Thiết bị, vật tư y tế không đạt chuẩn hoành hành mùa dịch: Hệ luỵ nhãn tiền!
Mối nguy từ hàng giả
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại nhiều địa phương, việc trang bị những thiết bị, vật tư y tế thiết yếu như khẩu trang, bộ áo quần bảo hộ y tế, nước sát khuẩn… cho công tác phòng, chống dịch đang trở nên hết sức cấp thiết.
Tuy nhiên, một số đối tượng đã bất chấp an toàn tính mạng của người dân thực hiện hành vi sản xuất, kinh doanh mặt hàng thiết bị, vật tư y tế không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hay nói cách khác, từ vai trò là “lá chắn” bảo vệ con người, những chiếc khẩu trang, vật tư y tế giả, không đảm bảo chất lượng đã khiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 đã khó càng thêm khó.
Thậm chí, không ít tổ chức thiện nguyện đã mua phải số khẩu trang, vật tư y tế giả trên. Những người đi quyên tặng cũng không hay biết rằng họ đã mua phải những lô hàng kém chất lượng, có thể gây ra hậu quả không đáng có.
Ngay những ngày đầu tháng 9 này, Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế tại số 43 đường 3, Phù Lỗ (huyện Sóc Sơn) phát hiện, thu giữ 400.000 sản phẩm gồm 11.490 chiếc khẩu trang KN95 nhãn có chữ nước ngoài, 1.130 bộ bảo hộ y tế không nhãn mác, không rõ xuất xứ, 3.300 bộ bảo hộ y tế nhãn giấy có chữ sản xuất bởi Công ty CP Đầu tư Thiện Bình, 550 chiếc áo liền quần, 5.500 chiếc bao chân và 347.000 chiếc găng tay cao su đều không rõ xuất xứ.
Đáng lưu ý là 20.880 chiếc khẩu trang 3M mã 1860 có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Đây là một trong những sản phẩm được sử dụng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch.
GS. TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị chia sẻ: “Ở vùng 1- nơi trực tiếp chăm sóc, điều trị người bệnh trong phòng hồi sức – những chiếc khẩu trang đạt chuẩn chất lượng là vô cùng quan trọng, bởi khẩu trang chuẩn mới có thể bảo vệ được các lực lượng tuyến đầu. Đã có những trường hợp trong quá trình chăm sóc người bệnh bị nhiễm Covid-19 và một trong những lý do là y, bác sĩ, điều dưỡng… đã sử dụng những chiếc khẩu trang không đạt chuẩn”.
Chế tài cần đủ sức răn đe
Nhìn nhận tình trạng sản xuất, buôn bán vật tư y tế giả, kém chất lượng là vấn đề gây bức xúc trong xã hội, Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Văn phòng Luật Intercode, Đoàn luật sư TP.Hà Nội cho rằng, tùy thuộc tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 11, 12 và Điều 13 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định: Tùy thuộc vào giá trị của số lượng hàng giả vi phạm (được tính dựa trên giá trị của số lượng hàng thật tương đương), người (cá nhân) có hành vi vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng và từ 400.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trường hợp hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.
Nếu hành vi buôn bán trang thiết bị y tế giả nói riêng và hành vi buôn bán hàng giả nói chung đủ cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi Điểm a và b Khoản 42 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.
Hình phạt chính đối với tội này có thể là phạt tiền hoặc phạt tù/đình chỉ hoạt động. Cụ thể: Mức phạt tiền là 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân phạm tội và 1.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng đối với pháp nhân phạm tội; Mức phạt tù đối với cá nhân phạm tội là từ 1 năm đến 15 năm tùy mức độ nguy hiểm của hành vi; pháp nhân phạm tội có thể bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm hoặc vĩnh viễn…
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người cần được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang hoành hành là thời điểm nhiều mặt hàng chống dịch như nước sát khuẩn, khẩu trang… bị nhiều kẻ gian lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì vậy, người dân không nên mua vật tư y tế hoặc các loại dược phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên mạng được người bán quảng cáo là sản phẩm phòng hoặc sử dụng trong quá trình điều trị Covid-19.
Thanh Tùng