Thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài, khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Ngày 1/10/2022 tại Hà Nội, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách để tạo sự bứt phá cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp Quốc gia 2022, nhằm tạo không gian trao đổi, chia sẻ giữa các bộ, ban, ngành, cơ quan trung ương, địa phương và thanh niên về các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Theo ông Võ Xuân Hoài – Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ trong thời gian gần đây tại Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số quốc gia. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ để tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi số quốc gia…
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025: Duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN. Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu khu vực châu Á; có năng suất lao động cao, có đủ năng lực làm chủ và áp dụng công nghệ hiện đại trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận về cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng như khu vực tư nhân trong nước cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cụ thể như: Cơ chế đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, các quỹ đầu tư; một số vướng mắc, tồn tại của Nghị định 38/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giới hạn số lượng nhà đầu tư hiện nay, hay giới hạn về hoạt động được thực hiện đầu tư và kiến nghị cần mở rộng nội dung cho vay, do đây là một bước thông thường trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (khoản vay chuyển đổi), cũng như tối ưu nguồn vốn nhàn rỗi chưa đầu tư của quỹ.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu cũng chia sẻ và đề xuất các cơ quan quản lý Việt Nam xem xét, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về việc đầu tư cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Điển hình là Singapore với nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương với vị trí thứ 8 toàn cầu về Chỉ số đổi mới sáng tạo và là quốc gia dẫn đầu khu vực về hoạt động đầu tư mạo hiểm.
Để đạt được kết quả đó, Chính phủ Singapore đã trực tiếp tạo ra các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc đóng vai trò là nhà cùng đầu tư (matching fund) thông qua các tổ chức khu vực công; thúc đẩy đầu tư quốc tế và khuyến khích nhà quản lý quỹ mở hoạt động tại Singapore. Singapore cũng là nơi có mạng lưới và nền tảng đầu tư thiên thần đang hoạt động rất hiệu quả, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cũng có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích nền kinh tế đổi mới sáng tạo. Tiểu vương quốc Dubai đã khởi động “Chiến lược kinh tế đổi mới sáng tạo” với mục tiêu tăng gấp đôi mức đóng góp của các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo vào GDP, từ 2,6% năm 2020 lên 5% vào năm 2025. Dubai sẽ cung cấp các gói giải pháp linh hoạt, đi kèm ưu đãi vào các trung tâm đổi mới sáng tạo tiên tiến, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ.
Tại hội thảo, đại diện các quỹ đầu tư, doanh nghiệp, cộng đồng thanh niên khởi nghiệp đề xuất Chính phủ sớm ban hành văn bản hướng dẫn về việc thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp có nguồn vốn tư nhân và nhận các chính sách ưu đãi như quy định tại Luật Đầu tư năm 2020.
Lê Kim Liên