Thu giữ CO2 bằng than hoạt tính tích điện

Thu giữ CO2 bằng than hoạt tính tích điện

Theo Tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu từ Đại học Cambridge đã phát triển công nghệ thu giữ carbon (CO2) mới sử dụng than hoạt tính tích điện, mang lại hiệu quả cao và tiết kiệm năng lượng.

Công nghệ này sử dụng than hoạt tính, thường dùng trong các bộ lọc nước, được sạc bằng các ion hydroxit (OH-) để tạo ra khả năng hấp thụ CO2 trực tiếp từ không khí.

Kỹ thuật này hoạt động bằng cách nạp các ion hydroxit vào miếng xốp than hoạt tính thông qua quy trình sạc giống như pin. Khi sạc, các ion hydroxit tạo liên kết thuận nghịch với CO2, cho phép thu giữ carbon một cách hiệu quả. Phương pháp này yêu cầu nhiệt độ thấp hơn nhiều so với các phương pháp hiện tại, chỉ cần làm nóng đến 90-100°C thay vì 900°C, giúp giảm tiêu tốn năng lượng và có thể sử dụng điện tái tạo.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ. ITN

Theo tiến sĩ Alexander Forse, người đứng đầu nghiên cứu, phương pháp này không chỉ tiết kiệm năng lượng mà còn có khả năng thu giữ CO2 trực tiếp từ không khí với hiệu quả tương đương các vật liệu hiện tại. Điều này mở ra tiềm năng lớn trong việc giảm phát thải carbon và đạt được mức phát thải ròng bằng 0, góp phần hạn chế những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Nhóm nghiên cứu cho biết, phương pháp này không chỉ giới hạn ở việc thu giữ carbon. Các lỗ trống trong miếng xốp than và các ion đưa vào có thể được tinh chỉnh để thu giữ nhiều loại phân tử khác, mở ra cơ hội cho nhiều ứng dụng khác nhau.

Mặc dù công nghệ này còn một số hạn chế, đặc biệt là hiệu suất trong điều kiện ẩm ướt, nhóm nghiên cứu đang nỗ lực cải thiện. Tiến sĩ Forse cho biết: “Chúng tôi hiện đang nỗ lực tăng lượng carbon dioxide có thể thu giữ được, đặc biệt là trong điều kiện ẩm ướt khiến hiệu suất giảm sút mạnh”.

Phương pháp thu giữ carbon bằng than hoạt tính tích điện của Đại học Cambridge hứa hẹn sẽ là một bước đột phá trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và bảo vệ môi trường. Đặc biệt công nghệ này còn tiết kiệm năng lượng, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích