Thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế năm 2022 đạt kết quả cao
Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án dân sự (THADS), thi hành án hành chính (THAHC) năm 2023.
Báo cáo kết quả công tác, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết, trong năm 2022, công tác THADS vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là những hậu quả khá nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống THADS, công tác THADS về cơ bản đã đạt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Thể chế về THADS tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời triển khai thực hiện, góp phần giải quyết một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng và thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục được đổi mới, hướng về cơ sở; công tác theo dõi THAHC của hệ thống THADS đã đi vào nền nếp, thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định; đội ngũ công chức các cơ quan THADS không ngừng được củng cố, kiện toàn; công tác quán triệt, chỉ đạo, giáo dục chính trị, tư tưởng đối với đội ngũ công chức, chấp hành viên được các cấp đặc biệt chú trọng.
Bộ Tư pháp triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ về công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính năm 2023. |
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và phòng ngừa vi phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong THADS được tăng cường, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương ngày càng hiệu quả, góp phần nâng cao kết quả THADS; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của hệ thống THADS từng bước được tăng cường.
Xác định công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên trong năm qua Bộ Tư pháp tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sát sao đối với công tác này và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04-CT/TW, Kết luận số 05-KL/TW.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã có những chuyển biến rõ rệt, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh/thành ủy trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Nhờ thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế năm 2022 đạt kết quả cao. Tổng số phải thi hành là 3.973 việc, tương ứng với 89.609,9 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 2.739 việc tương ứng với 43.593,2 tỷ đồng. Đã thi hành xong 1.895 việc, tương ứng với hơn 15.989,5 tỷ đồng (tăng hơn 11.895 tỷ đồng, tương đương tăng 290,51% về tiền so với năm 2021).
Về kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: Trong tổng số 121 vụ việc, tương ứng với hơn 130.870 tỷ đồng, đã thi hành xong 45 vụ việc, tương ứng với hơn 56.387,3 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Hệ thống THADS triển khai thực hiện nghiêm Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong THADS. Bộ Tư pháp đã kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết một số vụ việc. Tổng số việc bồi thường là 31 việc, trong đó có 5 việc thụ lý mới. Đã giải quyết xong 9 việc, với số tiền bồi thường là 1,031 tỷ đồng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cho biết, một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản. Trong khi đó, lượng án phải thi hành ở các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều, có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kéo dài, chống đối, cản trở việc thi hành án. Hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan có nơi, có lúc còn chưa cao, nhất là trong việc xác minh, đo vẽ, xác định ranh giới, hiện trạng để xử lý quyền sử dụng đất, khấu trừ tiền trong tài khoản…
Nguồn: Báo lao động thủ đô