Thu hút FDI chất lượng cao: Cần ‘lót ổ’ nhiều hơn
Sáu tháng đầu năm 2022 sắp trôi qua, dù kinh tế Việt Nam hồi phục nhanh và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực nhưng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại có xu hướng “giảm tốc”, ít dự án có quy mô vốn 100 triệu USD đăng ký mới.
Vắng dự án lớn
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, tổng vốn FDI trong 5 tháng đầu năm nay giảm 16,3% so với cùng kỳ 2021, xuống còn 11.71 tỷ USD. Vốn điều chỉnh và vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục là trụ đỡ, trong khi vốn đăng ký mới sụt giảm.
Quy mô dự án cũng nhỏ đi đáng kể. Năm tháng đầu năm, vốn trung bình của dự án FDI đăng ký mới chỉ 7,1 triệu USD/dự án, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (gần 14,4 triệu USD/dự án). Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) lý giải, vốn FDI đăng ký mới giảm mạnh so với cùng kỳ, do 5 tháng đầu năm 2022, rất ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD.
Dù vấn đề “dọn ổ đón đại bàng” liên tục được bàn thảo, nhưng theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), số dự án công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ và châu Âu mới chỉ chiếm 5%. Còn lại, FDI chủ yếu tập trung ở một số ngành trình độ công nghệ thấp, tận dụng chi phí lao động rẻ, hưởng ưu đãi đầu tư. Số lượng doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển còn ít. Hiệu quả kinh tế của nhiều doanh nghiệp FDI chưa tương xứng với quy mô vốn, năng lực và những ưu đãi đầu tư được hưởng.Tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn tồn tại.
Điểm đáng lưu ý, doanh nghiệp FDI thiếu liên kết, chưa tác động lan tỏa tới doanh nghiệp trong nước. Việt Nam vẫn nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu ở khâu lắp ráp cuối cùng của chuỗi với giá trị gia tăng thấp.
Ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam cho biết, trong nước, chỉ khoảng 0,2% trên tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp tham gia sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với một số nước trong khối ASEAN. Việt Nam từng bỏ lỡ cơ hội lớn để phát triển CNHT, khi mở cửa thu hút các doanh nghiệp FDI lớn (Toyota, Honda, Ford, Intel, Panasonic…) mà chưa hoàn thiện đầy đủ chính sách, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất các linh kiện phụ trợ…”.
Nhà máy hiện đại, tự động của doanh nghiệp Việt ở Khu công nghiệp Đồng Văn có sự hỗ trợ của doanh nghiệp FDI Ảnh: Việt Linh |
Ngoài ra, việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sản xuất, cung ứng linh kiện, phụ kiện cho doanh nghiệp FDI rất hạn chế. “Điển hình là Samsung đã công bố nhu cầu hàng trăm sản phẩm, Toyota và các tập đoàn quốc tế, trong nước công bố hàng trăm linh phụ kiện cần… thế nhưng các doanh nghiệp CNHT Việt Nam không thể đáp ứng được, bởi nhiều yếu tố vướng mắc ở cả 2 bên”, ông Hoàng cho biết.
Cần “bà đỡ” cho công nghiệp hỗ trợ
Là doanh nghiệp trong ngành CNHT, nhưng ông Ngô Hữu Tiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giza E&C thừa nhận, đây không phải là mảng đầu tư hấp dẫn dòng vốn nội, vì quản lý vận hành phức tạp, ưu đãi kém hơn so với FDI. Doanh nghiệp trong nước ngại đầu tư sản xuất. “Doanh nghiệp mất một số năm lỗ, hoặc chấp nhận hoà vốn để đầu tư tăng quy mô, tạo sự ảnh hưởng với FDI, chờ ưu đãi công bằng hơn. Vốn ban đầu khá lớn, như nhà máy của chúng tôi đầu tư tới 1.000 tỷ đồng”, ông Tiệp nói.
Theo ông Tiệp, doanh nghiệp trong nước đang hoàn toàn bất lợi trước FDI. Ông chỉ ra cụ thể: “Doanh nghiệp FDI vay vốn trung, dài hạn lãi suất chỉ 2-3%, trong khi doanh nghiệp nội vay trong nước lãi suất ít nhất 10% năm. Đất đai xây dựng, nhân công như nhau. Thậm chí, doanh nghiệp FDI có lợi thế hơn nhờ quản lý, điều hành chuyên nghiệp, có mô hình nhà máy đã xây dựng thành công trước đó. Ưu đãi thuế cho doanh nghiệp FDI cũng rất lớn, trong khu công nghiệp cũng được miễn giảm. Hàng hóa, máy móc được miễn thuế nhập khẩu”.
“Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các doanh nghiệp thuộc ngành Công nghiệp hỗ trợ, quyết tâm đến năm 2025 tầm nhìn 2030 đạt 5%-10% tổng số doanh nghiệp Việt Nam” Ông Nguyễn Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam |
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết, qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc bày tỏ mong muốn liên kết với các nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện, bán thành phẩm Việt Nam. Tuy nhiên, do công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu, khó tìm kiếm nhà cung cấp trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn buộc phải lôi kéo các doanh nghiệp phụ trợ, đối tác bên nước họ sang Việt Nam đầu tư sản xuất.
Ông Thắng cho biết: “Chúng ta cần có cơ chế, chính sách để nâng tầm các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam về trình độ công nghệ và kỹ năng quản lý để đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình cụ thể khuyến khích doanh nghiệp FDI tự nguyện chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý, liên kết và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của họ. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động tiếp cận công nghệ mới của thế giới, tìm kiếm và lựa chọn sản phẩm phù hợp với khả năng.
Nguồn: Báo xây dựng