Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Sàn giao dịch câu kết với nhau ôm hàng, tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo ăn chênh lệch…làm nhiễu loạn thị trường BĐS

Ngày 25/11, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường BĐS trong giai đoạn hiện nay”.

Khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá năm 2021, sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường bất động sản cả nước, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam.

Về nguồn cung bất động sản mới (chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2020). Đối với dự án phát triển nhà ở thương mại có 201 dự án với 84.544 căn được cấp phép, có 125 dự án với 15.525 căn hoàn thành.

Cụ thể, tại miền Bắc có 84 dự án với 33.857 căn được cấp phép; 83 dự án với 10.347 căn hoàn thành. Tại miền Trung có 46 dự án với 10.508 căn được cấp phép; 20 dự án với 3.638 căn hoàn thành. Tại miền Nam có 71 dự án với 40.179 căn được cấp phép; 35 dự án với 1540 căn hoàn thành.

Đối với dự án nhà ở xã hội, trên cả nước có 06 dự án với 2.402 căn được cấp phép mới; 11 dự án với 1.352 căn hoàn thành. Đối với dự án du lịch nghỉ dưỡng và văn phòng kết hợp lưu trú: Trên cả nước có 46 dự án mới với 10.009 căn hộ du lịch, 2.112 biệt thự du lịch được cấp phép; có 12 dự án với 165 căn văn phòng kết hợp lưu trú hoàn thành. Về số lượng dự án và căn hộ thương mại đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (tương đương so với cùng kỳ năm 2020).

Trên cả nước có 254 dự án với 82.258 căn được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, cụ thể, tại miền Bắc có 167 dự án với 37.244 căn, miền Trung có 61 dự án với 19.629 căn, miền Nam có 60 dự án với 25.385 căn. Riêng tại Hà Nội có 19 dự án với 10.791 căn, tại TP. Hồ Chí Minh có 13 dự án với 6.803 căn nhà.

Về lượng giao dịch bất động sản (bằng khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2020). Trên cả nước có 66.950 giao dịch thành công, cụ thể, tại miền Bắc có 23.621 giao dịch, tại miền Trung có 18.399 giao dịch, tại miền Nam có 24.930 giao dịch; riêng tại tại Hà Nội có 8.410 giao dịch thành công, tại TP. Hồ Chí Minh có 6.803 giao dịch thành công.

Về giá giao dịch bất động sản (tăng mạnh và có hiện tượng sốt giá cục bộ tại một số khu vực, phân khúc bất động sản). Tại thời điểm cuối Quý I đầu Quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá, thậm chí “sốt giá” tại một số phân khúc bất động sản.

Cụ thể, giá giao dịch căn hộ chung cư ở nhiều dự án, đặc biệt tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều tăng khoảng 5-7%. Giá giao dịch nhà ở riêng lẻ trong các dự án tại nhiều địa phương tăng bình quân khoảng 8-10% (tích lũy cả hai quý, giá nhà ở riêng lẻ tại nhiều địa phương có mức tăng khoảng 15 – 20% so với mức quý IV/2020).

Trong đó, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương là những địa phương có mức giá bình quân tăng cao. (tại Đà Nẵng, dự án Euro Village tăng khoảng 5,4%, dự án One River tăng khoảng 5%; tại Bình Dương, dự án Ecolakes Mỹ Phước tăng khoảng 9,1%, dự án Sun Casa tăng khoảng 8,8%; tại Đồng Nai, dự án Khu đô thị Detaco Nhơn Trạch tăng khoảng 5,2%, dự án Aqua City tăng khoảng 4,3%; tại Hải Phòng, dự án Hoàng Huy Riverside tăng khoảng 7,6%, dự án Vinhomes Cầu Rào 2 tăng khoảng 7,1%;…).

Giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Thủ đô Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và ngoài ra nhiều nơi như Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP. Hồ Chí Minh; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…cũng ghi nhận hiện tượng giá đất nền tăng rất nhanh trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, sau đó hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính Phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản chỉ đạo để chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…).

Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đánh giá: “Giá bất động sản liên tục tăng, giá nhà ở đặc biệt là tại khu vực đô thị quá cao so với mặt bằng thu nhập chung của người dân. Giá bất động sản một số khu vực, một số phân khúc đặc biệt là đất nền tăng nhanh trong thời gian ngắn do xuất hiện các thông tin chưa rõ ràng về quy hoạch hành chính từ huyện, thị xã lên quận, thành phố; về chủ trương đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu du lịch mới, đầu tư xây dựng sân bay, dẫn đến giới đầu cơ, môi giới lợi dụng để thổi giá thu lợi”.

Hoạt động về giao dịch BĐS còn lộn xộn, chưa được kiểm soát tốt, còn tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác quản lý nhà nước về giao dịch BĐS gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, chưa hình thành được hệ thống giao dịch được kiểm soát, đảm bảo tính pháp lý trong giao dịch bất động sản, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

“Còn có hiện tượng các sàn giao dịch BĐS câu kết với nhau “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, ” thổi giá”, gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường BĐS. Đội ngũ làm môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn “chụp giật”, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng; không ít những người hoạt động môi giới tự do, không có chứng chỉ môi giới bất động sản”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.

Thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu tính minh bạch, dẫn đến tình trạng thông qua các dự án bất động sản, nhà ở chưa đủ cơ sở pháp lý, điều kiện huy động vốn hoặc dự án không có thật (dự án ma) để lừa đảo, chiếm dụng tiền huy động của người mua; hay việc lợi dụng các thông tin về quy hoạch, về nâng cấp đô thị, cấp hành chính để thối giá, gây sốt ảo bất động sản.

Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng, các gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Chưa nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện huy động vốn thông qua chứng khoán, trái phiếu (một số doanh nghiệp huy động trái phiếu với lãi suất cao, tiềm ẩn rủi ro trong thanh toán).

Trước những tồn tại trên, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện việc rà soát, rút ngắn thời gian xem xét, sớm phê duyệt, cấp mới, điều chỉnh các dự án nhà ở, dự án bất động sản đã đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Tập trung đẩy mạnh phát triển để tăng nguồn cung nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại đô thị, công nhân khu công nghiệp, nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập trung bình; điều chỉnh cơ cấu thị trường nhà ở, bất động sản cho phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Tổ chức công bố công khai thông tin về thị trường bất động sản; công bố thông tin cho cho các cơ quan, tổ chức, người dân nắm rõ về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Thông tin về việc sát nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương; thông tin về đầu tư phát triển hạ tầng của địa phương nhằm bảo đảm minh bạch thông tin thị trường, ngăn chặn các hiện tượng lừa đảo, đầu cơ thổi giá bất động sản để thu lợi bất chính.

Có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng; tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay nhiều lần, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích