Thống nhất kiến nghị của Mặt trận gửi tới kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương và hơn 600 đại biểu ở điểm cầu Trung ương, địa phương.

Thống nhất kiến nghị của Mặt trận gửi tới kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện chương trình công tác năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam lần thứ mười bốn mở rộng. Hội nghị có hai nội dung quan trọng là thống nhất ý kiến, kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV; thông qua Chương trình giám sát phản biện xã hội năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, việc góp ý kiến thông qua dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV vừa đảm bảo nguyên tắc vừa đáp ứng kỳ vọng lắng nghe nhiều ý kiến để nâng cao chất lượng tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước và nâng cao một bước chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội IX MTTQ Việt Nam nhiệm kỳ 2019 – 2024.

Nhấn mạnh trong kế hoạch giám sát và phản biện xã hội năm 2023, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam dự kiến 6 nội dung giám sát, 3 nội dung phản biện chung trong toàn quốc để xin ý kiến Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho biết, nội dung giám sát, phản biện nào được đại biểu tham dự thống nhất sẽ tiến hành triển khai trong phạm vi toàn quốc; các tổ chức chính trị – xã hội cũng sẽ thực hiện từ 1-2 cuộc giám sát, phản biện xã hội. Ngoài ra, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố cũng thực hiện thêm một số cuộc giám sát, phản biện xã hội theo tình hình thực tế của địa phương hoặc theo chỉ đạo của cấp ủy địa phương.

Theo đó, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị đại biểu tham dự Hội nghị phát huy dân chủ, hăng hái thảo luận, đóng góp ý kiến vào các nội dung của Hội nghị. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ chỉ đạo tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo.

Trình bày Tờ trình cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu rõ, dự thảo Báo cáo được kết cấu, bố cục gồm 2 phần: Phần I: Về tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri và nhân dân; Phần II: Các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Thống nhất kiến nghị của Mặt trận gửi tới kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XV
Quang cảnh Hội nghị.

Trong đó, các nội dung tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của cử tri, nhân dân được trình bày theo các vấn đề lớn, mỗi vấn đề thể hiện ở 3 khía cạnh: Những vấn đề cử tri và nhân dân tin tưởng, phấn khởi, đánh giá cao; những vấn đề cử tri và nhân dân còn băn khoăn, lo lắng; những kiến nghị, đề xuất của cử tri và nhân dân gồm 6 nội dung: đánh giá chung; tình hình phát triển kinh tế; các vấn đề xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác; về thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và công tác đối ngoại.

Từ những nội dung trên, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi tới kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV 5 kiến nghị: Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, điều chỉnh chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, cơ chế tài chính, tự chủ trong y tế, giáo dục… để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc điều trị, vật tư y tế, thiếu trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, kiên quyết xử lý nghiêm minh các vụ án tham ô, tham nhũng, thu hồi tài sản cho Nhà nước…

Cũng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực đã trình bày Tờ trình cho ý kiến vào Kế hoạch giám sát năm 2023 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, gồm 6 nội dung: Giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm Quốc gia, một số dự án chậm tiến độ, đầu tư dở dang ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân; giám sát việc công khai, minh bạch, thực hiện thủ tục hành chính Nhà nước liên quan đến lĩnh vực đất đai; giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân của các bộ, ngành, địa phương; giám sát việc triển khai các công trình đầu tư vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số (theo Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 – 2025); giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác khuyến học, xây dựng xã hội học tập; giám sát việc thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.

Kế hoạch phản biện của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam gồm 3 nội dung: Phản biện xã hội Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) (trình Quốc hội lần 2); phản biện xã hội Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); phản biện xã hội Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cùng với đó các tổ chức chính trị – xã hội cũng tiến hành giám sát, phản biện xã hội theo chức năng và nhiệm vụ của mình.

B.D

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích