Thông tư 06/TT-NHNN: Nhiều quy định chưa phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật
(Xây dựng) – Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa tiếp tục có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06/2023/TT-NHNN để nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.
Còn gần 10 ngày nữa Thông tư 06 sẽ có hiệu lực, các doanh nghiệp vẫn đang băn khoăn về một số quy định và tính thời điểm của Thông tư (Ảnh: T/L). |
Tại Công văn số 117/2023/CV- HoREA, Hiệp hội nhận thấy, Thông tư 06 của NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng do được ban hành trước Nghị quyết 97/NQ-CP ngày 08/07/2023 của Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, nên chưa thể hiện đầy đủ chủ trương chuyển chính sách tiền tệ của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay.
Do đó, khoản 2, Điều 1 của Thông tư 06 bổ sung khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 Thông tư số 39 có quy định chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với một số quy định pháp luật và chưa thật phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản và các doanh nghiệp hoạt động theo phương thức đối tác công tư (PPP)…
Với lập luận trên, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khẩn trương xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư 06 để góp phần cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững.
Cụ thể, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 1 Thông tư 06, bổ sung khoản 8, Điều 8 Thông tư 39 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom.
Điều này là đúng và phù hợp với Điều 12, Thông tư 22/2019/TT-NHNN nhưng theo HoREA là không phù hợp thực tế, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với khoản 2, Điều 5, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Về Khoản 2, Điều 1, Thông tư 06 quy định tổ chức tín dụng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.
Theo HoREA, điều này chưa đồng bộ, chưa thống nhất với khoản 2, Điều 21 và Điều 24 Luật Đầu tư 2020 quy định “đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp” mà “đầu tư theo hình thức góp vốn” là 1 hình thức “hợp đồng hợp tác” theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015.
HoREA cho rằng, cần sớm gỡ những vướng mắc về Thông tư 06/TT-NHNN để gỡ khó cho thị trường bất động sản (Ảnh: T/L). |
Tại khoản 9, Điều 8, Thông tư 39 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2, Điều 1, Thông tư 06) cũng chưa đồng bộ, thống nhất với Điều 55 và Điều 57 Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định phải đảm bảo điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh thì mới được giao dịch và thực hiện thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai…
Hiệp hội kiến nghị xem xét sửa đổi khoản 9 Điều 8 quy định tổ chức tín dụng được cho vay đối với nhu cầu vốn để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư đã có văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện. Bên cạnh đó là bất cập ở khoản 2, Điều 1, Thông tư 06 bổ sung khoản 10, Điều 8, Thông tư 39 về quy định chi phí phát sinh dưới 12 tháng.
HoREA đề nghị xem xét gia hạn thêm 12 tháng đối với quy định các tổ chức tín dụng phải tuân thủ tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn đến ngày 1/10/2024, thay vì thời hạn ngày 1/10/2023 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thực hiện Nghị quyết 97 của Chính phủ.
Ngoài ra, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Thông tư 06 với các quy định pháp luật và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đề xuất tiếp cận vốn vay tín dụng có mục đích sử dụng vốn hợp pháp, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét bỏ khoản 8 Điều 8 do có dấu hiệu chưa phù hợp với khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013 và một số quy định của Luật như khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010; khoản 2 Điều 2 Bộ Luật Dân sự 2015; khoản 3 Điều 7, khoản 1 Điều 52, điểm h khoản 1 Điều 76, điểm d khoản 1 Điều 111 và khoản 3 Điều 180 Luật Doanh nghiệp 2020 và khoản 2 Điều 5, khoản 1, khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020…
Nguồn: Báo xây dựng