Thống nhất tiêu chuẩn xây dựng hoàn thiện tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi xanh và đòi hỏi sự hiện đại hóa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cần phát triển đường sắt tốc độ cao để giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trong xu thế chuyển đổi xanh hiện nay.
Bên cạnh đó, “Phải giữ lại các nhà ga trung tâm ở các đô thị lớn mang tính biểu tượng, đồng thời bảo đảm hành lang an toàn bằng cách kết hợp với tuyến đi trên cao, đi ngầm”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Để làm được điều đó, Bộ Giao thông vận tải phải làm rõ hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm trên thế giới trong vận hành đường sắt tốc độ cao kết hợp vận tải hành khách với hàng hóa; phương án huy động nguồn vốn, phân kỳ đầu tư; mô hình tổ chức bộ máy quản lý, vận hành đồng bộ, thống nhất; phương án tiếp nhận, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ tiến tới làm chủ và xây dựng ngành công nghiệp đường sắt trong nước…
Bên cạnh việc thực hiện cải tạo, nâng cấp để khai thác hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có, Bộ Giao thông Vận tải đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt chuẩn bị đầu tư các dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia: Tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây; Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) – Thạch Lỗi (Đông Anh, Hà Nội) kết nối các tuyến đường sắt đi phía nam và phía bắc; TP Hồ Chí Minh – Cần Thơ kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ; Thủ Thiêm – Long Thành kết nối TP Hồ Chí Minh với Cảng hành không Long Thành; Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với TP Hồ Chí Minh, cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy đã chỉ ra rằng các dự án đường sắt quan trọng quốc gia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và vướng mắc khi các dự án đường sắt mang lại hiệu quả lớn về mặt kinh tế nhưng hiệu quả tài chính dự án chưa cao nên ngân sách nhà nước cần giữ vai trò chủ đạo và ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư.
Ngoài ra, công nghiệp đường sắt chưa sản xuất được phương tiện, thiết bị, linh kiện, phụ tùng cho đường sắt nói chung. Nguồn nhân lực chưa tiếp cận với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến; thiếu chuyên gia về đường sắt… đặc biệt là về quy mô lớn và tiêu chuẩn kỹ thuật phức tạp nền đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều bộ, ngành và địa phương.
GS.TS Lã Ngọc Khuê – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, ngoài mục tiêu vận tải hành khách, tuyến đường sắt tốc độ cao phải giải quyết được điểm nghẽn vận tải hàng hóa bằng đường sắt của Việt Nam, nhằm thay đổi cơ cấu của thị phần vận tải, có như vậy mới giảm chi phí logistic và dứt khoát phải liên thông với các tuyến đường sắt quốc tế.
Nhiều chuyên gia cũng đồng tình nhận định, trong tương lai, việc đánh thuế carbon sẽ làm chi phí vận tải đường bộ, đường thủy, hàng không tăng mạnh, trong khi đây sẽ là ưu thế của vận tải đường sắt chặng dài.
Có thể thấy, việc thống nhất tiêu chuẩn và hoàn thiện tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là một bước đi quan trọng mà còn là một hành động chiến lược trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Duy Trinh (t/h)