Thời tiết khắc nghiệt đang bao trùm thế giới

Thời tiết khắc nghiệt đang bao trùm thế giới

Thời tiết ngày càng khắc nghiệt ở hàng loạt khu vực trên thế giới đang đẩy con người vào ngưỡng rủi ro cao hơn bao giờ hết.

Trong tuần qua, tình hình thời tiết cực đoan đã lan rộng nhiều khu vực đông dân trên thế giới, các nước trải dài từ châu Mỹ, châu Á đến châu Úc đều báo cáo mức nhiệt độ cao gần như kỷ lục. Ngoài tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến nóng lên toàn cầu, hiện tượng El Nino đang quay trở lại cũng góp phần gây ra thời tiết cực đoan ngày càng nhiều, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh kế của người dân.

Nắng nóng, mưa bão

Theo CNN đưa tin, hàng trăm ngàn người ở đông nam nước Mỹ chịu cảnh mất điện sau khi bão lớn tàn phá khu vực này. Khoảng 50 triệu người Mỹ, ở hàng loạt tiểu bang dự kiến trải qua những ngày nóng khắc nghiệt trong kỳ nghỉ lễ quốc khánh 4/7.

Tại châu Âu, Ý có nhiệt độ dự kiến trên 40 độ C ở nhiều khu vực. Nước này kêu gọi người dân hạn chế hoạt động ngoài trời. Ở Anh, người dân sẽ đối diện thêm một đợt nắng nóng vào tháng 7, có thể kéo dài tới 14 ngày với mức nhiệt 40 độ C ở một số khu vực, kéo theo nguy cơ sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh, theo tờ Mirror. Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha thì dự đoán nhiệt độ miền nam nước này sẽ lên tới 44 độ C và kéo dài đến ngày 29/6.

Tình hình tương tự ở châu Á. Trung Quốc vẫn đang trong đợt nắng nóng kỷ lục. Tuần trước, tờ South China Morning Post đưa tin Bắc Kinh ghi nhận nhiệt độ lên tới 41 độ C và phải nâng cảnh báo lên mức cao nhất. Đây là lần đầu tiên mức nhiệt này được ghi nhận trong 2 ngày liên tiếp kể từ năm 1951, theo Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA).

tm-img-alt

Người dân trong ngày cảnh báo đỏ nhiệt độ cao kỷ lục ở Bắc Kinh (Ảnh: AFP)

Một số thành phố ở miền bắc Ấn Độ đang hứng chịu mưa lớn sau đợt nắng nóng oi bức gần đây. Tuần trước, nhiệt độ ở một số khu vực Ấn Độ đã tăng vọt lên 47 độ C, khiến hàng trăm người gặp vấn đề về sức khỏe do sốc nhiệt. Các chuyên gia cho rằng khủng hoảng khí hậu sẽ gây ra các đợt nắng nóng thiêu đốt thường xuyên hơn và kéo dài hơn trong tương lai, thử thách khả năng thích ứng của Ấn Độ.

Trong khi đó, nhiệt độ ở miền trung và bắc Úc lại giảm xuống mức đóng băng kèm theo mưa lớn, và thậm chí có tuyết rơi. Cảnh báo lũ lụt đã được đưa ra cho các khu vực phía nam và phía tây lãnh thổ bắc Úc. Đây được cho là kết quả của hiện tượng La Nina, với việc nhiệt độ giảm đột ngột. Úc đã trải qua 3 lần La Nina, do đó chuyên gia cảnh báo lần này sẽ là sự trở lại của El Nino (đối lập với La Nina), dẫn tới nguy cơ xuất hiện thiên tai và tăng rủi ro hỏa hoạn.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo Euronews, nhiệt độ cao khiến các mạch máu con người giãn nở, dẫn đến việc huyết áp giảm đột ngột. Sau thời gian dài tiếp xúc với nhiệt độ cực cao, con người mất khả năng đổ mồ hôi và cuối cùng là não bộ ngừng hoạt động.

Cơ quan Môi trường châu Âu năm ngoái cảnh báo nhiệt độ cao có thể giết chết 90.000 người châu Âu mỗi năm vào cuối thế kỷ này. Người châu Âu đặc biệt dễ bị ảnh hưởng do dân số đang già đi.

Trước tình hình trên, Tây Ban Nha đã đề xuất thành lập cơ quan nghiên cứu tác động của thời tiết nhằm giảm thiểu hậu quả đối với sức khỏe, đồng thời đặt ra quy định về nhiệt độ tối đa và tối thiểu đối với nơi làm việc.

Cục Khí tượng Trung Quốc hôm 23.6 đã ra hướng dẫn ứng phó khẩn cấp với nhiệt độ cao trên toàn quốc. Tại Mỹ, chính quyền bang Texas ban hành luật yêu cầu chủ lao động cho công nhân xây dựng được nghỉ 10 phút để uống nước sau mỗi 4 giờ làm việc. Trong khi đó, chính quyền địa phương ở một số nước châu Á đã khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động quá sức, cũng như có biện pháp đóng cửa trường học giữa bối cảnh nắng nóng như thiêu đốt.

An Đông (T/h)

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích