Thiếu hụt nguồn cung bất động sản ở TP.HCM

Vướng thủ tục pháp lý – Nguyên nhân chính suy giảm nguồn cung

Theo Báo cáo nghiên cứu thị trường BĐS quý 3/2021 được Batdongsan.com.vn công bố vào sáng ngày 6/10 cho thấy, tổng nguồn cung sản phẩm nhà ở rao bán trên thị trường TP.HCM quý vừa qua tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng, với mức giảm lên đến 81%.

Thiếu hụt nguồn cung bất động sản ở TP.HCM - Ảnh 1
Nguồn cung Bất động sản quý 3/2021 giảm mạnh (Ảnh: Báo dân sinh)

Trong đó loại hình căn hộ chung cư có lượng hàng chào bán giảm đến 78%. Tương tự, lượt tìm mua chung cư tại TP.HCM cũng giảm 41% so với quý 2/2021 do thiếu vắng dự án mới. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng nguồn cung chào bán của thành phố chỉ có 5.600 căn, thấp hơn 9% so với cùng kỳ 2020. Số dự án mới triển khai chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trước đó, sản lượng nhà ở toàn thành phố năm 2020 giảm gần 60% so với 2019, đồng thời cũng là mức thấp kỷ lục trong nửa thập niên qua. Điều đáng quan ngại nhất chính là sản lượng nhà giá rẻ – loại nhà vừa với túi tiền của đại đa số người dân, chỉ còn chiếm 1% rổ hàng trong bối cảnh giá nhà vẫn leo thang bất thường.

Trong quý 2/2021, thành phố có 7 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai với 3.002 căn hộ giảm 40% so với quý 1/2021 và 14,3% so với quý 2/2020.

Sau 4 đợt dịch Covid-19 diễn ra trong 2 năm qua, hàng loạt dự án bị dừng thi công, trong khi đó giá cả vật liệu xây dựng leo thang. Điều đó dẫn đến việc nguồn cung khan hiếm, giá cả tăng dần.

Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam chia sẻ: “Bên cạnh tác động ngắn hạn từ lệnh giãn cách xã hội khiến nhiều dự án buộc phải tạm ngưng thì yếu tố “tắc” pháp lý mới là nguyên nhân chính khiến nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm mạnh các năm qua”.

Từ năm 2019 đến nay, số lượng dự án đủ điều kiện để đưa ra thị trường TP.HCM liên tục sụt giảm. Thành phố hiện có hơn 100 dự án đang bị treo, vướng vì vấn đề pháp lý dự án. Nếu giải quyết ách tắc cho các dự án này thì nguồn cung sẽ cải thiện rất nhiều.

Nhu cầu nhà vẫn tăng cao

Trong khi cung hạn chế, nhu cầu nhà ở tại thị trường TP.HCM luôn rất cao. Giao dịch bất động sản trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn khá tốt, vượt số giao dịch của cả năm 2020. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 55.000 giao dịch, trong khi năm 2020 chỉ có 43.000 giao dịch. Trên thị trường, vẫn có những người sẵn sàng chi số tiền lớn để mua bất động sản.

Căn hộ luôn là phân khúc dẫn đầu thị trường về lượt tìm kiếm. Nhiều người vẫn có mong muốn tìm mua và thuê nhà, nhất là khi phải đáp ứng điều kiện làm việc tại gia. Bên cạnh đó, chung cư cũng là phân khúc ghi nhận sự phục hồi nhu cầu giao dịch sớm nhất thị trường, khi ngay trong tháng 9/2021, nhu cầu tìm mua sản phẩm này tại TP.HCM tăng hơn 11% dù chưa có thông tin thành phố sẽ mở cửa và tái khởi động kinh tế.

Thiếu hụt nguồn cung bất động sản ở TP.HCM - Ảnh 2
Phân khúc chung cư được nhiều người quan tâm (Ảnh: Tạp chí Tài chính)

Trong 9 tháng đầu năm 2021, cho vay nhà ở của hệ thống ngân hàng tăng rất tốt, khoảng 9-10%, dư nợ khoảng 1,2 triệu tỉ đồng. Riêng cho vay kinh doanh đầu tư bất động sản là 700.000 tỉ đồng.

Hết 9 tháng, có khoảng 5.400 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, vẫn tăng bất chấp dịch bệnh. Số này đăng ký vốn khoảng 343.000 tỉ, tạo ra 35.000 việc làm. Trong khi đó, có khoảng 1.000 doanh nghiệp trở lại làm việc.

Sự chậm trễ của việc lập và ban hành quy hoạch ngành, quy hoạch địa phương, quy hoạch quốc gia sẽ dẫn đến khó khăn phát triển các dự án mới. Việt Nam đang trong thời kỳ đầu của quy hoạch nên trong vài năm tới, vấn đề này sẽ vẫn được đặt ra.

Cho nên, nếu vấn đề pháp lý được giải quyết, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng nhanh, thị trường bất động sản vốn đang tốt sẽ ngày càng tốt hơn.

Copy Link

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích