Thiệt hại kinh tế và sức khỏe do thiếu vi chất dinh dưỡng

Thiếu vi chất dinh dưỡng tạo gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Trên thế giới 2 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng; 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong hàng năm do thiếu máu, thiếu sắt; 190 triệu trẻ em trước tuổi học đường bị thiếu vitamin A; 1,1 triệu người tử vong hàng năm do thiếu vitamin A và kẽm; 300.000 trẻ đẻ ra bị dị tật bẩm sinh do bà mẹ thiếu folate. Thiệt hại do thiếu vi chất dinh dưỡng chiếm từ 2-3% tổng sản phẩm quốc nội của một quốc gia và thiếu dinh dưỡng làm giảm tới 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở các nước châu Á và châu Phi.
Các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thiếu iốt, vitamin A, sắt và kẽm gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội. Hiện nay, theo số liệu của Tổng cục Thống kê: Tỷ số tử vong mẹ là 45/100.000 trẻ đẻ sống (số liệu năm 2016); tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 11,6/1.000 trẻ đẻ sống, tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 18,2/1.000 trẻ đẻ sống, tỷ suất tử vong trẻ sơ sinh ước tính là 9,96/1.000 trẻ đẻ sống (số liệu năm 2023), trong đó tỷ số rủi ro tương đối của các trường hợp tử vong do thiếu vitamin A nhẹ ở trẻ trên 6 tháng tuổi là 1,75.
Trong số 1.600 trường hợp tử vong mẹ hàng năm có 192 (12%) trường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Thiếu máu không chỉ gây tác hại đối với sức khỏe, năng lực trí tuệ mà còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế đất nước do năng suất lao động kém và những chi phí do bệnh tật – hậu quả của tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Theo tính toán của các nhà kinh tế, khắc phục tình trạng thiếu Iốt, vitamin A và sắt có thể nâng cao chỉ số thông minh (IQ) của cộng đồng tới 10-15 điểm, giảm tử vong bà mẹ khoảng 1/3, giảm tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh xuống 40% và tăng khả năng lao động khoảng gấp rưỡi.

Ảnh minh hoạ.
Thiếu sắt cũng gây ra hậu quả tương tự: giảm khả năng lao động do giảm khả năng trí tuệ khi còn nhỏ, mất mát khả năng lao động của lực lượng lao động trí óc và lực lượng lao động chân tay sẽ gây tổn thất là 228 triệu đô la một năm và 2.408 triệu đô la trong 10 năm tới nếu tình hình không được cải thiện. Các chi phí cho điều trị y tế khi bị thiếu hụt, giảm hoặc mất năng suất lao động và các chi phí vô hình khác cho thiếu vitamin A, sắt, kẽm và I ốt có thể mất tới 648 triệu đô la Mỹ một năm trong khi tăng cường các vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm với những lợi ích sức khỏe, y tế và xã hội do nó mang lại chỉ cần chi phí khoảng 3 triệu đô la Mỹ một năm.
Thành công của chiến dịch toàn cầu về muối iốt là ví dụ về phương thức tiếp cận tăng cường vi chất dinh dưỡng dựa trên sự hợp tác giữa các đối tác của chính phủ và tư nhân. Chỉ trong vòng hơn 10 năm, các cam kết bền vững của ngành công nghiệp sản xuất muối, sự tạo điều kiện thuận lợi của các chính phủ, tổ chức y tế công cộng và các tổ chức phi chính phủ, cộng với sự đầu tư của xã hội chỉ với 3-5 xen (500-800 VNĐ) trên một đầu người đã mang lại kết quả là 2/3 (hai phần ba) lượng muối của tất cả các nước đang phát triển đã được bổ sung iốt. Kết quả mang lại cho trẻ em vô cùng to lớn: hàng năm, có tới 90 triệu trẻ mới sinh được bảo vệ thoát khỏi nguy cơ bị thiểu năng trí tuệ do thiếu iốt.
Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng như sắt và axit folic vào bột mì đã quen thuộc ở nhiều quốc gia phát triển và góp phần làm giảm đáng kể tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. Ví dụ, sau khi việc bổ sung axit folic được quy định là bắt buộc ở Hoa Kỳ, Canada và Chi Lê, chỉ trong 05 năm, tỷ lệ trẻ sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh nghiêm trọng đã giảm xuống hơn 1/3 (một phần ba).
Các nhà kinh tế học dự tính rằng nếu tình trạng thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng không được cải thiện thì trong 10 năm tới nền kinh tế thế giới sẽ phải tiêu tốn từ 180 đến 250 tỷ đô la Mỹ để giải quyết các hậu quả do sự sa sút về trí tuệ, suy giảm hệ thống miễn dịch, tử vong bà mẹ và trẻ em cũng như sự thiệt hại do suy giảm năng suất lao động gây ra. Nhưng nếu muốn đối phó với những thiếu hụt này thì xã hội chỉ cần đầu tư khoảng 4 đến 5 tỷ đô la Mỹ mà thôi.
Bảo Lâm