Thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam: Hiện trạng và định hướng thiết lập khung pháp lý
Thoát nước và xử lý nước thải tại Việt Nam: Hiện trạng và định hướng thiết lập khung pháp lý
Chính phủ Việt Nam đang tập trung ưu tiên cho lĩnh vực thoát nước, xử lý nước thải và chống ngập đô thị thông qua việc thiết lập khung pháp lý, các tiêu chuẩn kỹ thuật và định hướng quốc gia.
Đặt vấn đề
Môi trường nước ở các đô thị của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự phát triển của các công trình hạ tầng kỹ thuật nói chung, thoát nước và xử lý nước thải nói riêng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Thời gian qua, việc phát triển hệ thống thoát nước khá chậm, ước tính chỉ có khoảng 15% nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn. Trong bối cảnh này, Chính phủ Việt Nam đang ưu tiên, quan tâm và nỗ lực tiến hành các hoạt động nhằm cải thiện điều kiện thu gom và xử lý nước thải, nâng cao năng lực quản lý vận hành hệ thống thoát nước.
Hiện trạng khung pháp lý
Có thể kể đến các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi rường, Luật Quy hoạch đô thị và Luật Tài nguyên nước và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn như Nghị định số 80/2014/NĐ-CP về thoát nước và xử lý nước thải; Thông tư số 04/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 80/2014/NĐ-CP; Thông tư số 13/2018/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ thoát nước; Thông tư số 15/2021/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường về công trình thu gom, thoát nước thải. Bên cạnh đó, còn có các quy định cụ thể về hoạt động thoát nước của các địa phương trên cả nước; các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định, định mức kinh tế – kỹ thuật…
Trong đó, Luật Quy hoạch đô thị quy định cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải là đối tượng, nội dung của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị, đề ra yêu cầu đối với quy hoạch đô thị phải đáp ứng nhu cầu sử dụng hạ tầng kỹ thuật chuyên ngành thoát nước và xử lý nước thải. Luật Xây dựng quy định rõ quy hoạch xây dựng phải ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo đảm đầu tư xây dựng công trình theo quy hoạch, thiết kế, bảo vệ cảnh quan, môi trường phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội, đặc điểm văn hóa của từng địa phương.
Luật Tài nguyên nước yêu cầu về phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Luật Bảo vệ môi trường lồng ghép nội dung ứng phó với BĐKH vào chiến lược, quy hoạch và giải pháp ứng phó với BĐKH được sử dụng trong việc xác định chỉ tiêu kinh tế – xã hội của chiến lược, quy hoạch. Luật Thủy lợi quy định việc vận hành liên hồ chứa phục vụ thủy lợi có giải pháp điều tiết nước trong điều kiện thời tiết bình thường và điều kiện thời tiết bất thường có tính đến yếu tố BĐKH.
Một số luật khác như Luật Đất đai, Luật Phòng chống thiên tai, Luật Khí tượng thủy văn… đều có nội dung liên quan đến BĐKH, quy hoạch, quản lý đô thị trong đó có quy hoạch, quản lý thoát nước và xử lý nước thải.
Nghị định số 80/2014/NĐ-CP khuyến khích việc tái sử dụng nước mưa phục vụ các nhu cầu, góp phần giảm ngập úng, tiết kiệm tài nguyên nước, giảm thiểu việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm và nước mặt, đưa ra tiêu chí đảm bảo hoạt động ổn định khi có sự thay đổi bất thường về chất lượng nước đầu vào, thời tiết và BĐKH là một trong các tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải.
Quyết định số 589/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh định hướng phát triển thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 quy định quan điểm phát triển thoát nước bền vững góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội nhằm bảo đảm thoát nước an toàn, hiệu quả, góp phần giảm thiểu tác động của BĐKH và nước biển dâng. Cùng với nhiệm vụ giải pháp lập và quản lý bản đồ ngập úng đô thị theo kịch bản BĐKH, bản đồ dự báo các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khu vực duyên hải và miền núi.
Thực trạng và nguyên nhân
Theo Quyết định số 589/QĐ-TTg, mục tiêu định hướng phát triển thoát nước của Việt Nam được điều chỉnh, trong đó đến năm 2025, tỷ lệ phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị trên 80%, tỷ lệ nước thải tại các đô thị được thu gom và xử lý 20 – 50%, tỷ lệ nước thải các làng nghề được thu gom và xử lý trên 80%, riêng tỷ lệ nước thải bệnh viện và nước thải các khu đô thị được xử lý 100%. Đến năm 2050, cả 4 chỉ số này đều phải đạt 100%.
Trong khi đó, hệ thống thoát nước các khu dân cư thuộc các đô thị lớn, các lưu vực sông chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Tỷ lệ đấu nối, thu gom nước thải của hệ thống thoát nước bao phủ trung bình là 64%. Tỷ lệ đường ống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới, trung bình khoảng dưới 0,5 m/người so với thế giới là 2 m/người. Riêng tỷ lệ thu gom xử lý nước thải mới chỉ đạt khoảng 15% với 71 nhà máy xử lý nước thải tập trung trên cả nước đã đi vào vận hành có tổng công suất thiết kế khoảng 1,38 triệu m3/ngày.
Tại Hà Nội, theo quy hoạch thoát nước Hà Nội quy định tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013, lượng mưa được tính tối đa là 310 mm/2 ngày đối với toàn bộ hệ thống, ứng với chu kỳ bảo vệ P=10 năm (lượng mưa trong 2h lớn nhất là 94 mm, trong 4 h lớn nhất là 130 mm). Với hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường, có những thời điểm lượng mưa trung bình đo được từ 70 – 180 mm.
Còn tại TP.HCM, hệ thống thoát nước được đầu tư xây dựng và thiết kế theo quy hoạch thoát nước tại Quyết định số 752/QĐ-TTg ngày 19/6/2001, các tuyến cống cấp 1, 2 và 3 được tính với cường độ mưa lần lượt là 95 mm, 85 mm và 76 mm trong 3 h ứng với mực nước triều là +1,32 m. Trong khi hiện nay chỉ trong 1 h lượng mưa đã đạt trên 1,2 m và thời gian mưa tăng cả tần suất và vũ lượng, về triều đã có những lúc đỉnh triều đạt đến 1,68 m so với thiết kế là 1,32 m.
Dự báo thời tiết đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình quản lý vận hành hệ thống thoát nước. Công tác dự báo đem lại hiệu quả trong công tác phòng chống ngập úng, có thể dự báo trước 1 – 2 ngày tại những thời điểm bất thường đối với những cơn mưa lớn, kéo dài như vừa qua nhằm tránh bị động và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng.
Quá trình đô thị hóa quá nhanh dẫn đến bê tông hóa, san lấp ao hồ nên diện tích thấm bị giảm đi nhiều; các vùng đất trũng, ao, hồ chứa nước không còn, làm giảm khả năng thấm nước, lưu trữ nước và kết hợp với nguyên nhân cơ bản về điều kiện tự nhiên, điều kiện địa chất thủy văn, khí tượng, khí hậu tại khu vực và tác động của BĐKH. Việc đầu tư nâng cấp hệ thống thoát nước giữa mạng lưới đường cống thoát nước cũ và đường cống thoát nước mới, cải tạo, nâng cấp trong thời gian vừa qua còn thiếu đồng bộ do hạn chế kinh phí trong đầu tư công trình thoát nước.
Công tác duy tu, vớt rác, khơi thông dòng chảy của đơn vị thoát nước không liên tục và còn nhiều hiện tượng vứt rác xuống kênh, mương, bịt miệng hố thu nước. Do đó, cộng đồng dân cư đóng vai trò quan trọng, người dân cần có ý thức không vứt rác, xả rác, hỗ trợ khơi thông miệng thu nước, không để bịt miệng thu thoát nước.
Thoát nước là 1 trong 5 lĩnh vực thực hiện theo phương thức PPP, các nhà đầu tư hầu như không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực thoát nước theo hình thức PPP vì vốn đầu tư bỏ ra rất lớn, vòng đời dự án lâu, nguồn thu về sau đầu tư không ổn định và nhỏ lẻ nên việc thu hút đầu tư khó khăn.
Giải pháp và định hướng
Trong ngắn hạn, chuẩn bị và có phương án xử lý tại các tuyến đường dự báo khả năng xuất hiện ngập. Phối hợp và nâng cao hiệu quả công tác dự báo thời tiết và chuẩn bị ứng phó ngập úng.
Duy tu, sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, khơi thông dòng chảy, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước đạt năng lực thoát nước 100%. Đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về đổ chất thải đúng quy định, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm gây cản trở dòng chảy đối với các công trình thu gom thoát nước.
Tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các cống kiểm soát triều và trạm bơm thoát nước để tăng khả năng thoát nước. Tại các vị trí ngập úng, tăng cường lắp bơm di động để giảm thiểu mức độ và thời gian úng ngập.
Công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trong phạm vi địa phương theo quy định tại khoản 7 Điều 60 Luật Tài nguyên nước để phòng, chống ngập, úng và bảo vệ nguồn nước.
