Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ ba của Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV

(Xây dựng) – Chiều 23/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, chủ trì phiên họp thứ ba của Tiểu ban.

Thủ tướng: Tiểu ban Kinh tế-Xã hội cần làm rõ điểm nghẽn trong phát triển
Thủ tướng yêu cầu các thành viên Tiểu ban Kinh tế – Xã hội Đại hội XIV của Đảng đề xuất giải pháp đột phá để đạt mục tiêu, chiến lược, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển.

Tại phiên họp, Tiểu ban đã rà soát các công việc đã triển khai; xác định các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; cho ý kiến với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2026 -2030.

Các đại biểu đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, phân tích sâu sắc, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, góc nhìn để tiếp tục triển khai các công việc của Tiểu ban và tập trung hoàn thiện dự thảo Báo cáo để trình Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 10 sắp tới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Tiểu ban nêu rõ các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung tờ trình, dự thảo Báo cáo; yêu cầu ngay sau phiên họp cần khẩn trương tiếp thu ý kiến đóng góp, tập trung hoàn thiện dự thảo Tờ trình, dự thảo Báo cáo để trình Bộ Chính trị, Trung ương.

Về yêu cầu với nội dung dự thảo Báo cáo, Thủ tướng nhấn mạnh cần tiếp tục bám sát Đề cương đã được Trung ương thông qua, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, các văn kiện của Đảng đã ban hành trong nhiệm kỳ, đặc biệt là cần nhất quán với Báo cáo Chính trị về những tư tưởng, quan điểm lớn, nội dung trọng tâm; bám sát các ý kiến chỉ đạo của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Phiên họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện ngày 14/8/2024.

Báo cáo mang tầm tư tưởng chỉ đạo lớn, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra; với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm; đồng thời, cần có cái nhìn bao quát, tổng thể, toàn diện, khách quan, thẳng thắn, cầu thị, đổi mới sáng tạo, có đột phá, giải pháp đúng, trúng, khả thi, bảo đảm nguồn lực thực hiện, nằm trong tổng thể sự phát triển chung của đất nước, phù hợp với xu thế, dòng chảy của thời đại, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Báo cáo, Thủ tướng lưu ý một số nội dung về đánh giá bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước; bổ sung các thông tin, số liệu để minh chứng rõ nét những kết quả, thành tựu nổi bật đã đạt được.

Theo Thủ tướng, những kết quả, thành tựu đó đã góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta trong gần bốn thập kỷ đổi mới, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên so với các nước đang phát triển có điểm xuất phát tương đồng, tham gia tích cực vào các xu hướng lớn trên thế giới. Những kết quả đó cũng tạo khí thế mới, củng cố niềm tin, khẳng định bản lĩnh của dân tộc ta, của Đảng ta, khẳng định sự đúng đắn của đường lối đổi mới, hội nhập và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, giúp chúng ta giữ đà, giữ nhịp phát triển trong những năm tới.

Cùng với đó, dự thảo Báo cáo cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế; phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, các bài học kinh nghiệm quan trọng.

Thủ tướng cho rằng thời gian tới, cần cố gắng dự báo sát tình hình, không để bị động, bất ngờ về chiến lược và điều quan trọng là phải luôn giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định các vấn đề mang tính nguyên tắc nhưng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp.

Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm phát triển, đột phá để ổn định, lấy ổn định làm tiền đề cho phát triển, thúc đẩy quá trình đổi mới; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, thực hiện đột phá mạnh mẽ hơn nữa về hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng chiến lược, đào tạo nhân lực theo hướng “thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh”.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu hoàn thiện thể chế để huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước, nhất là nguồn lực từ khu vực ngoài nhà nước, lấy nguồn lực nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, gồm nguồn lực trong nước, nguồn lực ngoài nước, nguồn lực trong nhân dân, trong doanh nghiệp; đồng thời khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên (đất đai, khoáng sản, vùng trời, vùng biển…) đi đôi với bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa, bền vững; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, cương quyết cắt giảm thủ tục rườm rà, cơ chế – xin cho…

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy quyết liệt các động lực tăng trưởng mới.

Phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa, thực hiện chính sách an sinh xã hội bao trùm, toàn diện, tổng thể, hội nhập, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng: Tiểu ban Kinh tế-Xã hội cần làm rõ điểm nghẽn trong phát triển
Toàn cảnh phiên họp.

Bảo đảm quốc phòng – an ninh và thúc đẩy đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng Chính phủ và hệ thống chính quyền liêm chính, hành động, vì nhân dân phục vụ; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để phát triển.

Thủ tướng đề nghị phát huy hơn nữa tinh thần tích cực, chủ động; khẩn trương triển khai công việc với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, xây dựng các dự thảo bảo đảm tiến độ và chất lượng tốt nhất.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích