Thu giữ lượng lớn đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực tại Thanh Hóa

Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa đã phát hiện cửa hàng số 23/23 đường Phan Bội Châu, phường Ba Đình, TP. Thanh Hóa (hộ kinh doanh tạp hóa Thanh Mai do bà Nguyễn Thị Mai là chủ hộ kinh doanh) có nhiều dấu hiệu kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong ngày 27/8/2024, đội Quản lý thị trường số 1 bất ngờ đột kích kho hàng có địa điểm tại phường Phú Sơn, TP. Thanh Hóa của hộ kinh doanh nói trên. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện kho hàng đang chứa nhiều hàng hóa như: Súng, kiếm nhựa, đồ chơi các loại do nước ngoài sản xuất, số lượng 1.000 sản phẩm.

 Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa kiểm tra và thu giữ nhiều loại đồ chơi trẻ em mang tính bạo lực

Ngoài ra còn thực phẩm gồm: Thạch, kẹo, bim bim, mì tôm, mực ăn liền, chân gà… số lượng hơn 10.000 sản phẩm. Tổng giá trị hàng hóa theo giá niêm yết hơn 40 triệu đồng.

Chủ kho hàng không chứng minh được hóa đơn chứng từ chứng minh xuất xứ của số hàng hóa trên, Đội Quản lý thị trường số 1 đã tiến hành tạm giữ toàn bộ hàng hóa và tiếp tục xác minh làm rõ theo quy định của pháp luật.

Đồ chơi bạo lực như súng nhựa, gươm, kiếm, hay các nhân vật chiến đấu có thể gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hành vi của trẻ, khiến trẻ trở nên hung hăng và có xu hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Những món đồ chơi này không chỉ tạo ra những hình ảnh và hành vi tiêu cực trong suy nghĩ của trẻ mà còn có thể làm giảm khả năng phát triển các kỹ năng xã hội tích cực như chia sẻ, hợp tác, và cảm thông.

Nguyên nhân của tình trạng này là do các tiểu thương ham lợi nhuận cao nhập hàng giá rẻ và người tiêu dùng chưa đủ điều kiện kinh tế để mua sắm đồ chơi đạt chuẩn; cũng có một số phụ huynh chủ quan, thiếu kiến thức, không tìm hiểu kỹ thông tin khi đi mua đồ chơi cho trẻ, “tặc lưỡi” chọn đại theo ý thích của trẻ, coi đồ chơi chỉ là món đồ trẻ em chóng chán, chơi một thời gian thì bỏ nên không mấy để ý đến các cảnh báo về chất lượng sản phẩm.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, những loại đồ chơi trẻ em có hại tới giáo dục nhân cách, sức khỏe hoặc tới an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ bị cấm. Đó là các loại đồ chơi có hình dáng giống như các loại súng, súng nén bằng hơi hoặc bằng lò-xo bắn đạn nhựa hoặc các loại đạn khác; súng bắn nước, hơi nước; súng bắn phát quang hoặc bắn gây tiếng nổ và các loại đồ chơi có hình dáng giống các loại vũ khí như lựu đạn, kiếm, mác, lê, dao găm, cung nỏ (làm bằng các loại vật liệu kể cả gỗ, tre, giấy nén…); các loại pháo, các loạt vật liệu khác có thể gây cháy, bỏng; các loại đồ chơi ảo; các phần mềm vi tính trò chơi điện tử có nội dung kích động bạo lực. Ngoài ra, còn có các loại đồ chơi dùng điện có điều khiển từ xa có thể gây nhiễu cho các đồ dùng trang thiết bị khác hoặc không bảo đảm an toàn cho trẻ em…

Bán hoặc cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi này đều bị xử phạt. Mức phạt đối với người cho trẻ em sử dụng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hành vi cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm là phạt tiền từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đối với người buôn bán, áp dụng điểm d khoản 4 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP có thể bị xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng. Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Quy chuẩn đồ chơi trẻ em

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 3:2019/BKHCN về an toàn đồ chơi trẻ em quy định các yêu cầu an toàn đối với đồ chơi trẻ em, các phương pháp thử tương ứng và yêu cầu về quản lý chất lượng đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Theo đó, để đảm bảo an toàn đồ chơi trẻ em, Quy chuẩn quy định đồ chơi trẻ em phải đảm bảo an toàn về cơ lý theo TCVN 6238-1:2017 (ISO 8124-1:2014); Yêu cầu an toàn về tính cháy theo TCVN 6238-2:2017 (ISO 8124-2:2014); Yêu cầu về giới hạn mức thôi nhiễm của một số nguyên tố độc hại theo TCVN 6238-3:2011 (ISO 8124-3:2010; Yêu cầu về chất lỏng trong đồ chơi trẻ em không được có pH nhỏ hơn 3,0 hoặc lớn hơn 10,0; Formaldehyt trong đồ chơi dành cho trẻ em dưới 3 tuổi thì các chi tiết bằng vải dệt có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết bằng giấy có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 30 mg/kg. Các chi tiết gỗ liên kết bằng keo dán có thể tiếp xúc được trong đồ chơi trẻ em không được chứa hàm lượng formaldehyt vượt quá 80 mg/kg.

Đồ chơi trẻ em không được có hàm lượng các phtalat di(2-etylhexyl) phtalat (DEHP), dibutyl phtalat (DBP) hoặc butyl benzyl phtalat (BBP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat. Đồ chơi trẻ em có thể cho vào miệng không được có hàm lượng các phtalat diisononyl phtalat (DINP), diisodecyl phtalat (DIDP) hoặc di-n-octyl phtalat (DNOP) vượt quá 0,1 % khối lượng mỗi phtalat.

Hàm lượng của các amin thơm (bao gồm cả các dẫn xuất từ thuốc nhuộm azo trong mẫu) có trong vật liệu đồ chơi hoặc bộ phận của đồ chơi không được vượt quá các mức được quy định trong Quy chuẩn này..

Đồ chơi trẻ em không được dùng nguồn điện có điện áp danh định vượt quá 24 V và không một bộ phận nào trong đồ chơi trẻ em có điện áp danh định hoặc tức thời vượt quá 24 V.

Các bộ phận trong đồ chơi trẻ em nếu được nối hoặc có thể tiếp xúc với nguồn điện có điện áp danh định vượt quá giới hạn nêu trên cũng như các dây dẫn, cáp điện nối đến các bộ phận phải được cách điện và bảo vệ thích hợp để ngăn ngừa các rủi ro về điện.

Đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo đúng quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và phải theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Bảo Linh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích