Thông tin chính thức về đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam

Chiều 1/10, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức trao đổi, cung cấp thông tin về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án khoảng hơn 67 tỷ USD, dự kiến sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thời gian bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD.

Thông tin chính thức về đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Phối cảnh minh họa Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Đáng chú ý, tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, đây là thời điểm thích hợp để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP.

Dự kiến thời điểm triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao vào năm 2027, quy mô nền kinh tế sẽ lên đến khoảng 564 tỷ USD, nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.

Theo Bộ GTVT, Bộ này đã căn cứ Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, qua đó tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Về tốc độ, tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên vào khai thác 1964 tại Nhật Bản với tốc độ 200 – 250 km/h. Tốc độ 250 km/h hình thành phổ biến cách đây khoảng 25 năm.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc – Nam của nước ta.

Đinh Luyện

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích