Thọ Xuân (Thanh Hóa): Hủy kết quả trúng đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ Nhà nước
(Xây dựng) – Vừa qua, UBND huyện Thọ Xuân ban hành Quyết định về việc phê duyệt hủy công nhận kết quả trúng đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ Nhà nước đối với hộ vi phạm nội quy quy chế và phương án đấu giá quyền sử dụng đất tại mặt bằng quy hoạch số 983, khu dân cư Đồng Vũng Cao thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh chia sẻ về khó khăn của địa phương đối với mặt bằng quy hoạch 46 lô đất vừa hủy kết quả trúng đấu giá. |
Được biết, hơn 2.000 bộ hồ sơ tham gia đấu giá 46 lô đất ở thuộc một vùng quê của tỉnh Thanh Hóa, giá khởi điểm từ 250 triệu/lô, được người dân đấu lên tới gần 1,4 tỷ đồng. Mặt bằng quy hoạch nơi có 46 lô đất vừa tiến hành bán đấu giá nằm cách trung tâm UBND xã Xuân Sinh hơn 1km, và nằm cách trung tâm huyện Thọ Xuân khoảng 8km.
Theo quan sát, tại mặt bằng này, người dân sống bằng nghề làm ruộng, xung quanh được bao bọc bởi những ruộng lúa của người dân thôn Bột Thương. Con đường phía trước mặt bằng trên rộng khoảng 6m, giao thương chưa phát triển.
Trước đó, cạnh mặt bằng quy hoạch này, cách đây 2 năm, UBND Xuân Sinh cũng tiến hành đấu giá một số lô đất với giá khởi điểm là 140 triệu đồng/lô, nhưng không có người mua. Phiên đấu giá tiếp theo, chính quyền địa phương buộc phải giảm giá “sàn” khởi điểm xuống 120 triệu đồng/lô. Người trúng đấu giá cũng chỉ trả cao hơn giá khởi điểm chút ít để sở hữu những lô đất trên. Và cho tới nay, những lô đất đã được bán đấu giá vẫn là một khu đất “hoang” khi chưa có bất kỳ một ngôi nhà hay công trình nào được xây dựng lên.
Ông Lê Văn Phúc, trú tại xã Xuân Sinh khá bất ngờ khi biết tin mỗi lô đất có diện tích hơn 100m2 tại đây được bán đấu giá hơn 1 tỷ đồng. Ông đã sinh sống tại xã gần 58 năm nay, ở địa phương lâu nay việc mua bán chuyển nhượng đất ở, đất vườn chỉ diễn ra giữa người dân trong thôn, xã với nhau, với giá rất thấp. Người mua đất hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu sử dụng. Khu vực này chưa có nhà máy, khu công nghiệp, nó cách khá xa sân bay Thọ Xuân, điều kiện giao thương và kinh tế chưa phát triển.
Có người mua 3 hồ sơ tham gia đấu giá tại mặt bằng quy hoạch trên, sau khi khảo sát giá đất tại địa phương, họ đã trả giá mỗi lô đất từ 500 – 700 triệu đồng, nhưng vẫn không trúng, rất nhiều người khác tham gia đấu giá cũng không hiểu vì sao đất lại đẩy giá các lô đất trên lên tiền tỷ? Ông Phúc cho biết thêm.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Dũng – Chủ tịch UBND xã Xuân Sinh cho biết: Theo chủ trương của xã và huyện, 46 lô đất này được đấu giá làm 2 lần. Sau khi có kết quả trúng đấu giá, đơn vị đã làm theo quy trình, hết thời gian quy định (120 ngày), họ không hoàn thành nghĩa vụ tài chính nên huyện ra quyết định hủy kết quả đấu giá.
Cái khó của chúng tôi, hiện tại địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, bây giờ phải đấu giá lại, dịch bệnh ảnh hưởng nên không triển khai đấu giá được, về giá trị kinh tế chắc chắn không thể đạt như trước. Về thời gian hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với những trường hợp trúng đấu giá, mong rằng các cấp ban ngành xem xét rút ngắn thời gian nộp tiền.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn – Trưởng phòng Tài chính huyện Thọ Xuân cho hay: Quá 120 ngày kể từ ngày nhận được thông báo nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất của cơ quan thuế, người trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp đủ tiền trúng đấu giá nên bị hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Việc hủy kết quả đấu giá quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Đấu giá tài sản và được ghi trong quy chế được đấu giá, thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ Nhà nước số tiền 2.070.000.000 đồng.
Việc 46 lô đất tại mặt bằng quy hoạch số 983, khu dân cư Đồng Vũng Cao thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, huyện phải ra quyết định hủy kết quả trúng đấu giá thu hồi tiền đặt cọc sung công quỹ Nhà nước, làm ảnh hưởng đến thu ngân sách của địa phương, bên cạnh đó giá đất được đẩy lên cao khiến người dân có như cầu sử dụng thực rất khó tiếp cận được.
Mặt bằng quy hoạch số 983, khu dân cư Đồng Vũng Cao thôn Bột Thượng, xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân. |
Khi được hỏi về nguyên nhân, ông Tuấn cho biết thêm, nguyên nhân có thể các nhà đầu cơ, môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm… để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản. Họ còn lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch bất động sản.
Nguồn: Báo xây dựng