Về lâu dài, quy hoạch đô thị, công trình không được tạo ra vùng ngập úng cục bộ. Các đô thị cần phải xác định cao độ nền khống chế cho toàn đô thị. Rà soát điều chỉnh quy hoạch thoát nước, tính toán lại hệ thống thoát nước. Cập nhật danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp vào quy hoạch nhằm tăng cường khả năng tiêu thoát nước, điều hòa và phòng chống ngập úng.
Ưu tiên nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thoát nước. Tập trung nguồn lực, xây dựng đồng bộ hệ thống các công trình thoát nước theo quy hoạch, kế hoạch. Đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm ngập úng cục bộ lớn hiện nay như xây dựng bể chứa lưu trữ, trạm bơm.
Tăng cường các giải pháp thi công, tăng diện tích và dung tích chứa nước, điều hòa, hạn chế việc cống hóa các dòng sông, suối, kênh, mương trong đô thị, giảm thiểu ngập úng, ứng phó với BĐKH.
Rà soát, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, cải cách thủ tục hành chính đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình giảm ngập, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành các công trình thoát nước.
Bám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị định số 52/2022/NĐ-CP ngày 08/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng được giao thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể về thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp.
Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 30/8/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025, Bộ Xây dựng được giao nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước.
Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 08/6/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, Bộ Xây dựng được giao phối hợp với các địa phương có vùng đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM rà soát, đánh giá thực trạng thoát nước, ngập úng đô thị để có phương án, giải pháp hiệu quả chống ngập úng đô thị nhằm ứng phó với thiên tai, BĐKH.
Định hướng chính sách về thoát nước và xử lý nước thải là phát triển hệ thống thoát nước bền vững các khu đô thị, đô thị, khu dân cư tập trung và khu công nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng; Bảo tồn chất lượng nước của các nguồn nước công cộng; Mở rộng hệ thống thoát nước theo quy hoạch tổng thể, tiêu chuẩn thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống thoát nước đáp ứng phát triển đô thị bền vững và kiểm soát ô nhiễm nước; Khuyến khích tái sử dụng nước mưa phục vụ các mục đích khác nhau nhằm tiết kiệm tài nguyên nước, chống ngập úng đô thị; Tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm phải trả tiền xử lý ô nhiễm, nguồn thu từ dịch vụ thoát nước phải đáp ứng chi phí dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải.
Từ đó, định hướng chính sách về thoát nước và xử lý nước thải trong quá trình nghiên cứu xây dựng Luật Cấp thoát nước: Về quy hoạch lưu vực tổng thể hệ thống thoát nước, các vấn đề đặt ra trong Quy hoạch thoát nước như quy hoạch công trình thoát nước mặt, nước thải và nhà máy xử lý nước thải; Nghĩa vụ lập quy hoạch thoát nước tổng thể để cải thiện chất lượng nước các nguồn nước công cộng; Định hướng và quy hoạch thoát nước được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý, đầu tư phát triển thoát nước.
Về xây dựng phát triển hệ thống thoát nước, chính quyền địa phương là chủ sở hữu, chủ đầu tư thực hiện dự án; Chính phủ hỗ trợ cho chính quyền địa phương xây dựng hệ thống thoát nước; Kế hoạch địa phương cho phát triển thoát nước; Đấu nối hệ thống thoát nước, hộ thoát nước buộc phải sử dụng hệ thống thoát nước trong các khu vực có hệ thống thoát nước (lắp đặt công trình thoát nước vào hệ thống thoát nước công cộng).
Về quản lý, vận hành, bảo đảm tài chính cũng như hiệu quả quản lý thoát nước, chính quyền địa phương là chủ sở hữu, chủ đầu tư thực hiện dự án; Kế hoạch địa phương cho phát triển thoát nước, quản trị hệ thống thoát nước; Kiểm soát ô nhiễm, quy định xả nước thải đã qua xử lý; ưu đãi và hỗ trợ về đầu tư hệ thống thoát nước, nguồn lực đầu tư, quản lý vận hành hệ thống thoát nước; giá dịch vụ thoát nước; Vai trò quản lý nhà nước về dịch vụ thoát nước từ trung ương đến địa phương, phân công trách nhiệm quản lý cho bộ ngành, trách nhiệm của UBND tỉnh về tổ chức quản lý, đầu tư phát triển thoát nước trên địa bàn.
Kỳ vọng, việc xây dựng và ban hành Luật Cấp thoát nước sẽ tạo dựng công cụ pháp lý để quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, góp phần đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị