Thoát nước xanh từ góc nhìn pháp lý

Thoát nước xanh từ góc nhìn pháp lý

Pháp luật điều chỉnh hoạt động thoát nước và xử lý nước thải chưa được quy định trong các văn bản luật hiện hành.

Với vai trò quan trọng của nước sạch, thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải đối với cuộc sống con người; đồng thời để giải quyết những bất cập khi thực hiện quy định hiện hành, cần thiết phải xây dựng, ban hành luật điều chỉnh về thoát nước.

Từ những bài học kinh nghiệm về khung pháp lý liên quan đến vấn đề thoát nước của các quốc gia trên thế giới, trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày một rõ rệt và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hệ thống thoát nước xanh và bền vững đang được quan tâm và đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay của đô thị.

Để tạo một hành lang pháp lý nhằm phát triển hạ tầng thoát nước xanh, bền vững, Chính phủ cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.

Xây dựng và phát triển đô thị thông minh đang là xu hướng tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Một trong những tiêu chí quan trọng của đô thị thông minh là cần phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông minh, bao gồm, hệ thống giao thông, cấp và thoát nước thông minh, xử lý chất thải rắn và kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, thoát nước và xử lý nước thải, vệ sinh môi trường là những nội dung quan trọng trong quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị, nhằm giảm thiểu những mặt tiêu cực do chất thải phát sinh từ các hoạt động của đô thị, cũng như là các quá trình tự nhiên (mưa, bão, hạn hán…), góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thoát nước xanh từ góc nhìn pháp lý
Thi công tuyến ống thoát nước mưa hai bên đường nội bộ của một dự án Trung tâm hành chính. Ảnh: internet

Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và thiên tai, nước ta đang phải gánh chịu những cơn mưa, bão bất thường, gây ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng ở các thành phố.

Tại Nghị quyết 77/NQCP ngày 08/6/2022 về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng “Phối hợp với các địa phương có vùng đô thị lớn (Hà Nội, TP.HCM…) rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với thiên tai, BĐKH”.

Nhận thấy tính cấp thiết cần phải có một đánh giá tổng hợp về pháp luật liên quan đến hạ tầng thoát nước ở Việt Nam nói chung và tại các đô thị Việt Nam nói riêng, nhóm tác giả đưa ra các quan điểm về thoát nước xanh dưới góc nhìn pháp lý, kết hợp cùng những bài học kinh nghiệm về khung pháp lý liên quan đến vấn đề thoát nước của các quốc gia trên thế giới, để từ đó khuyến nghị những giải pháp về chính sách pháp lý cho thoát nước xanh bền vững tại các đô thị Việt Nam nhằm ứng phó với BĐKH.

1. Hiện trạng các quy định pháp lý về thoát nước ở Việt Nam

Trong nhiều năm qua, đa số nước thải sinh hoạt, sản xuất, nước thải từ chăn nuôi được xả trực tiếp ra môi trường và dòng chảy mặt, gây ô nhiễm nặng nề, nhất là các dòng chảy mặt tại các đô thị, khu dân cư tập trung. Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải ở hầu hết các địa phương vẫn chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội; việc giám sát, quản lý và xử lý các vấn đề liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải chưa được thực hiện một cách có hệ thống; tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường do nước thải vẫn đang là bài toán khó đối với các cấp chính quyền.

Hiện nay, pháp luật điều chỉnh hoạt động thoát nước và xử lý nước thải chưa được quy định trong các văn bản luật hiện hành; chỉ được quy định bằng nghị định (quy định trực tiếp, không có luật hướng dẫn) bao gồm: Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014 – thay thế Nghị định số 88/2007/NĐ-CP ngày 28/5/2007 về thoát nước và xử lý nước thải.

Các nghị định nêu trên quy định về các hoạt động trong thoát nước và xử lý nước thải tại khu vực đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải trên lãnh thổ Việt Nam.

Đồng thời, trong hệ thống pháp luật, có những luật liên quan trực tiếp đến thoát nước và xử lý nước thải như:

Luật Quy hoạch đô thị quy định cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải là đối tượng, nội dung của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, đề ra yêu cầu đối với quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải. Luật Xây dựng quy định rõ quy hoạch xây dựng phải ứng phó với BĐKH, bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương.

