Thiết kế đường dành cho xe đạp trong đô thị
(Xây dựng) – Ngày 21/10, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức HealthBridge (Canada), World Resouces Institue (WRI, Mỹ) tổ chức Hội thảo tham vấn lần thứ hai cho Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế hạ tầng/đường dành cho xe đạp trong đô thị ở Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Đặng Anh Thư chủ trì Hội thảo. |
Phát biểu tại hội thảo, bà Đặng Anh Thư – Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết: Hồi tháng 6/2021, Hội thảo tham vấn lần thứ nhất đã được tổ chức. Các hoạt động này trong trong nội dung hợp tác giữa giữa Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) với GIZ, HealthBridge, WRI nhằm triển khai thực hiện Biên bản ghi nhớ Xây dựng hướng dẫn Thiết kế đường dành cho xe đạp đô thị được ký kết ngày 13/11/2020.
Theo bà Thư, xu thế sử dụng xe đạp linh hoạt, kết hợp với hệ thống giao thông công cộng đang được chú ý để góp phần vào sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường và sự phát triển bền vững của xã hội.
Nghiên cứu dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường dành cho xe đạp được thực hiện nhằm cung cấp các cơ sở khoa học để bổ sung, hoàn thiện các quy định về kết cấu hạ tầng cho phương tiện xe đạp trong hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy người dân đô thị sử dụng phương tiện xe đạp.
Các đại biểu tham gia Hội thảo theo hình thức trực tuyến. |
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Lennart Nout – Quản lý chiến lược quốc tế của Công ty Mobycon chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong quy hoạch quy hoạch mạng lưới và thiết kế đường chuyên biệt dành cho xe đạp.
Theo đó, với lợi thế an toàn, trực tiếp, liên tục, hấp dẫn và thoải mái, người dân Hà Lan sẵn sàng lựa chọn giải pháp xanh là đi xe đạp khi di chuyển trong khoảng cách từ 7,5km đổ lại…
Thay mặt nhóm nghiên cứu trong nước, ông Vũ Hoài Nam – Đại học Xây dựng Hà Nội giới thiệu các nội dung cơ bản của dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường danh cho xe đạp.
Ông Nam cho biết sau hội thảo lần 1, nhóm nghiên cưu đã điều chỉnh một số nội dung như điều chỉnh tên các chương, điều chỉnh phân loại đường xe đạp, bổ sung thông số thiết kế hình học cho hạ tầng xe đạp phổ biến ở Việt Nam; bổ sung thêm các khuyến cáo an toàn cho hạ tầng xe đạp, hướng tới khuyến khích thiết kế cho mọi người…
Dự thảo hướng dẫn kỹ thuật và thiết kế đường dành cho xe đạp lần này gồm10 chương, đề cập đến phạm vi áp dụng; bối cảnh tại Việt Nam; nguyên tắc thiết kế; mạng lưới xe đạp tích hợp; cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp và lựa chọn tốc độ thiết kế; thiết kế nút giao thông; thiết kế giảm thiểu xung đột; cơ sở hạ tầng thiết yếu; trang thiết bị phụ trợ…
Tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng đây là nghiên cứu cần thiết, là tiền đề để phát triển hạ tầng xanh, phù hợp với định hướng phát triển bền vững tại Việt Nam. Hướng dẫn càng rất cần thiết hơn nữa khi đường giao thông ở Việt Nam đều hiện nay là đường hỗn hợp các làn xe, không có làn riêng cho xe đạp nên người đi xe đạp chưa an toàn.
Theo các chuyên gia, hướng dẫn có kết cấu chặt chẽ, dễ hiểu, tiếp thu nhiều các kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng dự thảo hướng dẫn cần được rút ngắn, cô đọng để khi được ban hành, các đối tượng sử dụng sẽ áp dụng.
Mặc dù vẫn có băn khoăn về tính khả thi, nguồn lực cho việc thiết kế đường dành cho xe đạp tại Việt Nam, song các đại biểu cũng cho rằng nghiên cứu này trước nhất có thể ứng dụng trong các khu đô thị, các đô thị du lịch… Và để hướng dẫn hiệu quả, phải bổ sung quy định về thiết kế đường cho xe đạp cũng như đưa nội dung này vào quy hoạch giao thông đô thị… Đại diện các tổ chức quốc tế hợp tác với Cục Hạ tầng kỹ thuật thực hiện dự án này cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ để nhóm nghiên cứu hoàn thành dự án.
Kết luận Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật Đặng Anh Thư đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và sớm bổ sung hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn kỹ thuật về thiết kế đường dành cho xe đạp.
“Ý kiến của các chuyên gia tham dự hội thảo sẽ giúp cho Cục Hạ tầng kỹ thuật có được cơ sở khoa học để đề xuất với lãnh đạo Bộ bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lĩnh vực hạ tầng giao thông đô thị, đáp ứng nhu cầu thực tiễn”, bà Thư nói.
Nguồn: Báo xây dựng