Thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn
(Xây dựng) – Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp mũi nhọn và là một trong những nền tảng quan trọng của nền kinh tế hiện đại. Việt Nam đang nỗ lực để thu hút đầu tư và phát triển ngành này để có thể tận dụng các cơ hội góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Việt Nam nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. |
Ngày 05/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo. Đây được coi là những bước đi hết sức chủ động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm phát triển hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Nhằm hoàn thiện Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 (đề án) để báo cáo Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý và tổng hợp thêm ý kiến của các bộ, cơ quan liên quan.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, việc xây dựng đề án là nhiệm vụ khó, quan trọng và cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án một cách công phu, lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, viện nghiên cứu, trường đại học; đồng thời, nghe nhiều ý kiến của chuyên gia trong và ngoài nước và báo cáo cấp thẩm quyền cho ý kiến.
Cần sớm có chiến lược và có các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn. |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan liên quan, bao gồm những nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ gắn với các báo cáo, chương trình, đề án, chính sách, sản phẩm cụ thể nêu rõ cơ quan đầu mối, cơ quan phối hợp và thời hạn hoàn thành nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030, nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam tham gia vào quy trình thiết kế các vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường; tham gia vào các công đoạn đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn; tham gia làm việc và từng bước nắm bắt được công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn; và Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 kỹ sư, cử nhân phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Đến năm 2050, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam cả về chất lượng và số lượng.
Để tiếp tục hoàn thiện đề án, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các viện, trường và chuyên gia có ý kiến cụ thể trực tiếp vào dự thảo đề án, đặc biệt là các nội dung theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện đề án; các phòng thí nghiệm tiêu chuẩn; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; về việc bổ sung phạm vi và đổi tên đề án…
Bàn về cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là Việt Nam cần sớm có chiến lược và có các chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn đã và đang có kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam. |
Hiện nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn đã và đang có kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam như: Intel, HanaMicron, Amkor, Marvell, Synopsys… Gần đây, Amkor đã tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 1,6 tỷ USD, sớm 11 năm so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần nhanh chân hơn trong thu hút đầu tư của các “đại bàng”.
Thực tế cho thấy, hàng loạt nền kinh tế có các chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư vào các ngành bán dẫn, AI: Hàn Quốc có gói hỗ trợ 26.000 tỷ won (khoảng 19 tỷ USD) để hỗ trợ ngành công nghiệp chip; Trung Quốc thành lập Quỹ đầu tư bán dẫn quy mô 27 tỷ USD… Ngay cả Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… đều sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ USD để có thể thu hút TMSC, Samsung, Intel… đầu tư các dự án “khủng” trong lĩnh vực bán dẫn.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu để có gói chính sách đủ lớn, phù hợp, khả thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chip bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Việc Quỹ Hỗ trợ đầu tư sớm được thành lập cũng góp phần quan trọng để tạo thêm sức cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn.
Nguồn: Báo xây dựng