Thông điệp của Thủ tướng: Cụ thể hóa, khái quát hóa kịp thời, đúng hướng, toàn diện, phù hợp tình hình

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Hồng Nguyên cho rằng, quan điểm điều hành kinh tế vĩ mô được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022 là một chủ trương rất nhất quán, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định, kiên trì thực hiện trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thời gian qua.

thong diep cua thu tuong cu the hoa khai quat hoa kip thoi dung huong toan dien phu hop tinh hinh
TS. Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới, theo phương châm: “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”.

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, TS. Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, quan điểm điều hành kinh tế vĩ mô nêu trên là một chủ trương rất nhất quán, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiên định, kiên trì thực hiện trong hoạt động chỉ đạo, điều hành thời gian qua.

Thông điệp của Thủ tướng là kịp thời, đúng hướng, toàn diện, tổng thể, phù hợp với tình hình và chắc chắn thông điệp này sẽ được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng và triển khai thực hiện hiệu quả trong thực tế.

Đại biểu nhấn mạnh, trong hơn 2 năm qua, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là dịch bệnh và những hệ lụy của dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu cũng như từng quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội; bám sát thực tiễn, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, bài bản, đề ra các giải pháp phù hợp gắn với kiểm tra, đôn đốc để vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng, đồng thời kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh…

Chủ trương giữ vững ổn định, nhất là ổn định về kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là một chủ trương nhất quán và từ sự ổn định này sẽ tạo điều kiện để các ngành, lĩnh vực phát triển nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế-xã hội, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, thời gian tới, trong bối cảnh thách thức và thuận lợi đan xen, để thực hiện hiệu quả phương châm: “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không”, thì ngoài sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cần sự nỗ lực hơn nữa của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, cũng như sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước, sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, linh hoạt, bám sát tình hình để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, khoa học, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, gắn liền với phát huy tinh thần đoàn kết, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập thể lãnh đạo, tất cả vì sự phục hồi và phát triển bền vững của đất nước, vì cuộc sống bình yên, ấm no hạnh phúc của nhân dân.

Cùng với sự linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ, phải đẩy mạnh hơn nữa chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc từ bên ngoài gắn với thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối những diễn biến phức tạp của dịch COVID–19 với biến chủng mới cùng nhiều dịch bệnh mới như dịch đậu mùa khỉ…

Bên cạnh phát triển kinh tế cần chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa giữa phát triển văn hóa, xã hội với phát triển kinh tế; xử lý hiệu quả những vấn đề nóng mà xã hội đang đặt ra về an sinh, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động để duy trì và ổn định cuộc sống sau cao điểm phòng, chống dịch COVID-19.

thong diep cua thu tuong cu the hoa khai quat hoa kip thoi dung huong toan dien phu hop tinh hinh
Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa: Cần kiên định phương châm chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả – Ảnh: VGP/Lê Sơn

Lan tỏa phương châm trong hoạt động của các bộ, ngành, địa phương

Đại biểu Quốc hội Bùi Mạnh Khoa, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ ấn tượng rất mạnh với nội dung cuối cùng của phương châm này là “kiên quyết không”, cụ thể là kiên quyết không điều hành giật cục, chuyển trang thái đột ngột từ cực này sang cực kia mà phải luôn chủ động, linh hoạt, sáng tạo, khoa học, hiệu quả và chắc chắn.

Đại biểu mong muốn phương châm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng nêu trên ngấm sâu, lan tỏa trong hoạt động của các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, tạo sức mạnh tổng lực để nước ta tận dụng tối đa những cơ hội phát triển trong bối cảnh dịch bệnh đã được kiểm soát, nhằm duy trì đà phục hồi và phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cũng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhấn mạnh phương châm về 4 ổn định được Thủ tướng khái quát là rất đúng và trúng bởi những yếu tố ổn định này luôn có quan hệ biện chứng, có sự tác động qua lại lẫn nhau, yếu tố là nền tảng, điều kiện thúc đẩy cho yếu tố kia, đại biểu Bùi Mạnh Khoa cho rằng, từ nền tảng là những nhân tố ổn định, sau cao điểm phòng chống dịch COVID–19, các hoạt động kinh tế-xã hội ở nước ta đã trở lại trạng thái bình thường.

Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động sản xuất, kinh doanh; các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp làm ăn, phát triển.

Dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhất là những biến chủng mới của dịch COVID–19, cùng với đó là bệnh đậu mùa khỉ và nhiều dịch bệnh khác đã được các tổ chức y tế quốc tế dự báo có thể phát sinh trong tương lai; cần hết sức cảnh giác, không chủ quan, lơ là trước dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần chú trọng kiện toàn, phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng; chủ động nghiên cứu vaccine, cũng như tìm kiếm các nguồn vaccine để nhập khẩu nhằm ứng phó hiệu quả với những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ… qua đó góp phần hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến sức khỏe, tính mạng của nhân dân./

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích