Thiết kế cầu Sông Bồ – Đồ án xuất sắc của ngành Xây dựng công trình giao thông
(Xây dựng) – Đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” của sinh viên Đoàn Xuân Hưng – ngành Công trình giao thông, trường Đại học Xây dựng Hà Nội với sự hướng dẫn của TS. Lê Bá Danh đã vinh dự đạt giải Nhất giải thưởng Loa Thành lần thứ 33 (năm 2021). Đồ án được đánh giá cao trong Hội đồng chuyên ngành, cũng là đồ án xuất sắc của ngành Công trình giao thông mà trong nhiều năm giải thưởng Loa Thành mới có.
Tác giả đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” Đoàn Xuân Hưng và giáo viên hướng dẫn – TS. Lê Bá Danh. |
Trò chuyện với phóng viên, sinh viên Đoàn Xuân Hưng cho biết, đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” được thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế và hoàn thiện tuyến đường Bắc – Nam, hoàn thiện mạng lưới đường Hồ Chí Minh, kết nối giao thông, thương mại và hàng hóa giữa khu vực phía Bắc, khu vực phía Nam và các tỉnh miền Trung, tạo mạng lưới tuyến giao thông huyết mạch và hoàn thiện an sinh xã hội. Đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế theo chiều dài của lãnh thổ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và phát triển kinh tế bền vững.
Về kiến trúc, cây cầu Sông Bồ mang ý nghĩa giới thiệu nền văn hóa Phật giáo của thành phố Huế nói riêng và cả nước nói chung. Một điểm nhấn trong đồ án thiết kế cầu chính là hai bên cầu có những tháp chùa, đều liên quan đến vua triều Nguyễn. Yếu tố này tạo sự mềm mại, uyển chuyển trong kiến trúc, phá tan vẻ ngoài cứng nhắc của kết cấu cầu.
Mặt khác, chiếc cầu giống như cổng chào, đón tiếp du khách đến với Huế, tạo thành nét kiến trúc độc đáo, tuy đơn giản nhưng tinh tế, hội tụ đủ ý nghĩa về văn hóa cũng như đảm bảo được các yếu tố về kinh tế khi xây dựng công trình.
Nói về điểm đặc biệt của đồ án, Hưng cho hay “Tôi đã tìm hiểu các tài liệu thiết kế cầu nói chung và tiêu chuẩn thiết kế cầu TCVN 11823 nói riêng để áp dụng vào đồ án.
Đồ án của tôi có thiết kế đầy đủ các hạng mục của công trình cầu như thiết kế kết cấu phần trên (bản liên tục nhiệt, bản mặt cầu, dầm cầu), thiết kế mố, trụ, thiết kế cọc, khoan, nhồi… Các giải pháp về kết cấu nhịp, móng, trụ, mố, mối nối liên tục nhiệt, biện pháp thi công trên sông đều được xây dựng hợp lý.
Phối cảnh tổng quan cầu Sông Bồ. |
Ngoài ra, tôi còn vận dụng vào đồ án các phần mềm tính toán như Midas Civil 2019, phần mềm Pcacolum và phần mềm Mcoc để tính toán nội lực và các phần mềm đồ họa như Sketchup 2018, Lumionn 9.0 và Infraworks để diễn họa công trình, đưa ra ý tưởng kiến trúc, phối cảnh cho công trình cầu, một điều mà không phải đồ án nào cũng có”.
Theo tác giả, khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” chính là phần tính toán và phần áp mô hình lên các phần mềm chuyên dụng tính toán ra thông số.
Các phần mềm chuyên dụng hiện nay đều còn rất mới tại Việt Nam, những sinh viên ngành Xây dựng công trình giao thông như Hưng đều gặp khó khi sử dụng. Để khắc phục điều này, Hưng đã phải dành nhiều thời gian để tự tìm tòi, học hỏi cách dùng phần mềm, tìm hiểu các tài liệu về tiêu chuẩn thiết kế, dựng các tiêu chuẩn đó và theo dõi độ chính xác của thông số nhiều lần trên phần mềm để cho ra kết quả chuẩn xác nhất.
Đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” được thực hiện với mục tiêu phát triển kinh tế và hoàn thiện tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, kết nối giao thông, thương mại và hàng hóa giữa các vùng miền. |
Đạt được giải Nhất giải thưởng Loa Thành năm nay, sinh viên Đoàn Xuân Hưng chia sẻ: “Đây là một sự bất ngờ lớn nhất đối với tôi. Tôi không nghĩ rằng đồ án của tôi lại được Hội đồng chuyên ngành đánh giá cao như vậy. Khi thực hiện đồ án, tôi chỉ biết làm hết sức mình từ những phần cơ bản nhất mà các thầy truyền đạt trên giảng đường cùng với sự tìm tòi, học hỏi và sự góp ý từ thầy hướng dẫn để tôi phát triển đồ án của mình một cách chi tiết nhất”.
Xuân Hưng cho rằng, ban đầu không muốn tham gia dự thi vì thấy đồ án của mình không thiết kế những kết cấu lớn như các bạn sinh viên khác. Đồ án chỉ tập trung thiết kế kết cấu cầu dầm giản đơn – một trong những kết cấu cơ bản nhất của ngành cầu áp dụng cho các nhịp nhỏ và trung, trong khi đồ án của các bạn là cầu vòm, cầu dây văng, thường áp dụng cho các cầu lớn.
“Mặc dù vậy, thầy hướng dẫn lại động viên tôi hãy mạnh dạn tham gia dự thi Giải thưởng với đồ án này. Chính sự động viên đó của thầy đã giúp tôi có được giải thưởng danh giá của giải Loa Thành năm nay. Qua đây, tôi cũng xin cảm ơn thầy TS. Lê Bá Danh cùng các anh chị cố vấn đồ án. Đồng thời tôi cũng xin nhắn nhủ tới các bạn sinh viên, các kỹ sư tương lai hãy luôn cố gắng hoàn thiện kiến thức từ những gì cơ bản nhất”, Hưng bày tỏ.
Kiến trúc cầu Sông Bồ mang ý nghĩa giới thiệu nền văn hóa Phật giáo của thành phố Huế với thiết kế hai bên là những tháp chùa. |
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Hưng nói: “Giải thưởng Loa Thành chính là nguồn động lực lớn, là bước đệm vững chắc cho tôi trong những năm tháng đầu tiên bước vào nghề. Giải thưởng sẽ giúp tôi tự tin vận dụng những kiến thức mà tôi đã tích lũy được để đưa vào những việc làm sắp tới. Đây cũng là nguồn cảm hứng để tôi tiếp tục học lên cao hơn, đi tiếp con đường nghiên cứu về các lĩnh vực chuyên ngành cầu đường mà tôi đang theo đuổi”.
Theo Hội đồng chuyên ngành giải thưởng Loa Thành 2021, đồ án “Thiết kế cầu Sông Bồ” của sinh viên Đoàn Xuân Hưng mang tính tổng hợp cao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồ án. Đồ án tốt nghiệp có chất lượng rất tốt về mặt chuyên môn, trong đó bao gồm cả chất lượng về cách thức trình bày bản thuyết minh tính toán và các bản vẽ. Các nội dung tính toán và thiết kế trong đồ án được trình bày rất chi tiết, đầy đủ các hạng mục, đáp ứng tốt các mục tiêu đề ra của một đồ án tốt nghiệp chuyên ngành cầu đường. Đồ án đã thể hiện sinh viên nắm vững hệ thống kiến thức theo mục tiêu đào tạo.
Nguồn: Báo xây dựng