Thủ đô của Thái Lan khuyến cáo người dân nên làm việc tại nhà để tránh ô nhiễm

Thủ đô của Thái Lan khuyến cáo người dân nên làm việc tại nhà để tránh ô nhiễm

MTĐT –  Thứ năm, 26/01/2023 11:16 (GMT+7)

Theo dõi MTĐT trên

Các nhà chức trách đã kêu gọi người dân Bangkok làm việc tại nhà và đeo khẩu trang khi ở ngoài trời do mức độ ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng.

Theo trang tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời thị trưởng Bangkok Chadchart Sittipunt ngày 24/1 tuyên bố người dân nên làm việc tại nhà nếu có thể, hoặc chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng nếu họ cần đi lại.

Ông Chadchart Sittipunt cho biết thêm, các nhà chức trách sẽ tìm cách kiểm soát hoạt động gây ra bụi như đốt ngoài trời và xây dựng. Chất lượng không khí ở thủ đô Thái Lan hầu như ở mức không tốt cho sức khỏe kể từ 21/1. Các nhà chức trách cảnh báo rằng các hạt bụi mịn độc hại, được gọi là PM2.5, có thể vượt quá mức an toàn một lần nữa vào cuối tuần này.

tm-img-alt
Ô nhiễm không khí tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters

Theo công cụ giám sát IQAir của ứng dụng theo dõi ô nhiễm không khí AirVisual, mặc dù chất lượng không khí của Bangkok ở mức trung bình vào sáng 25/1, nhưng nó sẽ giảm xuống mức có hại cho sức khỏe từ 26/1.

Bangkok và các thành phố khác của Thái Lan đã phải “vật lộn” với chất lượng không khí xấu trong những năm gần đây. Tình trạng ô nhiễm có xu hướng tồi tệ hơn vào mùa khô tại nước này, khoảng từ tháng 12 đến tháng 2.

Thị trưởng Chadchart Sittipunt cho biết các nhà chức trách sẽ “giám sát chặt chẽ” mức độ ô nhiễm ở Bangkok từ nay đến cuối tháng 2. Ông cũng cho biết hiện tại, các trường học trong thành phố nên hoạt động như thường lệ.

Cơ quan kiểm soát ô nhiễm của Thái Lan đang đặt mục tiêu giảm 10% số ngày bị ô nhiễm nặng ở thủ đô Bangkok và 17 tỉnh phía Bắc vào năm 2023 bằng cách kiểm soát chặt chẽ các nguồn bụi mịn PM 2.5.

Ủy ban môi trường quốc gia và Nội các đã chấp thuận kế hoạch đặc biệt để giảm thiểu ô nhiễm khói mù vào năm 2023. Trọng tâm của kế hoạch này nhằm vào 3 khu vực gồm đô thị, nông nghiệp và rừng.

Đại Phong (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích