Thống nhất giữa Luật Đất đai (sửa đổi) và các luật liên quan
Nhiều đại biểu Quốc hội cơ bản đánh giá cao nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần 2. Tuy nhiên, qua đối chiếu dự thảo Luật với một số quy định của các luật liên quan và một số dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến cho thấy có một số vấn đề chưa thống nhất.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng tạo động lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: TTXVN. |
Không quy định chung chung
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 này. Đây là dự án Luật khó, rất quan trọng, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, được tổ chức, doanh nghiệp, cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Theo Đại biểu Ngô Chí Cường (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình tại kỳ họp này đã cơ bản giải quyết được nhiều tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước.
Ghi nhận những bước tiến trong dự thảo Luật, song nhiều đại biểu tiếp tục quan tâm đến tính tương thích với các luật khác và tính khả thi của các điều luật. Bởi, theo rà soát của Chính phủ, có ít nhất hơn 20 luật có liên quan đến dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, có 3 dự luật đang trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp này, gồm dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); và 1 dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh.
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang). |
Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) tán thành với phương án tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng, kịp thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung của các luật liên quan ngay tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tuy nhiên, đại biểu Lý Thị Lan cũng lưu ý, quá trình này cần bám sát nguyên tắc “bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của mỗi luật; không nhắc tại Luật này nội dung quy định của Luật khác và ngược lại; có quy định dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật khác nếu có liên quan…”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo Cơ quan soạn thảo và các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến các cơ quan của Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật có bước tiến quan trọng về chất lượng; các tài liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, nhiều nội dung đã được tiếp thu, giải trình.
Đối với những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, điều kiện thực tiễn chưa cho phép quy định ngay tại Luật để trình Quốc hội thông qua, đề nghị Chính phủ phối hợp báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, đối với những nội dung thực tiễn phát sinh nhưng chưa được tổng kết, do đó chưa được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, quá trình nghiên cứu, đánh giá tác động cho thấy có cơ sở hợp lý và nhận định cần thiết bổ sung quy định, đề nghị Ban Cán sự đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến, làm cơ sở hoàn thiện dự thảo Luật.
Mặt khác, nếu là những nội dung đã được tổng kết nhưng chưa đạt được sự đồng thuận, còn có ý kiến khác nhau, chưa đủ chín, đủ rõ về cơ sở lý luận và thực tiễn, vì vậy, không được kết luận tại Nghị quyết số 18-NQ/TW thì đề nghị không đưa vào dự thảo Luật.
Đối với một số nội dung, chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW chưa được thể chế trong dự thảo Luật vì không thuộc phạm vi điều chỉnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, triển khai theo Kế hoạch số 08-KH/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung các luật để thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW nhưng chưa có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh để bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định.
Theo đó, vấn đề đang gây chú ý của dư luận là giá đất, phương pháp định giá và đặc biệt là bảng giá đất xây dựng bao nhiêu năm (hàng năm, định kỳ 3- 5 năm hay lâu hơn sẽ hợp lý). Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế khẳng định, sau khi nghiên cứu Uỷ ban Kinh tế “cơ bản nhất trí việc xây dựng bảng giá đất hằng năm bảo đảm sự cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường”.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội đề nghị Bộ TN&MT, Chính phủ nghiên cứu để có lộ trình thích hợp và có phương án quy định linh hoạt hơn trong trường hợp đến thời hạn ngày 1/1/2026 vẫn chưa hoàn thành được việc xây dựng Bảng giá đất hằng năm, nhất là đối với các địa phương có điều kiện khó khăn, không có nhiều dữ liệu để xây dựng bảng giá đất.
Bên cạnh đó, Uỷ ban Kinh tế cho biết hiện một số ý kiến đề nghị nghiên cứu, cân nhắc quy định hằng năm ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, trong mỗi năm áp dụng bảng giá và hệ số điều chỉnh, đối với các khu vực có biến động 20% trở lên thì điều chỉnh hệ số điều chỉnh.
Cũng về vấn đề nóng của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, Uỷ ban Kinh tế không tán thành quan điểm của dự thảo Luật về “phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Uỷ ban Kinh tế cho rằng khái niệm này là chưa thực sự rõ ràng, chưa bảo đảm thể chế đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Vẫn có những quan điểm khác nhau ở một số luật
Với mong muốn các điều luật phải có tính khả thi, sớm đi vào cuộc sống sau khi Quốc hội thông qua, nhiều đại biểu nêu rõ, đối chiếu dự thảo Luật với một số quy định của các luật liên quan, cá biệt một số dự án Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến cho thấy có một số vấn đề chưa thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, quy định tại Luật Đất đai và Luật Nhà ở hiện hành có sự “chưa thống nhất”, dù nhà bao giờ cũng gắn với đất. Trong Luật Nhà ở hiện hành quy định, hợp đồng công chứng, chứng thực có hiệu lực từ thời điểm công chứng, nhưng theo Luật Đất đai hiện hành, giao dịch đất đai chỉ có hiệu lực khi đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Mâu thuẫn giữa hai quy định nêu trên tại hai luật dẫn đến trong thực hành án dân sự ở một số địa phương phát sinh hiện tượng dù đã mua bán xong, hợp đồng mua bán đã được công chứng, về nguyên tắc là hợp đồng đã có hiệu lực, nhưng, do bên bán chưa kịp đi đăng ký hoặc cơ quan đăng ký đăng ký rất chậm, nên khi đó nếu người bán phát sinh một khoản nợ, thì mảnh đất, căn nhà đã được giao dịch xong sẽ vẫn bị siết nợ, người mua đứng trước nguy cơ mất hoàn toàn quyền với các tài sản này.
“Luật Nhà ở nói rằng, giao dịch đó đã có hiệu lực, nhưng Luật Đất đai lại quy định chưa có hiệu lực. Điều này đã khiến cơ quan thi hành án bị kẹt ở giữa dù buộc phải đưa tài sản đi thi hành án”. Nêu thực tế này, đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) “phải xử lý được quan điểm khác nhau giữa hai Luật hiện hành”.
Còn Đại biểu Nguyễn Văn An (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) nhận thấy, tại Khoản 3, Điều 113 quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cùng cấp quyết định phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm của địa phương để đưa vào Quỹ phát triển đất. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu phí từ phí, lệ phí, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước theo nguyên tắc gắn với nhiệm vụ chi cụ thể. Đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị, cần có phương án xử lý điểm mâu thuẫn này để bảo đảm sự đồng bộ giữa hai đạo luật.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu rõ, tại Điều 120, dự thảo Luật quy định, Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sử dụng đất thương mại dịch vụ để hoạt động du lịch. Nhưng, đối chiếu với quy định tại Luật Du lịch hiện hành sẽ thấy hoạt động này rất rộng, gồm tất cả các hoạt động từ lưu trú, đi lại… Cho rằng, nếu quy định chung chung như dự thảo Luật sẽ khó cho thực thi, đại biểu đề nghị, cần quy định rất rõ để cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ một cách trọn vẹn hơn.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 gồm 16 chương, 263 điều, trong đó tăng 5 mục , bổ sung mới 40 điều, bỏ 13 điều so với dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Tiếp thu ý kiến góp ý của Nhân dân, một số chương, mục, điều đã được chỉnh sửa, thay đổi cơ bản về cấu trúc và nội dung. |
Nguồn: Báo xây dựng