Luật Tài nguyên nước yêu cầu về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Luật Bảo vệ môi trường lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch và giải pháp ứng phó với BĐKH được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội của chiến lược, quy hoạch. Luật Thủy lợi quy định việc vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi có giải pháp điều tiết nước trong điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện thời tiết bất thường có tính đến yếu tố BĐKH.

Một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn… đều có nội dung liên quan đến BĐKH, quy hoạch, quản lý đô thị trong đó có quy hoạch, quản lý thoát nước và xử lý nước thải.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao liên quan đến quản lý nhà nước trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, Bộ Xây dựng chủ trì ban hành 3 thông tư về thoát nước, xử lý nước thải, một số thông tư ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, thiết kế công trình cấp, thoát nước, xử lý nước thải; Bộ NN&PTNT ban hành 1 thông tư hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn; Bộ Tài chính chủ trì trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng cấp nước sạch và Thông tư quy định về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước sạch sinh hoạt; Bộ Y tế ban hành Thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy định chất lượng nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt; Bộ TN&MT chủ trì trình Chính phủ ban hành một số nghị định hướng dẫn Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và ban hành Thông tư liên quan đến quản lý, bảo vệ, khai thác tài nguyên nước, kiểm soát ô nhiễm môi trường do nước thải.

Về phía địa phương, nhằm cụ thể hóa các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, các địa phương đã ban hành nhiều quy định liên quan đến quản lý phát triển thoát nước và xử lý nước thải phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Do chưa có luật chuyên ngành, hoạt động, dịch vụ về thoát nước bị chi phối bởi nhiều luật khác có liên quan đang tác động trực tiếp đến việc huy động nguồn lực đầu tư, vận hành công trình xử lý nước thải và bảo đảm quản lý nước thải an toàn và bền vững.

Hiện nay, trên cơ sở rà soát trên 20 văn bản luật hiện hành cho thấy: Các luật hiện hành chưa quy định các nội dung chi tiết các hoạt động liên quan đến thoát nước mưa chống ngập, thu gom, xử lý nước thải, quản lý dịch vụ. Hiện nay, các nội dung này đang được quy định trong Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, Nghị định số 124/2011/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP. Một số nội dung có liên quan về hỗ trợ đầu tư, huy động nguồn lực đầu tư, quản lý dự án, tài sản, phí trong các nghị định như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018, Nghị định số 43/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Nghị định số 53/2020/NĐ-CP ngày 05/5/2020,… Nhưng những quy định này chưa đầy đủ hoặc chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản hoặc hạn chế trong tính khả thi khi thực hiện.

Với vai trò quan trọng của nước sạch, thoát nước chống ngập, thu gom và xử lý nước thải đối với cuộc sống con người; đồng thời để giải quyết những bất cập khi thực hiện quy định hiện hành, cần thiết phải xây dựng, ban hành luật điều chỉnh về thoát nước trên cơ sở quy định nội dung sản xuất, chống ngập, thu gom, xử lý nước thải và quản lý dịch vụ thoát nước, xử lý nước thải trong Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, Nghị định số 80/2014/NĐ-CP thành văn bản luật; kết hợp bổ sung những quy định mới trở thành văn bản luật đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

2. Kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong xây dựng pháp luật liên quan đến vấn đề thoát nước

Hiện nay, hầu hết các nước phát triển và đang phát triển trên thế giới đều có Luật Thoát nước hoặc Luật Cấp, thoát nước, hoặc kết hợp với một số lĩnh vực khác như tài nguyên nước, sức khỏe cộng đồng, xây dựng… Nội dung Luật Thoát nước của các quốc gia chủ yếu quy định về quản lý đầu tư, vận hành và bảo dưỡng công trình thoát nước, quản lý đấu nối, chất lượng dịch vụ, vai trò, công cụ kiểm soát của Chính phủ.

Nhìn chung, Chính phủ các nước quan tâm đến việc thu gom, xử lý nước thải và phát triển kinh – tế xã hội; giao cho một cơ quan cấp Bộ quản lý (có quốc gia do Chính phủ trực tiếp quản lý và thành lập Ủy ban ngành nước) bảo đảm quyền được sử dụng nước sạch hay quyền được tiếp cận nước sạch, đồng thời bảo đảm môi trường sống của người dân.

2.1. Kinh nghiệm từ khung pháp lý về thoát nước của Nhật Bản

Tại Nhật Bản, tốc độ tăng trưởng kinh tế quá nhanh từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước đã làm cho đất nước phải chịu những áp lực lớn từ các vấn đề môi trường, như ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất,…

Trước thực trạng này, Chính phủ Nhật Bản đã phải tiến hành các giải pháp để cải thiện hệ thống pháp luật và thiết lập cơ quan quản lý nhà nước về môi trường nhằm giải quyết cùng lúc 3 vấn đề: Giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường; giảm được chi phí kiểm soát ô nhiễm và chi phí về sức khỏe của cộng đồng; giảm giá thành sản xuất và giảm chi phí năng lượng.

Đây cũng chính là tư duy mới về quản lý sản xuất, nghĩa là không phải chỉ lo xử lý chất thải ở công đoạn cuối của sản phẩm mà phải tính toán ngay từ đầu để sản xuất hợp lý nhất, phát thải ít nhất.

Từ năm 1993, hệ thống Luật Môi trường cơ bản đã được ban hành, đưa ra hệ thống kiểm soát ô nhiễm, bao gồm các chính sách và quy định về hệ thống kiểm soát ô nhiễm không khí, hệ thống kiểm soát ô nhiễm nước, các vấn đề ô nhiễm đất, các tiêu chuẩn quốc gia về chất độc hại; hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về chất lượng môi trường; những biện pháp kiểm tra và kiểm soát nghiêm ngặt môi trường sản xuất công nghiệp; các quy định về trách nhiệm của cơ sở gây ô nhiễm…

Luật Thoát nước ở Nhật Bản bao gồm 34 Điều, đề cập nhiều mặt để đáp ứng nhu cầu xã hội, song tập trung vào quản lý và quản trị 4 khía cạnh môi trường, tài chính, phát triển đô thị và quản lý tài sản công.

Cụ thể, ở khía cạnh môi trường, việc quản lý lưu vực sông và xử lý, tái sử dụng bùn phù hợp cần được lưu ý, trong đó chính sách và quy định chống chôn lấp bùn là rất cần thiết.

Trong khía cạnh tài chính, cần thiết lập nguyên tắc tài chính như phí và hỗ trợ tài chính của Nhà nước; dùng biện pháp tính toán về giá theo hình thức chi phí toàn bộ và trợ cấp từ Chính phủ hỗ trợ cơ quan quản lý về hệ thống thoát nước, với sự tham gia của Bộ Tài chính.

Trong phát triển đô thị, để thích ứng với BĐKH cần có biện pháp kiểm soát ngập úng cả phần cứng và phần mềm, quản lý và quy hoạch đô thị. Làm được điều này cần có sự đồng lòng tham gia của các bên liên quan để đưa ra giải pháp toàn diện.

Trong quản lý tài sản công, cần quy định mức phạt, hệ thống tiền xử lý và hệ thống cơ sở dữ liệu. Quy định hình phạt (phạt tiền và phạt tù) đối với các hoạt động có thể làm hỏng các công trình thoát nước và xử lý nước thải, hệ thống cơ sở dữ liệu và thông báo khánh thành.

Bên cạnh đó, hình thức Hợp tác công tư (PPP) có thể là một trong những lựa chọn để thúc đẩy đầu tư, nhưng cũng cần xem xét về cơ bản các công trình xử lý nước thải mang tính công cộng cao và kinh doanh độc quyền.

Mục đích của Luật Cấp, thoát nước là đóng góp vào sự phát triển lành mạnh của các đô thị và cải thiện sức khỏe cộng đồng, đồng thời bảo vệ chất lượng nước ở các vùng nước công cộng bằng cách quy định các vấn đề liên quan đến quy hoạch toàn diện lưu vực hệ thống thoát nước và các tiêu chuẩn,… để lắp đặt và cho các hoạt động quản trị khác của hệ thống thoát nước công cộng, hệ thống thoát nước khu vực và hệ thống thoát nước mưa đô thị để phát triển hệ thống thoát nước.

Tháng 5/2021, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành luật mới về “phòng, chống lũ lụt trên toàn lưu vực” nhằm ngăn chặn thảm họa nước bằng cách quy định các biện pháp đối phó toàn diện trên lưu vực sông.

Hội Thoát nước Nhật Bản (JSWA) đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin và sắp xếp dữ liệu về các công trình thoát nước. Số liệu thống kê và dữ liệu về các công trình xử lý nước thải đều có trên trang web của JSWA và được xuất bản hàng năm, có thu phí.

2.2. Kinh nghiệm từ khung pháp lý về thoát nước của Singapore

Ý tưởng về đất nước Singapore hiện đại có môi trường trong sạch xuất hiện vào những năm đầu của thập kỷ 60, đánh dấu bằng chiến dịch trồng cây xanh trên phạm vi cả nước do nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu phát động vào năm 1963. Tháng 8/1970, bộ phận phòng, chống ô nhiễm trực thuộc Văn phòng Thủ tướng được thành lập và tháng 9/1972, cấu trúc Bộ Môi trường hoàn chỉnh đã hình thành. Cuối thập kỷ 70, thế giới đã biết đến Singapore với tên gọi thành phố vườn, thành phố xanh và sạch.

Đạt được kết quả này là vì Singapore đã có chính sách môi trường đúng đắn, hệ thống pháp luật môi trường hoàn chỉnh cùng cơ chế đặc biệt đảm bảo thực hiện pháp luật nghiêm túc, có hiệu quả trên thực tế.

Các văn bản pháp lý trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được chia làm 2 loại: Luật “cứng” và luật “mềm”. Luật “cứng” bao gồm các văn bản pháp luật trong nước, các thỏa thuận quốc tế cũng như khu vực. Luật “mềm” bao gồm các kế hoạch và chương trình hành động quốc gia.

Trong lĩnh vực thoát nước, Chính phủ rất quan tâm đến việc ngăn chặn khả năng gây ô nhiễm nguồn nước. Đạo luật về thoát nước và kiểm soát ô nhiễm nước (Water Pollution Control and Drainage) quy định việc kiểm soát chất thải lỏng từ sinh hoạt của dân cư cũng như từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đạo luật này cũng đòi hỏi để đảm bảo giữ cho nước nội địa được trong sạch là tất cả nước thải từ bất kì hoạt động nào đều phải thải vào trong hệ thống cống thoát nước hoặc xử lý trước khi thải vào các nguồn nước nói trên.

Đạo luật về hệ thống cống tiêu thoát nước được ban hành nhằm điều chỉnh việc xây dựng, duy trì và cải tạo, nâng cấp các hệ thống cống rãnh và hệ thống tiêu thoát nước dưới mặt đất, điều chỉnh việc xử lý nước thải thương mại cũng như các vấn đề liên quan đến các hoạt động nêu trên. Singapore được công nhận là nhà tiên phong toàn cầu trong công nghệ xử lý nước và đã thiết lập hẳn một đơn vị quản lý nước từ năm 1972 với tên gọi là Cục Quản lý nước Singapore (PUB).

Pháp luật môi trường Singapore lấy chế tài hình sự là công cụ cơ bản nhất để thực thi. Biện pháp này được áp dụng đối với người bị kết án phạt tiền, phạt tù, bắt bồi thường và đối với những vi phạm nhỏ thì phạt cải tạo lao động bắt buộc (chỉ áp dụng đối với những bị cáo đủ 16 tuổi trở lên và đủ tiêu chuẩn y tế). Các hình phạt gồm: Phạt tiền, phạt tù, tạm giữ và tịch thu tài sản, lao động cải tạo bắt buộc.

Chế tài hình sự là quan trọng nhất trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các chế tài hành chính và chế tài dân sự trong pháp luật Singapore cũng góp phần tạo nên khuôn khổ và trật tự mà pháp luật đặt ra để bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả.

2.3. Kinh nghiệm từ khung pháp lý về thoát nước của Hoa Kỳ

Luật Nước sạch năm 1972 là một trong những luật có hiệu quả của Mỹ, được ban hành nhằm phục hồi, duy trì và bảo vệ nguồn nước, đảm bảo cung cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt, giải trí của người dân và đem đến môi trường sống an toàn cho nhiều loài thủy sinh. Trong 32 năm qua, Luật Nước sạch vẫn phát huy được sức mạnh, tính bền vững, hiệu quả và chặt chẽ.

Trong lịch sử nước Mỹ, Luật Nước sạch năm 1972 được xem là bộ luật thành công và ra đời nhanh nhất, bắt nguồn từ sự kiện dòng sông Cuyahoga (Tiểu bang Ôhio) bị bốc cháy vào tháng 6/1969. Với chiều dài 160 km và có lưu vực khoảng 2.100 km2, dòng sông này chảy vào hồ Erie – một trong những hồ lớn nhất của Mỹ.

Hồ Erie nằm cạnh thành phố Cleveland, một thành phố công nghiệp, với nhiều nhà máy, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nặng như sản xuất thép, giấy, hóa chất… đây là những ngành thải ra nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, trong đó có các chất độc, chất dễ cháy.

Những chất gây ô nhiễm này được các nhà máy xả thẳng ra hệ thống cống thoát nước chung của thành phố và ra sông Cuyahoga. Bề mặt sông bị bao phủ bởi một lớp dầu nhờn màu nâu cũng như lớp dầu đen nặng nổi thành váng trên mặt nước dày khoảng 20 cm, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước bằng 0, hầu như không có loài sinh vật nào tồn tại, mức độ ô nhiễm nặng khiến dòng sông tự bốc cháy.

Đây không phải là lần duy nhất dòng sông này bị cháy, năm 1936, nó đã bị cháy lần đầu tiên khi tia lửa của đèn hàn đốt cháy mảnh vụn và dầu mỡ nổi trên mặt sông. Trong những năm sau đó, dòng sông này bị cháy thêm một số lần, đến ngày 22/6/1969, mức độ ô nhiễm chất thải công nghiệp trong nhiều năm tại dòng sông đã lên đến đỉnh điểm, làm cho dòng sông bốc cháy. Từ đó, Cuyahoga trở thành tâm điểm của vấn đề ô nhiễm trên khắp nước Mỹ.

Ở một số bang như California cũng ban hành Luật Nước sạch, tuy nhiên chỉ là trong phạm vi của một bang, không áp dụng cho toàn quốc. Việc dòng sông bốc cháy và nhiều hoạt động diễn ra sau đó đã làm cho Quốc hội Mỹ phải nhanh chóng ban hành Luật Nước sạch vào năm 1972.

Luật Nước sạch được xây dựng với 2 cách tiếp cận chính là: Quy tắc bảo vệ chất lượng nước dựa trên việc thiết lập các tiêu chuẩn có thể thực thi áp dụng cho hóa chất, vật lý và sinh học trong nguồn nước; tiến hành biện pháp bảo vệ môi trường nước dựa trên yêu cầu về công nghệ xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất, nhằm đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.

Từ những năm đầu thập niên 2000, Hoa Kỳ đã khuyến nghị sử dụng cơ sở hạ tầng xanh để cắt giảm dòng chảy của nước mưa. Nhiều thành phố đã lựa chọn xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải riêng biệt. Hệ thống thoát nước hết sức tiên tiến kết hợp tràn và hệ thống vệ sinh ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước ở nhiều nơi ở Mỹ.

3. Xu hướng thoát nước xanh, bền vững

Khái niệm hạ tầng xanh (HTX) lần đầu tiên được đề xuất bởi hai nhà nghiên cứu Mark A. Benedict và Edward T. McMahon từ năm 2002. Theo đó, HTX là “… một mạng lưới liên kết những không gian xanh nhằm bảo tồn các giá trị và chức năng của hệ sinh thái, đồng thời mang đến các lợi ích cho con người”.

Giờ đây, khái niệm HTX được mở rộng hơn, không chỉ bao gồm các không gian xanh mà còn là “các nguồn tài nguyên sinh vật trong đô thị được con người điều chỉnh để phục vụ các chức năng sinh thái và mang lại lợi ích cho con người (Matthews và cộng sự, 2015). Khái niệm HTX còn được sử dụng thay thế cho các khái niệm Hạ tầng xanh – xanh (Blue – Green Infrastructure), Hạ tầng nước mưa xanh (Green Stormwater Infrastruture) hay Phát triển tác động thấp (Low – Impact).

Trong đó, HTX không chỉ đơn giản là trồng nhiều cây xanh hay xây dựng các không gian xanh đô thị mà còn rất nhiều giải pháp được thực hiện đồng thời và trên tất cả các quy mô (từ quy mô nhà ở, đơn vị ở, đô thị đến quy mô vùng).

Các thành phần chính của cách tiếp cận này bao gồm quản lý nước mưa và nước thải thích ứng BĐKH, nước biển dâng; cải thiện chất lượng không khí, nước sạch, giao thông thông minh, cùng các chức năng hạ tầng xã hội như tăng chất lượng sống thông qua cung cấp không gian xanh cho hoạt động giải trí, nghỉ ngơi, cung cấp bóng mát và tạo đặc trưng cảnh quan đô thị…

Trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày một rõ rệt và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, việc xây dựng hệ thống thoát nước xanh và bền vững đang được quan tâm và đẩy mạnh nhằm giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay của đô thị. Theo các chuyên gia, việc ứng dụng hạ tầng xanh, trong đó có thoát nước xanh, tại Việt Nam là cần thiết nhằm xây dựng các đô thị chống chịu thích ứng hướng đến phát triển bền vững.

Dưới góc độ quản lý, Chính phủ Việt Nam đã từng bước tiếp cận, quan tâm đến các vấn đề phát triển hạ tầng thoát nước xanh, bền vững thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch, xây dựng đô thị, hạ tầng kỹ thuật.

Các mô hình thoát nước mưa đô thị theo hướng bền vững (SUDS) đã được Việt Nam tiếp cận. Chương trình Thoát nước và Chống ngập đô thị ĐBSCL ứng phó với BĐKH do Bộ Xây dựng, Tổ chức GIZ phối hợp thực hiện với nguồn tài trợ của Chính phủ Đức và Chính phủ Thụy Sĩ đã hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình SUDS tại một số đô thị vùng ĐBSCL như TP Cà Mau, TP Rạch Giá và TP Long Xuyên.

SUDS cung cấp các giải pháp thoát nước bền vững nhằm hỗ trợ các đô thị ứng phó tốt hơn với tình trạng ngập úng ngày càng gia tăng thông qua kiểm soát dòng chảy nước mặt nhưng vẫn duy trì đặc tính tự nhiên của dòng chảy; bổ cập nguồn nước ngầm do hệ số thấm nước được gia tăng; góp phần xanh hóa đô thị, làm đẹp cảnh quan, môi trường thông qua việc phát triển các hồ điều hòa, kênh mương hở và các thảm thực vật.

Kết quả từ các dự án thí điểm đã cho thấy SUDS là giải pháp hiệu quả và có thể nhân rộng ra các đô thị khác trong vùng ĐBSCL và trên cả nước.

4. Một số khuyến nghị về khung pháp lý trong lĩnh vực thoát nước xanh ở Việt Nam

Định hướng chính sách về thoát nước xanh là phát triển hệ thống thoát nước bền vững các khu đô thị, đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng; bảo tồn chất lượng của các nguồn nước công cộng; mở rộng hệ thống thoát nước theo quy hoạch tổng thể, tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước đáp ứng phát triển đô thị bền vững và kiểm soát ô nhiễm nước; khuyến khích tái sử dụng nước mưa phục vụ các mục đích khác nhau nhằm tiết kiệm tài nguyên nước, chống ngập úng đô thị; tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước phải đáp ứng chi phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.

Để tạo một hành lang pháp lý nhằm phát triển hạ tầng thoát nước xanh, bền vững, Chính phủ cần tập trung ưu tiên cho lĩnh vực cấp nước và thoát nước, xử lý nước thải thông qua thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.

Một số khuyến nghị:

Thứ nhất, Việt Nam cần phải có tiêu chuẩn môi trường rõ ràng, đồng bộ và thống nhất để yêu cầu tất cả các đối tượng phải thực hiện một số nghĩa vụ nhất định.

Thứ hai, định hướng chính sách về thoát nước xanh trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước bao gồm: Về quy hoạch lưu vực tổng thể hệ thống thoát nước, các vấn đề đặt ra trong quy hoạch thoát nước như quy hoạch công trình thoát nước mặt, nước thải và nhà máy xử lý nước thải; nghĩa vụ lập quy hoạch thoát nước tổng thể để cải thiện chất lượng nước các nguồn nước công cộng; định hướng và quy hoạch thoát nước được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư phát triển thoát nước.

Kỳ vọng, việc xây dựng và ban hành Luật Cấp thoát nước sẽ tạo dựng công cụ pháp lý để quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xanh.

Thứ ba, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển hệ thống HTX, thông minh; rà soát tổng thể, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn về quy hoạch đô thị, quy chuẩn các công trình hạ tầng kỹ thuật; quy hoạch có liên quan đến HTX; tiêu chuẩn thiết kế công trình HTX (cây xanh, công viên, cấp nước, thoát nước, giao thông, chiếu sáng…); định mức kinh tế kỹ thuật trong phát triển vật liệu xanh, công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.

Thứ tư, cần rà soát, bổ sung các biện pháp xử phạt, cưỡng chế hữu hiệu đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các đơn vị có chức năng xây dựng quy trình cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm để nâng cao hiệu quả xử lý vi phạm.

Thứ năm, mở rộng chương trình thí điểm ứng dụng mô hình thoát nước bền vững: SUDS, thành phố bọt biển, nhân rộng giải pháp dựa vào thiên nhiên để phát triển đô thị có khả năng chống chịu; nghiên cứu chuyển đổi từ kiểm soát lũ lụt sang thích ứng với lũ lụt, đồng thời quản lý rủi ro, thiên tai hiệu quả.

Thứ sáu, đảm bảo sự thực thi pháp luật phải thực sự hiệu quả và huy động được sự tham gia của người dân, cộng đồng cũng như tạo ra cơ hội thuận lợi để người dân tuân thủ và chấp hành pháp luật nghiêm minh.

PGS.TS Lưu Đức Hải*, CN Nguyễn Minh Thúy 
*Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng
Tổng Hội XD Việt Nam

Tài liệu tham khảo

1. Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Cấp, thoát nước, Bộ Xây dựng, 2023;

2. Nguyễn Thị Bích Phương, Hạ tầng xanh – Giải pháp bền vững cho thoát nước đô thị, Tạp chí Khoa học Công nghệ Xây dựng, ĐHXDHN, 2022, 16 (4V): 219-235;

3. Nam Phương, Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm xây dựng luật cấp thoát nước, Tạp chí Cấp, thoát nước Việt Nam, 27/12/2022, https://tapchinuoc.vn/nhat-ban-chia-se-kinh-nghiem-xay-dung-luatcap-thoat-nuoc-175221227100818976.htm;

4. Vũ Thu Hạnh, Khung pháp luật bảo vệ môi trường ở Singapore, Tạp chí Luật học, số 2/1998, tr47- 51;

5. Giang Hương, Luật Nước sạch của Mỹ: Nghiêm minh và hiệu quả, Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề1: Kiểm soát ô nhiễm nước tại Việt Nam – Cơ hội và thách thức, 2014;

6. Nguyễn Thị Thực, Kinh nghiệm quản lý tài nguyên nước một số nước trên thế giới và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Môi trường, số 3/2023;

7. PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến, Quản lý và phát triển hạ tầng xanh ở Việt Nam: Thách thức và giải pháp, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, 10/03/2023, https://vqh.hanoi.gov.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=tin-lien-ket/quan-ly-va-phat-trienha-tang-xanh-o-viet-nam-thach-thuc-va-giai-phap-2129.html.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích