Thu hồi sản phẩm kim chi nhãn hiệu J-Basket Napa Kimchi do chứa lượng men quá cao

Thu hồi sản phẩm kim chi có nồng độ men cao, có thể gây nguy hiểm cho người dùng. Ảnh:  Getty

Mới đây, sản phẩm kim chi bị thu hồi đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) xác định mức độ rủi ro. Cụ thể, các lọ kim chi nhãn hiệu J-Basket Napa Kimchi, được sản xuất bởi công ty JFC International có trụ sở tại bang California, đã bị thu hồi đầu tháng 8 sau khi phát hiện có mức độ men quá cao. Hiện tại, FDA đã đưa ra quyết định phân loại thu hồi này vào nhóm rủi ro loại II.

Theo FDA, thu hồi loại II là tình huống trong đó việc sử dụng hoặc tiếp xúc với sản phẩm bị lỗi có thể gây ra những hậu quả sức khỏe tạm thời hoặc có thể hồi phục về mặt y tế, trong khi khả năng xảy ra hậu quả sức khỏe nghiêm trọng là rất thấp.

Sản phẩm bị thu hồi bao gồm những lọ kim chi có hạn sử dụng trước ngày 26 tháng 10 và 19 tháng 12 năm 2024, với mã vạch UPC là 0 11152 83000 1. Tổng cộng có 2.735 thùng, mỗi thùng chứa 12 lọ nhựa 14,1 oz (khoảng 400g), đã được phân phối tại 10 bang ở Hoa Kỳ, bao gồm Arizona, Colorado, Florida, Georgia, Illinois, Hawaii, Maryland, New York, Texas và Washington.

Theo FDA, sự hiện diện của lượng men quá cao trong thực phẩm có thể dẫn đến sự hư hỏng và phân hủy sản phẩm ở các mức độ khác nhau. Men có thể xâm nhập và phát triển trên hầu hết mọi loại thực phẩm tại bất kỳ thời điểm nào, từ các loại cây trồng như ngũ cốc, hạt, đậu, trái cây trước khi thu hoạch đến thực phẩm đã qua chế biến và hỗn hợp thực phẩm. Mặc dù men trong thực phẩm thường không liên quan đến các bệnh truyền qua thực phẩm, nhưng một số loại men nhất định có thể gây nhiễm trùng ở người và động vật.

Hiện nay, FDA chia việc thu hồi thành ba cấp độ rủi ro. Thu hồi loại I, mức độ rủi ro cao nhất, được đưa ra khi có khả năng hợp lý rằng việc sử dụng hoặc tiếp xúc với sản phẩm có thể gây hậu quả sức khỏe nghiêm trọng hoặc tử vong. Thu hồi loại II như trong trường hợp kim chi J-Basket là khi sản phẩm có khả năng gây ra những hậu quả sức khỏe tạm thời hoặc có thể hồi phục, còn thu hồi loại III áp dụng cho các tình huống mà việc sử dụng sản phẩm không có khả năng gây ra hậu quả sức khỏe bất lợi.

Mặc dù không cấp bách như thu hồi loại I, thu hồi loại II vẫn cần được người tiêu dùng chú ý, và sản phẩm nên được trả lại hoặc tiêu hủy theo hướng dẫn. Giáo sư Darin Detwiler – chuyên gia về chính sách thực phẩm tại Đại học Northeastern, nhấn mạnh rằng việc tuân thủ các chỉ dẫn này là rất quan trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cộng đồng.

Duy Trinh (theo Newsweek)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích