Thủ đoạn dụ dỗ “việc nhẹ lương cao”- Bài 4: Những nỗ lực vì bình yên cuộc sống
Giúp dân an cư lập nghiệp
Thành phố Pleiku có 37 làng dân tộc thiểu số (DTTS) trong tổng số 175 thôn, làng, tổ dân phố; tỷ lệ hộ DTTS chiếm 13,25%, trong đó phần lớn là người Jrai.
Nhằm từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU ngày 18-1-2013 về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào DTTS trên địa bàn.
Theo kế hoạch, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội chú trọng triển khai các chương trình, dự án, mô hình kinh tế và quan tâm đến các vấn đề an sinh xã hội tại cơ sở.
Trước thực trạng nhiều nhóm người dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai bị lừa phỉnh bán hết đất đai, nhà cửa để vượt biên trái phép, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã và đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền và giúp bà con xây dựng kinh tế, ổn định cuộc sống.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến đời sống người dân vùng khó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Điển hình như, bố trí đất ở, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ di dời nhà đến nơi ở mới, xóa đói giảm nghèo là những chủ trương lớn đã và đang triển khai, giúp người dân an cư lạc nghiệp.
Sau 4 năm lưu lạc xứ người anh Siu Liêm, trú tại làng Yon Tok, xã Ia Glai đã có những bài học để đời vì trót tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép.
Được sự hướng dẫn của các cán bộ công an cùng chính quyền địa phương, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, anh Liêm đã có nguồn thu nhập ổn định nuôi sống bản thân và chăm sóc gia đình.
Trong các buổi sinh hoạt làng anh Liêm với vai trò là tuyên truyền viên nhắc nhở mọi người phải tập trung làm ăn, đừng tin lời kẻ xấu, vượt biên trái phép.
Tương tự, anh Siu Nguyên, SN 1988, ngụ tại xã Ia Hla, huyện Chư Pưh cũng ôm giấc mộng đổi đời mà trốn gia đình sang Thái Lan. Sau nhiều năm lưu lạc nơi đất khách, anh may mắn được cơ quan chức năng phối hợp giúp đỡ trở về quê nhà.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nay gia đình anh đã có cuộc sống ổn định. Anh còn hăng hái nghiên cứu phát triển và nhân rộng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên mảnh đất vùng sỏi đá ở Ia Hla.
Đồng thời, anh còn cùng với các cán bộ, chiến sỹ công an gõ cửa từng nhà tuyên truyền về tình hình an ninh trật tự và những chính sách quy định pháp luật, đặc biệt là ngăn chặn các luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu len lỏi vào buôn làng.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Bùi Mạnh Tuấn, Phó trưởng Công an huyện Chư Pưh cho biết: “Sau khi tuyên truyền phát động, nhận thức của người dân đã được nâng lên rất nhiều. Đặc biệt, là sau khi có một số trường hợp bị bắt, nhiều người dân biết mình lừa, từ đó họ cũng đồng thuận, ủng hộ lực lượng chính quyền. Thậm chí, nhiều thân nhân gia đình còn cảm ơn chính quyền, vì kịp thời ngăn chặn đưa người thân của họ trở về quê nhà”.
Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Công an tỉnh Gia Lai đã tham mưu các cấp ủy, chính quyền cơ sở tổ chức 1.350 buổi tuyên truyền, phát động quần chúng phục vụ phòng, chống trốn tại các địa bàn trọng điểm phức tạp liên quan, qua đó thu hút hơn 174.000 người tham gia.
Ngoài ra, lực lượng công an đã thành lập, kiện toàn các “Tổ bám dân, bám làng” phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống vượt biên trái phép, đa dạng mô hình hóa, sử dụng các phim, hình ảnh phản ánh hoạt động trốn, phản ánh tình hình trốn và tác hại của việc trốn.
Từ đó, phối hợp với những người uy tín, cán bộ có kiến thức, tuyên truyền viên để tuyên truyền vận động người dân không tin, nghe theo những luận điệu của kẻ xấu.
Phát huy vai trò người có uy tín
Bên cạnh những tuyên truyền viên, các cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh Gia Lai còn phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, chính sách xã hội đến với từng bà con trong buôn làng.
Bởi lẽ trong công tác tuyên truyền trực tiếp, già làng và người uy tín có vị trí vai trò rất quan trọng. Họ là những người trực tiếp sinh sống tại buôn làng, tạo được uy tín, tạo được vị trí quan trọng đối với người dân là chỗ dựa vững chắc, có vai trò định hướng cho người dân, cho nhận thức trong quan hệ xã hội và trong sự phát triển của cộng đồng.
Già làng Rmah Hoa, 58 tuổi, trú tại thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, Gia Lai là người đã có hàng chục năm theo chân các cán bộ, chiến sỹ Công an đến từng ngôi nhà để tuyên truyền bà con về thực trạng có nhiều kẻ xấu thường lợi dụng lòng tin để xúi giục, dụ dỗ bà con vượt biên trái phép.
Già làng Hoa cho hay: “Nhiều năm nay, chúng tôi luôn phối hợp với lực lượng công an nỗ lực trong công tác vận động quần chúng nhằm không để có các đối tượng phản động lôi kéo một số bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin theo kẻ xấu vượt biên trái phép.
Từ đó bà con đã nghe, hiểu được những lời cán bộ và già làng phân tích, giải thích. Qua đây, tôi cũng thay mặt bà con dân tộc thiểu số ở huyện Phú Thiện cảm ơn Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo đời sống, tạo điều kiện để người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất”.
Sau những bi kịch và bài học đắt giá từ việc vượt biên trái phép, người dân trong các buôn làng Gia Lai đã nắm rõ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tập trung làm ăn, phát triển kinh tế, không nghe lời kẻ xấu xúi dục, kích động mà vượt biên trái phép.
Bên cạnh đó, gia đình, cộng đồng buôn làng luôn nêu cao tinh thần cảnh giác và nhắc nhở con cháu tránh xa những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng thù địch nhằm phá hoại sự bình yên của buôn làng.
Theo Người Đưa tin
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu