Thủ đô của Uruguay nỗ lực xoay xở trong bối cảnh cạn kiệt nguồn nước uống

Thủ đô của Uruguay nỗ lực xoay xở trong bối cảnh cạn kiệt nguồn nước uống

Người dân tại Uruguay đang sống trong những ngày thiếu nước uống trầm trọng và nhà chức trách đã phải sử dụng những thiết bị khoan hạng nặng để tìm kiếm nước ngầm

Người dân tại Uruguay đang sống trong những ngày thiếu nước uống trầm trọng và nhà chức trách đã phải sử dụng những thiết bị khoan hạng nặng để tìm kiếm nước ngầm. Tiếng ồn ào của máy móc đã là thứ âm thanh quen thuộc đối với người dân tại thủ đô Montevideo trong suốt 10 ngày qua.

Nhà địa chất Valeria Arballo – Giám đốc Dự án Nước ngầm của công ty cung cấp nước uống OSE, chịu trách nhiệm giám sát việc tìm kiếm nước ngầm tại Montevideo – cho biết đây là “kế hoạch B,” được khiển khai nhằm tìm kiếm nguồn nước ngầm để cung cấp cho các bệnh viện và trường học tại địa phương.

Bà Arballo cho biết: “Công tác khoan nước ngầm đang được tiến hành tại thành phố Montevideo do cuộc khủng hoảng nước.” Hai giếng mới – một giếng sâu 42m và giếng kia sâu 90m – đang sản xuất nước và nước sẽ được xử lý trước khi con người sử dụng.

Một trong những địa điểm được chọn để triển khai công tác này là công viên Batlle – “lá phổi” xanh rộng 60ha ở thủ đô Montevideo. Quy mô khoan nước ngầm cũng được dự kiến sẽ mở rộng sang những nơi khác sau đó.

tm-img-alt
Công nhân công ty nước quốc doanh OSE khoan nước ngầm ở công viên tại thủ đô Montevideo ngày 6/6. Ảnh: AFP

Với 1,8 triệu dân, Montevideo – thành phố lớn nhất của Uruguay – lâu nay vốn sống dựa vào nguồn nước mặt. Tuy nhiên, sau khi trải qua ba năm liên tiếp hứng chịu tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm qua, OSE đã quyết định khai thác nguồn nước ngầm của thành phố này.

Trong quá trình khoan, các xe bồn chở nước ngọt từ một nhà máy ở phía Đông Montevideo đến công viên Batlle, sau đó nước sẽ được chuyển sang các xe tải nhỏ hơn và đưa tới các phòng khám y tế hay các địa điểm khác có nhu cầu.

Nguồn nước ngọt chính của Montevideo là hồ chứa Paso Severino – cách thành phố này 85km về phía Bắc. Tuy nhiên, mực nước tại đây đang ở mức thấp lịch sử. Số liệu ghi nhận ngày 7/6 cho thấy hồ chứa này chỉ còn 4,4 triệu m3 nước – một phần rất nhỏ so với tổng dung tích 67 triệu m3 của Paso Severino.

Trong khi đó, người dân tại Montevideo tiêu thụ trung bình 550.000 m3 nước/ngày. Để ngăn chặn tình trạng cạn kiệt nước ngọt, OSE buộc phải hòa lẫn nước lợ lấy từ các địa điểm gần sông River Plate với nước ở hồ chứa Paso Severino và điều này khiến người tiêu dùng không hài lòng.

Anh Marcelo Fernandez, 43 tuổi, nhân viên tại một trung tâm mua sắm, cho biết: “Nước này rất mặn và đôi khi còn rất đục nữa. Bạn không thể uống được.”

Giới chức y tế Uruguay trong tuần này đã gia hạn thời gian cho phép nước uống có mức natri và clorua cao hơn so với thông thường, đồng thời chấp nhận việc tăng nồng độ trihalomethanes (THMs) – hợp chất hóa học hình thành khi nước được khử trùng bằng clo cho tới ngày 20/7.

Uống nước có nồng độ THMs cao trong nhiều thập kỷ có thể gây hại tới sức khỏe người dùng, tuy nhiên việc sử dụng nước ở tình trạng này trong vòng 45 ngày vẫn đảm bảo an toàn – đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Y tế Uruguay Karina Rando trước giới truyền thông.

Hiện một can nước tinh khiết 6,25 lít tại Montevideo có giá khoảng 3,4 USD và doanh số của mặt hàng này đã tăng vọt.

Hồi tháng Năm vừa qua, doanh số nước uống đóng sẵn đã tăng 224% so với một năm trước. Trong khi đó, các chuyên gia khí tượng dự báo rằng sẽ không có mưa, ít nhất là đến ngày 19/6. Theo bà Arballo, dù có mưa hay không, việc khoan tìm nguồn cung nước ngầm vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích