Thông tin phản ánh nhiều gói thầu tiết kiệm ngân sách thấp, bị đội giá tại Sở GD&ĐT An Giang

Công ty MBA trúng hàng loạt thầu lớn tại Sở GD&ĐT An Giang

Theo phản ánh, Công ty cổ phần quốc tế MBA (Công ty MBA; người đại diện pháp luật: Nguyễn Bá Tú; địa chỉ tại quận Bình Thạnh, Tp.HCM) là nhà thầu quen tại Sở GD&ĐT An Giang trúng hàng loạt gói thầu với mức tiết kiệm ngân sách không đáng kể. Cụ thể: Tính từ tháng 9/2018 đến tháng 8/2021, Công ty MBA được phê duyệt trúng 15 gói thầu tại Sở GD&ĐT An Giang với tổng trị giá lên tới gần 80 tỷ đồng. Dù được tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhưng có tới 9/15 gói thầu này chỉ có duy nhất Công ty MBA dự thầu và sau đó nghiễm nhiên được phê duyệt trúng thầu. Dư luận đặt dấu hỏi về tính hiệu quả, tiết kiệm của việc đấu thầu qua mạng tại cơ quan này.

Công ty MBA nhiều lần độc diễn ở gói thầu tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia do Sở GD&ĐT An Giang làm chủ đầu tư.

Theo quyết định số 1398/QĐ-SGDĐT ngày 21/09/2018 của Sở GD&ĐT An Giang phê duyệt gói thầu số 08: Cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng bộ môn Ngoại ngữ cho các điểm trường năm 2019, liên danh Công ty MBA được phê duyệt trúng thầu với giá 24.861.365.000 đồng (giá gói thầu 25.015.000.000 đồng). Trong đó riêng Công ty MBA trúng phần lớn với trị giá 21.132.245.000 đồng.

Tương tự, tháng 8/2021 bà Trần Thị Ngọc Diễm – Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang ký quyết định số 1457/QĐ-SGDĐT ngày 26/08/2021 phê duyệt Công ty MBA trúng gói thầu số 02: Cung cấp và lắp đặt thiết bị với giá 407.120.000 đồng (giá gói thầu 410.100.000 đồng).

Trước đó năm 2020 Công ty MBA cũng được phê duyệt trúng 5 gói thầu tại Sở GD&ĐT An Giang với tổng giá trị hơn 35 tỷ đồng. Đa phần các gói thầu do đơn vị này trúng đều có tỷ lệ tiết kiệm ngân sách hạn hẹp.

Thông báo trúng thầu do bà Trần Thị Ngọc Diễm ký.

Riêng trong năm 2019, Công ty MBA được phê duyệt trúng 7 gói thầu tại Sở GD&ĐT An Giang với tổng giá trị hơn 16,7 tỷ đồng. Đáng chú ý những gói thầu do Công ty MBA đều có chung một kịch bản kiệm ngân sách siêu thấp, nhiều gói thầu một mình dự thầu và sau đó được phê duyệt trúng thầu mà không có đối thủ cạnh tranh.

Năm 2018 Công ty MBA cũng được phê duyệt trúng gói thầu số 08: Cung cấp và lắp đặt thiết bị phòng bộ môn Tin học cho các điểm trường năm 2019 với giá 5.935.320.000 đồng (giá gói thầu 5.994.000.000 đồng).

Dấu hiệu đội giá thiết bị?

Không chỉ có mức tiết kiệm ngân sách hạn chế, một số thiết bị trong nhiều gói thầu trị giá lớn do Sở GD&ĐT An Giang làm chủ đầu tư còn có tình trạng “đội giá” ở nhiều sản phẩm có cùng xuất xứ, thông số kỹ thuật đang bán trên thị trường và giá mua của các đơn vị đầu tư công khác trong nước. 

Trên thị trường sản phẩm Máy in laser Canon, LBP 6230DN xuất xứ Việt Nam có giá bán thấp hơn khá nhiều so với giá mua của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang.

Cụ thể tại gói thầu số 09: Cung cắp và lắp đặt thiết bị phòng bộ môn Ngoại ngữ năm 2020 (Công ty MBA được phê duyệt trúng với giá 25.511.919.000 đồng, giá gói thầu là 25.624.710.000 đồng, một số thiết bị có dấu hiệu đội giá.

Theo đó, Máy in laser Canon, LBP 6230DN xuất xứ Việt Nam được Sở GD&ĐT An Giang duyệt mua với giá 5.760.000 đồng/cái. Trong khi đó sản phẩm có cùng thông số kỹ thuật, xuất xứ trên thị trường có giá thấp hơn đáng kể, chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/cái (đã bao gồm VAT, phí vận chuyển, lắp đặt). 

Sản phẩm Máy in laser Canon, LBP 6230DN do Sở TTTT Bình Dương mua với giá thấp hơn khá nhiều so với giá duyệt mua của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang.

Một so sánh khác, cùng thiết bị Máy in laser Canon, LBP 6230DN nhưng Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương duyệt mua với giá thấp hơn gần 3 triệu đồng/cái so với giá duyệt mua của Sở GD&ĐT An Giang, chỉ 3.990.000 đồng/cái.

Hay như tại gói thầu số 04: Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 năm 2020, liên danh Công ty TNHH Tuyết Nga và Công ty TNHH sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Khang An được phê duyệt trúng thầu với giá 6.281.398.000 đồng (giá gói thầu 6.458.788.000 đồng) theo quyết định số 1575/QĐ-SGDĐT ngày 28/10/2020 do bà Trần Thị Ngọc Diễm – Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang ký.

Tại gói thầu này chỉ duy nhất 1 liên danh dự thầu và sau đó trúng thầu dù tổ chức qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trong đó thiết bị Keyboard (đàn phím điện tử) Casio CT-X5000, xuất xứ Trung Quốc được duyệt mua với giá 12.700.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên theo khảo sát, sản phẩm này trên thị trường chỉ có giá dưới 10 triệu đồng/chiếc (đã bao gồm thuế VAT, phí vận chuyển).

Tương tự cùng thiết bị trên với thông số kỹ thuật và xuất xứ tương tự nhưng Ban quản lý đầu tư xây dựng quận Bình Tây (TP.HCM) mua phím đàn điện tử Casio CT-X5000 chỉ với giá 12 triệu đồng/cái, thấp hơn so với giá mua của Sở GD&ĐT An Giang lên tới 700 nghìn đồng/cái. Với số lượng cần mua là 92 cái trong gói thầu trên thì số tiền chênh lệch do mua thiết bị giá cao hơn thị trường và đơn vị khác lên tới cả trăm triệu đồng.

Sau khi xem xét hồ sơ, căn cứ theo các quy định của Luật Báo chí số: 103/2016/QH13 ngày 05/04/2016 và Nghị định số: 09/2017/NĐCP ngày 09/12/2017 của Chính Phủ quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính Nhà nước, Tạp chí điện tử Hòa Nhập có công văn số 104/CV-ĐTHN ngày 9/12/2021 gửi UBND tỉnh An Giang. Tạp chí điện tử Hòa Nhập rất mong nhận được thông tin phản hồi từ UBND tỉnh An Giang để giúp Tòa soạn trả lời bạn đọc.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích