Thủ tướng dự Lễ ra quân dự án nâng cấp đường sắt Nha Trang-Sài Gòn
Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Sài Gòn-Nha Trang có tổng chiều dài 411km với mức đầu tư gần 1.099 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2021-2025.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với cán bộ, kỹ sư, công nhân viên tham gia dự án. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Trong không khí sôi nổi thi đua sản xuất đầu năm, chiều 26/1, tại ga Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác của Chính phủ đã dự Lễ ra quân dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang-Sài Gòn.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận Nguyễn Đức Thanh; Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Theo Ban Quản lý dự án dường sắt, dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Sài Gòn-Nha Trang có tổng mức đầu tư gần 1.099 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách nhà nước trung hạn 2021-2025. Dự án có tổng chiều dài 411km, điểm đầu tại ga Nha Trang tại và điểm cuối tại ga Sài Gòn.
Dự án được triển khai xây dựng trên địa bàn 6 tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua, gồm: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án tiến hành cải tạo, nâng cấp đường sắt quốc gia khổ 1.000mm với các hạng mục: cải tạo các cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên và một số hạng mục công trình đồng bộ; cải tạo, sửa chữa, xây mới một số ga hành khách và hàng hóa…
Việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đoạn Nha Trang-Sài Gòn nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cũng như thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Sau các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt Hà Nội-Vinh, Vinh-Nha Trang, Nha Trang-Sài Gòn, sẽ cần có các dự án nâng cấp tiếp theo để hiện đại hóa tuyến, từ hạ tầng đến phương tiện, sức kéo, thông tin tín hiệu… đường sắt Việt Nam.
Phát biểu tại lễ ra quân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước và là một trong ba đột phá chiến lược. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, trong đó nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Nhiều chính sách, giải pháp huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hạ tầng nói chung, giao thông nói riêng đã và đang tạo ra hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại trên khắp cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ ra quân triển khai dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang-Sài Gòn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Thực tiễn kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới cũng như ở trong nước thời gian qua đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường sắt nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế-xã hội. Giao thông vận tải đường sắt nước ta đã có quá trình phát triển lâu dài và có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Vận tải đường sắt là một lĩnh vực có nhiều ưu thế, có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do khó khăn về nguồn lực đầu tư nên về cơ bản, mạng lưới đường sắt trong nước không có thay đổi so với trước đây; các dự án đầu tư trong lĩnh vực đường sắt mới chỉ tập trung cải tạo, nâng cấp; chưa đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác các tuyến mới theo quy hoạch.
Vận tải đường sắt còn bộc lộ một số bất cập, chưa phát huy được thế mạnh vốn có của phương thức vận tải khối lượng lớn, đường dài, thị phần giảm sút so với các phương thức vận tải khác làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển cân bằng của hệ thống giao thông vận tải, chưa kéo giảm được nhiều chi phí logistics, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết để từng bước hiện thực hóa mục tiêu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đã xác định mục tiêu đến năm 2030 phải cải tạo nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, đồng thời xây dựng một số tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu, đường sắt kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế, kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp… và kết nối quốc tế.
Cụ thể hóa chủ trương và chính sách của Đảng về phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, Chính phủ đã giao các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam để trình Hội đồng thẩm định nhà nước và các cấp để sớm triển khai theo qui hoạch. Chính phủ đã phê duyệt và bố trí khoảng 3.100 tỷ đồng trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp các đoạn từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh.
Về dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang-Sài Gòn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tuyệt đối an toàn chạy tàu, giữ gìn vệ sinh môi trường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ ra quân triển khai dự án nâng cấp tuyến đường sắt Nha Trang-Sài Gòn. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực; thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành dự án.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, nhất là người đứng đầu cần bám sát, quyết liệt trong điều hành, quản lý chất lượng, tiến độ, vốn đầu tư trong suốt quá trình thực hiện dự án, đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng yêu cầu.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan của Trung ương, Ủy ban Nhân dân các tỉnh có dự án đi qua, phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để chủ đầu tư và các nhà thầu thi công dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
“Các bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan, nhất là người đứng đầu chủ động, tích cực, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch; tất cả vì đất nước, vì nhân dân,” Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nói chung và lĩnh vực đường sắt nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải mà còn là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các địa phương, các bộ, ngành vì lợi ích thiết thực của chính các địa phương.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo để sớm hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, phấn đấu khởi công trong kế hoạch trung hạn 2026-2030; đồng thời nghiên cứu phát triển các tuyến đường sắt kết nối vùng kinh tế trọng điểm, kết nối cảng biển, cảng hàng không quốc tế như: Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Biên Hòa-Vũng Tàu, Thủ Thiêm-Long Thành, Hà Nội-Hải Phòng…
“Chính phủ luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân,” Thủ tướng khẳng định.
Tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện nghi thức ra quân triển khai thi công dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang-Sài Gòn thuộc tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhân dịp năm mới, Thủ tướng chúc Tết cán bộ công nhân viên tham gia dự án và các bộ, nhân viên ga Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận./.
Nguồn: Báo xây dựng