Thọ Xuân (Thanh Hóa): Đề xuất phương án chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư bờ hữu sông Chu

(Xây dựng) – UBND huyện Thọ Xuân vừa có Văn bản số 3132/UBND-NN về việc đề xuất chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư thôn Hải Thành, Hải Mậu thuộc bờ hữu sông Chu đoạn K9+500-K11+300, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Đề xuất phương án chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư bờ hữu sông Chu
Đề xuất chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư thôn Hải Thành, Hải Mậu thuộc bờ hữu sông Chu đoạn K9+500-K11+300, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Thực hiện Công văn số 12557/UBND-THKH ngày 27/8/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xử lý sạt lở tại bờ sông Chu thôn Hải Thành và thôn Hải Mậu xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, ngày 20/8/2024, UBND huyện đã chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan kiểm tra rà soát, đánh giá sự cần thiết của đề xuất dự án xử lý cấp bách và đưa ra các biện pháp khắc phục trước mắt và lâu dài.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhân (35 tuổi) thôn Hải Mậu, xã Thọ Hải chia sẻ: “Chưa thấy năm nào thời tiết khắc nghiệt như năm nay, mấy hôm nay trời mưa to quá, mưa bao nhiêu chúng tôi bất an bấy nhiêu. Thửa đất canh tác nhà tôi cách điểm sạt lở có mấy chục mét, giờ mà sạt nữa thì coi như mất trắng, bao nhiêu công sức chỉ sợ nước cuốn trôi nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với các tỉnh phía Bắc đã mất người còn hại của nữa. Mong sao các ban, ngành quan tâm tạo điều kiện cho sửa lại bờ sông để dân chúng tôi yên tâm phát triển kinh tế”.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã triển khai kịp thời các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, đất nông nghiệp khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”. Huy động nhân lực, vật tư (bạt, bao tải, cọc, phương tiện máy móc), bạt mái đứng kè gây nặng đầu, phủ bạt chống sạt lở với kinh phí khoảng 250 triệu đồng và triển khai khẩn trương thu hoạch cây cối hoa màu trên đất; có biện pháp gia cố phù hợp để hạn chế sự phát triển của sạt lở.

Cắm mốc, căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm trong khu vực đang có diễn biến sạt lở. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ 24/24h diễn biến sạt lở, tổ chức kiểm tra, rà soát các hộ dân đang sinh sống gần khu vực sạt lở, có nguy cơ mất an toàn và sẵn sàng tổ chức sơ tán, di dời khi có tình huống xấu xảy ra và huyện đã làm văn bản báo cáo UBND tỉnh xin phương án xử lý”.

Thực tế khu vực sạt lở tiếp tục xảy ra tình trạng sạt lở mới hình thành cung dài khoảng 320m, lấn thêm vào đất sản sản xuất của nhân dân từ 25-30m, thành bờ sạt lở tạo thành vách đứng có chiều cao khoảng 15-16m và cách khu dân cư gần nhất thôn Hải Mậu 50m. Qua quan sát thực tế thì khu vực dọc bãi sông Chu trên địa bàn xã Thọ Hải (ứng với đê từ K9+800-K10+950 hữu sông Chu) dài 1.150m có nguy cơ sạt lở nghiêm trọng nếu mưa lũ tiếp tục diễn ra.

Theo Văn bản báo cáo của UBND huyện Thọ Xuân, việc đầu tư công trình chống sạt lở là hết sức cần thiết trong công tác phòng, chống lụt bão, chống sạt lỡ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội, ổn định đời sống sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn.

Về quy mô đề xuất đầu tư tuyến kè khu vực khu dân cư thôn Hải Thành, Hải Mậu, xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa từ K9+500-K11+300 với chiều dài khoảng 1.800m, chân kè dạng lăng thể đá hộc thả rối, kết cấu lăng thể đá hộc thả rối gồm hai khối, phía dưới là đá hộc thả rối, phía trên là đá hộc lát khan. Mái kè được bảo vệ bằng cấu kiện bê tông đúc sẵn, phía dưới cấu kiện lót đá dăm lót (1×2)cm và vải lọc tạo thành liên kết mảng mềm trong khung ô dầm bê tông đổ tại chỗ, khung được tạo bởi các dầm ngang và dầm dọc theo mái kè.

Phần cấu kiện bê tông đúc sẵn được lát từ cao trình chân kè đến cao trình đỉnh kè, đỉnh kè là dầm khóa đỉnh kè bằng bê tông cốt thép. Đỉnh kè thiết kế đường quản lý vận hành, kết cấu bê tông xi măng, phía dưới lót nilon tái sinh kinh phí đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ, thời gian thực hiện 2024-2025.

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Đề xuất phương án chống sạt lở, bảo vệ khu dân cư bờ hữu sông Chu
Việc đầu tư kè chống sạt lở khẩn cấp tại khu vực này là rất cần thiết.

Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đăng tải bài viết: “Thọ Xuân (Thanh Hóa): Hàng trăm hộ dân ven bờ sông Chu sống thấp thỏm vì sạt lở”. Theo phản ánh của người dân xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân, mấy năm trở lại đây, bờ sông Chu qua địa phận thôn Hải Mậu, Hải Thành thường xuyên bị sạt lở. Hiện nay, có những điểm đã sạt sâu vào bãi đất canh tác của người dân, đe dọa an toàn một số khu dân cư xã Thọ Hải.

Được biết, thôn Hải Mậu và Hải Thành có 53 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu sống gần khu vực sạt lở. Vị trí khu vực sạt lở cách khu dân cư 2 thôn nói trên đoạn gần nhất chỉ khoảng 60m.

Người dân địa phương cho biết, tình trạng sạt lở này diễn ra đã nhiều năm và trở nên nghiêm trọng hơn trong đợt mưa lớn xảy ra cách đây không lâu. Ngoài ra, theo người dân, hiện nay bãi bồi khu vực sạt lở đang có tình trạng bị xói ngầm chân đất, tạo các hàm ếch, hố sụt. Điều này rất nguy hiểm cho người dân nếu không may bị sụt vào. Do vậy, việc đầu tư kè chống sạt lở khẩn cấp tại khu vực này là rất cần thiết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích