông. Chúng tôi đang cho tổng kết mô hình BOT và nghiên cứu thêm mô hình BT để xin các cấp có thẩm quyền làm tiếp thì mới phát triển được hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng chiến lược.
Tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng, Đại biểu Âu Thị Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đặt câu hỏi: Nhân dân đánh giá rất cao các chuyến đi kiểm tra thực tế của Thủ tướng, đặc biệt là các dự án chậm tiến độ, dự án giao thông. Xin Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có định hướng như thế nào đối với việc phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng chống biến đổi khí hậu?
Trả lời chất vấn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại: Hạ tầng chiến lược đã bao gồm rất nhiều lĩnh vực. Chúng ta muốn làm được thì phải tập trung vào mấy việc. Một là phải đánh giá, tổng kết lại những việc mình đã làm xem đáp ứng được đến đâu, chưa đáp ứng được đến đâu, cái gì được, cái gì chưa được, nguyên nhân chủ quan và khách quan, bài học kinh nghiệm.
Hai là phải tập trung vào xây dựng thể chế liên quan đến vấn đề này. Ba là phải huy động nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực nhà nước và nguồn lực ngoài nhà nước bằng phương thức hợp tác công tư. Bốn là phải chuyển giao công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động. Năm là phải cải cách quản trị quốc gia liên quan đến vấn đề này.
Sáu là, phải có sự ủng hộ bạn bè quốc tế thì chúng ta mới làm thành công được. Ví dụ như vừa rồi chúng ta vay của các tổ chức tín dụng thế giới và dành 2 tỷ USD để phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
Nguồn: Báo xây dựng