Thu hồi xe máy cũ: Cũng cần lộ trình cụ thể
Tràn lan xe “cũ nát”
Gọi là xe máy cũ nát, bởi ngay từ hình dáng ban đầu của chúng, rất khó tưởng tượng vì sao các xe này vẫn đang được lưu thông trên đường. Thế nhưng trên thực tế, những chiến xe chỉ còn trơ khung sắt, không đèn, không biển số, xả khói mù mịt, chở hàng cồng kềnh… lại không khó để bắt gặp trên đường phố. Theo ghi nhận, những loại xe cũ nát được sử dụng nhiều hiện nay là xe cũ được sản xuất từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Với ưu điểm là nhỏ gọn, tốn ít nhiên liệu, các loại xe này nhanh chóng được người dân lựa chọn, với giá rẻ chỉ 1-2 triệu đồng/xe. Sau đó, hầu hết đều được “độ” lại để tăng công suất hoặc lắp thêm giá chở hàng, giảm xóc. Mục đích chính của những chiếc xe này là làm xe kéo, chở hàng. Điều này giúp người điều khiển có thể chở thêm hàng hóa với khối lượng gấp nhiều lần trọng lượng xe nên nguy cơ gây tai nạn giao thông rất cao.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 5,7 triệu xe máy (trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ đăng ký trước năm 2000) |
Dễ dàng nhận ra các xe cũ nát này trên các tuyến vành đai như đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, đường gom Đại lộ Thăng Long, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ, Giải Phóng, Đê La Thành, hay một số quốc lộ như 1A, 32, 6, 21B… cửa ngõ Thủ đô nối với các huyện ngoại thành, mật độ xe máy cũ nát lưu thông nhiều hơn. Không chỉ chở hàng quá khổ, quá tải, các chủ sử dụng xe cũ nát còn chở thêm cả người ngồi vắt vẻo trên những bao hàng, rất nguy hiểm. Những phương tiện kiểu như vậy chở hàng cồng kềnh này đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc loại bỏ những chiếc xe máy “phế liệu” này đến nay vẫn bế tắc. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất đó là để xác định thế nào là xe cũ nát thì vẫn chưa có quy chuẩn cụ thể, chủ yếu vẫn dựa vào cảm tính khi đánh giá hình thức xe.
Theo Trung tá Nguyễn Anh Tuấn – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ – đường sắt, Công an thành phố Hà Nội, những xe môtô, xe máy hiện đã được thu hồi mới chỉ dừng lại ở những xe hoán cải và những trường hợp vi phạm về Luật Giao thông. Trong đó, thường xuyên có trường hợp chủ các phương tiện thường cố tình bỏ xe lại do mức phạt vi phạm vượt quá giá trị xe.
Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện nay, lộ trình kiểm tra, kiểm soát xe máy cũ nát trên địa bàn Hà Nội đang gặp một số vướng mắc nhất định, chủ yếu là do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Việc chưa triển khai thực hiện Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố theo đúng lộ trình của Chính phủ là một khó khăn trong việc đề xuất quy định này trong thời gian tiếp theo. Các hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy vẫn chưa được xem xét, phê duyệt và ban hành.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, nhạy cảm, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân với đủ mọi đối tượng, thành phần, lứa tuổi và có nhận thức rất khác nhau. Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, chưa rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải xe mô tô, xe gắn máy, việc sử dụng xe mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.
Cần lộ trình cụ thể
Theo nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, việc kiểm tra khí thải, bảo dưỡng không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiết kiệm nhiên liệu mà còn nâng cao an toàn trong giao thông. Cụ thể, chỉ với việc bảo dưỡng xe mô tô, xe gắn máy như thay lọc gió, dầu bôi trơn, bugi và điều chỉnh tốc độ cầm chừng cho thấy nồng độ CO và HC thử tại chế độ không tải giảm so với trước bảo dưỡng lần lượt là 42% và 45% và tiêu thụ nhiên liệu giảm 7%. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ về hiệu quả của việc kiểm tra khí thải, bảo dưỡng xe thường xuyên cũng như thay thế xe cũ nát giúp giảm khí thải, giảm thiểu tai nạn giao thông. Ngoài ra, việc thu gom và xử lý xe máy thải bỏ chưa đúng chuẩn quy cách (chủ yếu thực hiện bởi các làng nghề) cũng là tác nhân gây nên ô nhiễm không khí, đất và nước.
Từ thực tế đó, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. Trong quá trình triển khai, sẽ tiến hành đánh giá việc kiểm soát khí thải xe máy có tác động tích cực hay tiêu cực đến người dân như thế nào? Và ở mức độ thế nào nếu xét theo mức độ thu nhập giữa 5 nhóm dân cư: Nhóm nghèo, nhóm cận nghèo, nhóm trung bình, nhóm khá và nhóm giàu? Đây sẽ là cơ sở khoa học thực tiễn, quan trọng để Thành phố xây dựng, ban hành quy định, chính sách về kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy và thu hồi xe mô tô, xe gắn máy không đảm bảo an toàn kỹ thuật và môi trường đang lưu hành trên địa bàn Thành phố, thực thi các giải pháp bền vững về kiểm soát khí thải và giao thông bền vững.
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, lực lượng chức năng kiểm soát giao thông trên đường sẽ phối hợp với Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), trong đó chủ yếu là các hãng sản xuất mô tô là Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM tiến hành lắp đặt hệ thống kiểm soát khí thải tại các đại lý của các hãng này để kiểm tra miễn phí cho người dân. Người dân được kiểm tra xe có thể biết rõ được mức độ an toàn của phương tiện, thông số khí thải xả ra, sau đó lựa chọn bảo dưỡng, sửa chữa hoặc đổi cũ lấy mới theo khuyến khích của các hãng. Dự kiến từ tháng 9/2021 sẽ tiến hành kế hoạch, tuy nhiên có thể lùi thời gian tùy vào tình hình dịch Covid-19.
Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc loại bỏ xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường, nhưng cách làm cần phải được nghiên cứu thật kỹ để tránh gây ra những tác động tiêu cực xã hội, đặc biệt là vấn đề dân sinh, ông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết, phần lớn xe cũ nát hiện nay đều thuộc về sở hữu của người có thu nhập thấp, người nghèo. Đối với họ đây không chỉ là phương tiện tham gia giao thông mà còn là sinh kế. Do đó, việc thu hồi xe cũ nát đồng nghĩa với việc động chạm đến “nồi cơm” của nhiều người. Cần phải có sự tính toán thật kỹ.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông, cho rằng, một bộ phận người dân nghèo ở Hà Nội đang phụ thuộc vào chiếc xe máy cũ nát do đó lộ trình triển khai cần có chính sách “hợp tình, hợp lý”. “Tôi cho rằng, việc thu hồi xe máy cũ không được làm dồn dập mà phải có lộ trình cụ thể. Mỗi năm chỉ nên thu hồi vài ngàn xe để vừa giảm bớt ô nhiễm môi trường nhưng đảm bảo an sinh cho người dân”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy đề xuất./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô