Thống đốc: Thị trường ngày càng diễn biến tích cực, tâm lý ổn định

Thống đốc cho biết thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động, phản ứng kịp thời, nhờ vậy thị trường ngày càng diễn biến tích cực, tâm lý thị trường cũng đã được ổn định.

thong doc thi truong ngay cang dien bien tich cuc tam ly on dinh
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: Vietnam+)

“Một trong những vấn đề quan trọng của Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành trong thời gian tới sẽ phải chủ động, tăng cường dự báo, phân tích tình hình, cập nhật liên tục những diễn biến mới để chủ động điều hành,” đó là nhận định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào chiều ngày 6/11.

– Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội ở Quốc hội vừa qua, Thống đốc đã khẳng định một trong những trọng tâm, trong điểm trong điều hành là đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, xin Thống đốc cho biết thực trạng và những giải pháp nào để thực hiện được điều đó?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Hiện nay, thanh khoản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng vẫn tốt và vẫn dư thừa, chỉ có điều trong tháng Mười bị tác động chủ yếu bởi yếu tố tâm lý và diễn biến của tình hình kinh tế, tiền tệ quốc tế. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhanh chóng, kịp thời điều tiết thị trường, đưa tiền ra hàng ngày hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã họp với một số ngân hàng thương mại để cùng nhau phân tích, đánh giá thực tiễn, xác định điểm nghẽn thị trường, từ đó có giải pháp phù hợp. Các tổ chức tín dụng thống nhất trong bối cảnh hiện nay, cần đoàn kết, tin cậy, hỗ trợ nhau vì mục tiêu đảm bảo an toàn hệ thống và của từng ngân hàng.

Qua đánh giá, các ngân hàng đều đảm bảo các chỉ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên để chủ động ứng phó với những diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, các ngân hàng thống nhất cần có đánh giá thận trọng hơn để có giải pháp ổn định vững chắc hệ thống.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản, đảm bảo khả năng chi trả cho các tổ chức tín dụng, nhất là dịp cuối năm.

– Vậy đối với thị trường tiền tệ và ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước đánh giá thế nào về áp lực của thị trường thế giới đối với thị trường trong nước?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Bối cảnh quốc tế đặt ra áp lực không chỉ đối với Việt Nam mà là áp lực với tất cả các quốc gia trên thế giới. Khi chúng ta hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới là chúng ta đã sẵn sàng tâm thế, chủ động ứng phó với những biến động của thị trường quốc tế.

Thưc tế thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã rất chủ động, phản ứng kịp thời, nhờ vậy, thị trường ngày càng diễn biến tích cực, tâm lý thị trường cũng đã được ổn định.

Thời gian tới, một trong những vấn đề quan trọng là Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành phải chủ động, tăng cường dự báo, phân tích tình hình, cập nhật liên tục những diễn biến mới để chủ động điều hành đồng thời cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách.

Hiện nay, Thủ tưởng Chính phủ đã và đang chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm trọng điểm, điều đó sẽ giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Các giải pháp tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường thu hút đầu tư… cũng góp phần cải thiện cung cầu ngoại tệ, giảm áp lực đối với tỷ giá. Thực tế nhiều năm qua, nhiều thời điểm Ngân hàng Nhà nước can thiệp với khối lượng lớn nhưng sau đó lại mua ngoại tệ trở lại để tăng dự trữ ngoại hối.

– Vậy Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp gì để hoá giải những áp lực này?

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thị trường biến động nhưng đó là bối cảnh chung, quan trọng là nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn rất tích cực, vừa qua Công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tiếp tục xếp hạng Việt Nam ở mức BB, triển vọng tích cực.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chủ động bám sát tình hình để điều hành phù hợp, phù hợp với xu thế nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn, đặc thù của kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó sẽ phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể chính sách điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiên định và thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội./.

– Xin cảm ơn Thống đốc!

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích