Thỏa thuận xanh EU tác động thế nào đến nông sản, thực phẩm và dệt may xuất khẩu?

Thị trường EU là một trong các điểm đến quan trọng hàng đầu của xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải, đặc biệt là trong khuôn khổ Thỏa thuận xanh châu Âu (EGD) – gói các sáng kiến chính sách xanh bao trùm tất cả các lĩnh vực kinh tế của EU, với các tác động trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Phân tích, đánh giá của Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) về tác động của Thỏa thuận xanh châu Âu với trường hợp của ngành nông sản, thực phẩm và dệt may cho thấy những điểm đầy thách thức.

Trong lĩnh vực nông sản, đáng chú ý nhất là chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” với các định hướng quan trọng về giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng và dư lượng tối đa cho phép đối với các chất trong nông sản thực phẩm; giảm lượng thuốc kháng sinh được phép sử dụng trên động vật và dư lượng trong các loại thịt, thủy sản; tăng cường các yêu cầu xanh về thiết kế, chất liệu các loại bao bì đóng gói thực phẩm; điều chỉnh cách thức ghi nhãn, vị trí nhãn, tăng cường các thông tin phải cung cấp cho người tiêu dùng về các đặc tính xanh của sản phẩm; thay đổi các yêu cầu về cách thức nuôi nhốt, vận chuyển, giết mổ vật nuôi…

Thỏa thuận xanh EU tác động thế nào đến nông sản, thực phẩm và dệt may xuất khẩu?
Thỏa thuận xanh EU vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với nông sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, một số chính sách xanh khác cũng có ảnh hưởng trực tiếp tới việc sản xuất, xuất khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam sang EU vào thời điểm hiện tại như Quy định về chống phá rừng (EUDR), hoặc có thể là trong tương lai như Quy định về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới (nếu các chính sách này mở rộng phạm vi đối tượng áp dụng ra cả các sản phẩm nông sản thực phẩm).

Với dệt may Việt Nam, EU đã và đang là thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, với EU, dệt may lại đứng trong top đầu các ngành làm suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu, do đó dệt may cũng thuộc nhóm tập trung nhiều nỗ lực xanh nhất của EU.

Phần lớn các chính sách xanh của EU về dệt may được tập trung tại Chiến lược của EU đối với dệt may tuần hoàn và bền vững với các định hướng chính sách về thiết kế sinh thái (thiết kế bảo đảm độ bền, khả năng sửa chữa, tái chế…); tăng cường thông tin qua hộ chiếu số của sản phẩm, các yêu cầu thông tin nhằm chống gian dối về tính xanh (greenwashing); hạn chế tối đa phát tán hạt vi nhựa từ sản phẩm dệt may ra môi trường; giảm thiểu các hóa chất độc hại trong sợi; áp dụng trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất…

Ngoài ra, một số chính sách xanh khác cũng có thể sẽ mở rộng diện áp dụng ra các sản phẩm dệt may như Chỉ thị về khí thải công nghiệp, Lộ trình chuyển đổi cho hệ sinh thái dệt may trong tương lai, Cam kết tiêu dùng bền vững, Cơ chế điều chỉnh carbon tại biên giới…

Tại Hội thảo “Thỏa thuận Xanh EU và Tác động tới xuất khẩu Việt Nam – Những điều doanh nghiệp cần biết”, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, so sánh với nhiều lĩnh vực khác, các chính sách xanh của EU đối với nông sản, thực phẩm và dệt may được đánh giá là phức tạp và thách thức hơn đáng kể bởi phần lớn đều có phạm vi áp dụng bao trùm tất cả các sản phẩm 6 nông sản thực phẩm và dệt may; được luật hóa dưới dạng các yêu cầu pháp lý tối thiểu, bắt buộc thực hiện; bao gồm các tiêu chuẩn, biện pháp, quy định tác động đến nhiều khâu trong chuỗi sản xuất (từ thiết kế mẫu mã đến nguyên phụ liệu, từ sản xuất, nuôi trồng đến vận chuyển, từ sử dụng đến sửa chữa, từ thải bỏ đến tái chế…) mà không phải chỉ áp dụng với thành phẩm cuối cùng.

Mặc dù thách thức là chủ yếu, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm và dệt may Việt Nam cũng có một số thuận lợi nhất định trong tổ chức triển khai các chính sách xanh EU. Thứ nhất, do hầu hết các chính sách hiện nay mới chỉ là ở dạng dự thảo, chưa phải là các quy định có hiệu lực bắt buộc áp dụng, các doanh nghiệp vẫn còn thời gian nhất định để tìm hiểu và chuẩn bị.

Thứ hai, một số yêu cầu xanh, nhất là đối với dệt may hoặc thực phẩm hữu cơ, trên thực tế đã khá quen thuộc với nhiều doanh nghiệp Việt Nam (do có nội dung tương tự với các Bộ quy tắc tự nguyện mà khách hàng EU yêu cầu trước nay), vì vậy, việc chuyển đổi có thể sẽ không quá khó khăn.

Thứ ba, tương tự các lĩnh vực khác, các chính sách xanh trong lĩnh vực nông sản thực phẩm và dệt may phần lớn sẽ có lộ trình thực thi dài, mức độ yêu cầu sẽ được nâng dần, mà không phải là áp dụng đầy đủ các nghĩa vụ ngay khi các chính sách này có hiệu lực.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần chuẩn bị thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp. Đây là cách thức tốt nhất để doanh nghiệp có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này.

Bảo Thoa

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích