Thu hút nhà đầu tư ngoại vào bất động sản bằng cách nào?
Trong 10 năm vừa qua, Việt Nam đã có những sự chuyển dịch “diệu kỳ” trong lĩnh vực kinh tế nói chung và về bất động sản nói riêng. Vào giai đoạn 2007 đến 2008, nền kinh tế Việt Nam phát triển vô cùng nhanh chóng, nhưng sau đó là sự khủng hoảng và chạm đáy ở quãng thời gian 2009 đến 2012. Cho đến năm 2013 thấy được điểm sáng và chu kỳ mới được bắt đầu vào năm 2014. Hiện tại, Việt Nam đang ở chu kỳ thứ hai của bất động sản.
Tại phiên thảo luận “Thúc đẩy dòng vốn mới” tại hội thảo đầu tư mới đây diễn ra tại Hà Nội, bà Lê Trang – Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn Công ty Tư vấn Bất động sản Toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL) Việt Nam cho biết: “Là một nhà tư vấn, JLL đã có hơn 250 năm kinh nghiệm toàn cầu và tại Việt Nam đã là gần 20 năm. Nhìn lại lượng FDI đầu tư vào Việt Nam thì có thể thấy FDI vào bất động sản trong chu kỳ này đa dạng về loại hình, trải rộng về địa lý và phức tạp hơn về mô hình vận hành”.
Ảnh minh họa: BT |
Vào giai đoạn mới phát triển, hầu hết các loại bất động sản mà FDI đầu tư là nhà ở và cũng chỉ có hai khu vực mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đó là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đối với mô hình vận hành, trên thực tế, cũng chỉ là bất động sản “bán” chứ không có sự vận hành cụ thể. Bất động sản bán lẻ hay văn phòng vẫn có nhưng chiếm tỷ trọng rất nhỏ.
Cho đến hiện tại, rất nhiều loại hình đã xuất hiện, khu vực mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trải rộng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đã xuất hiện các mô hình township (đô thị), mô hình khu đô thị tích hợp công nghiệp – dịch vụ, kho lạnh, trung tâm dữ liệu,… Đặc biệt, bất động sản công nghiệp hiện đang trở thành một sân chơi, là một mảng thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Điều đó cho thấy sự chuyển biến rất rõ rệt trong chất lượng cũng như mô hình FDI đầu tư vào trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam.
Ngay từ giai đoạn đổi mới, Việt Nam đã định hướng phát triển dựa trên xuất khẩu. Sản xuất bao giờ cũng chiếm một tỷ trọng rất lớn trong FDI cũng như tăng trưởng GDP, sau đó là bất động sản. Khi nhà đầu tư nước ngoài nhìn vào các chỉ số kinh tế tại Việt Nam so với các nước khác trong khu vực sẽ nhận thấy: Về vị trí địa lý, về nhân khẩu học, về sự thay đổi của cơ cấu kinh tế, tôn giáo,… Việt Nam luôn được đánh giá là nằm trong top đầu trong khu vực để các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư.
Tuy có nhiều lợi thế, nhưng vẫn luôn tồn tại những bất cập khiến cho các nhà đầu tư FDI chưa muốn rót vốn vào thị trường Việt Nam. Theo Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam, một trong những lý do nổi bật nhất chính là khung pháp lý và các thủ tục hành chính hiện đang là “nút thắt” trong bất động sản. Điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải chờ cho đến khi có các hướng dẫn, chỉ thị rõ ràng hơn. Nói cách khác, họ vẫn đang đợi bức tranh toàn cảnh của Việt Nam trở nên rõ nét hơn trong các bước đi, các thủ tục pháp lý để sẵn sàng đầu tư.
Theo bà Lê Trang, luật vẫn còn chồng chéo, tuy các ban, ngành đang cố gắng cải thiện, kể cả về mặt ngôn ngữ. Tuy nhiên, phụ thuộc vào từng khả năng khác nhau của các vùng khác nhau sẽ áp dụng luật khác nhau. Bởi vì thị trường Việt Nam đang có độ “mở” nên tốc độ của các mô hình bất động sản mới xuất hiện trên thị trường quốc tế cũng du nhập vào Việt Nam rất nhanh, đòi hỏi các sở, ban, ngành, các nhà hoạch định, kể cả các doanh nghiệp cá nhân cần nâng cao năng lực để kịp thời tiếp nhận và làm việc với cái mới. Và việc này cũng cần phải đẩy mạnh và nhanh lên rất nhiều.
Dù có nhiều lợi thế, nhưng vẫn luôn tồn tại những bất cập khiến cho các nhà đầu tư FDI chưa muốn rót vốn vào thị trường Việt Nam. Theo Giám đốc cấp cao khối nghiên cứu và tư vấn JLL Việt Nam, một trong những lý do nổi bật nhất chính là khung pháp lý và các thủ tục hành chính hiện đang là “nút thắt” trong bất động sản. Điều đó khiến các nhà đầu tư nước ngoài phải chờ cho đến khi có các hướng dẫn rõ ràng hơn. |
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc tìm kiếm nguồn vốn cho ngành bất động sản từ FDI hoàn toàn khả thi, vì bất động sản Việt Nam vẫn còn khoảng trống ở một số phân khúc. Đặc biệt, đầu tư cơ sở hạ tầng là phân khúc giúp thu hút vốn nước ngoài vào Việt Nam nói chung và bất động sản nói riêng. Đặc biệt, thời gian qua, Việt Nam có một số khu du lịch, nghỉ dưỡng tốt, nhưng cách thức quản lý kinh doanh lẫn nền tảng khách hàng lớn lại chưa phát triển.
Vì vậy, nếu được sự đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài sẽ giúp thúc đẩy lượng khách đến Việt Nam. Cùng với đó, sự xuất hiện của phân khúc bất động sản chăm sóc sức khỏe, loại hình còn rất mới mẻ tại Việt Nam cũng sẽ là một cơ hội lớn cho những nhà đầu tư FDI có tầm nhìn và khả năng nắm bắt cơ hội.
Nguồn: Báo lao động thủ đô