Thói quen, tập quán kinh doanh khiến doanh nghiệp gặp khó khi chuyển đổi số

Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2021 được xây dựng trên khảo sát 1.300 doanh nghiệp, là ấn phẩm đầu tiên cung cấp những thông tin về những khó khăn, thách thức, cũng như nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số.

Ông Lê Mạnh Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Hiện nay, cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa. Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây, nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý”.

Thói quen, tập quán kinh doanh khiến doanh nghiệp gặp khó khi chuyển đổi số
Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đã khiến các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp Việt Nam với sức cạnh tranh còn thấp càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các doanh nghiệp đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Từ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, với mong muốn các doanh nghiệp thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Báo cáo, có đến 60,1% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết rào cản mà họ gặp phải khi áp dụng công nghệ số là chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao. Điều này một phần cũng do tác động bởi đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp giảm doanh thu, thiếu hụt nguồn vốn, ảnh hưởng đến chi phí đầu tư, triển khai, duy trì các giải pháp cho chuyển đổi số.

Rào cản thứ hai, theo các doanh nghiệp, là khó khăn trong thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh (chiếm tỷ lệ 52,3% ý kiến số doanh nghiệp tham gia khảo sát). Cụ thể, việc chuyển đổi số sẽ thay đổi thói quen và cách làm việc của người lao động, một số doanh nghiệp đã ứng dụng phần mềm nhưng nhân viên, người lao động không ứng dụng, hoặc chỉ ứng dụng một phần, khiến mục tiêu chuyển đổi số không đạt được…

Thói quen, tập quán kinh doanh khiến doanh nghiệp gặp khó khi chuyển đổi số
Toàn cảnh hội thảo.

Đáng quan tâm, các doanh nghiệp có quy mô khác nhau gặp rào cản ở mức độ khác nhau, trong đó, các doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế gặp khó khăn nhiều nhất về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. Còn doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, có tiềm lực tài chính tốt hơn thì gặp rào cản nhiều nhất về thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh.

Theo kết quả khảo sát, đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu chuyển đổi số, 57% doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp tiếp thị trực tuyến, 53,7% doanh nghiệp có nhu cầu về các giải pháp làm việc nội bộ. Tiếp đến là các giải pháp giao dịch điện tử (43%) và hạ tầng mạng, dữ liệu (39,6%).

Đối với các doanh nghiệp đang tăng trưởng và có nhu cầu chuyển đổi số để tăng tốc, nhu cầu lớn nhất trong giai đoạn này là giải pháp về phân tích dữ liệu, báo cáo thông minh (với 63,5% tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn).

60,7% tổng số doanh nghiệp khảo sát có nhu cầu về giải pháp về quản lý hệ thống khách hàng và quản lý kênh bán hàng. Hai giải pháp còn lại bao gồm hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp và an toàn dữ liệu có nhu cầu tương đương nhau với lần lượt 57,8% và 50,2% số doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn.

Đối với các doanh nghiệp muốn chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, có tới 43,9% doanh nghiệp có nhu cầu hỗ trợ từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như hướng dẫn việc khởi tạo và duy trì tài khoản, xây dựng mô hình kinh doanh, tiếp thị, vận chuyển khi tham gia các sàn thương mại điện tử; 42,3% có nhu cầu hỗ trợ về các giải pháp vận chuyển, kho bãi, logistics xuyên biên giới và 35,5% doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp thanh toán xuyên biên giới…

Phương Thảo

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích