Thích ứng tiêu chuẩn mới về xuất khẩu nông sản
Theo đó, tần suất kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật với một số loại rau, gia vị của Việt Nam là 50% và thanh long là 10%, đã được áp dụng từ ngày 23/11. Theo định kỳ, cứ 6 tháng một lần, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét các danh sách thực phẩm và thức ăn chăn nuôi không có nguồn gốc động vật từ một số nước thứ ba chịu sự tăng cường tạm thời của biện pháp kiểm soát chính thức tại các chốt kiểm soát biên giới để bảo đảm an toàn thực phẩm. Điều này sẽ làm tăng thời gian thông quan nông sản, vốn đã chịu nhiều chậm trễ trong bối cảnh dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tài chính của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm, nhất là các sản phẩm rau quả tươi.
Không chỉ thị trường EU, mà tại thị trường Trung Quốc, 9 tháng đầu năm 2021, thống kê cho thấy có 138 lượt hàng hóa thực phẩm của nước ta vi phạm quy định xuất khẩu của Trung Quốc. Những vi phạm này đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về bảo đảm chất lượng hàng nông sản đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Đó không đơn giản là một số lô hàng bị thu hồi hay tiêu hủy mà quan trọng hơn là ảnh hưởng đến uy tín hàng nông sản Việt Nam, uy tín các doanh nghiệp xuất khẩu và làm giảm kim ngạch xuất khẩu nông sản, kéo theo cả chuỗi sản xuất, cung ứng bị ảnh hưởng tiêu cực về doanh thu.
Trước tình hình đó, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) nhanh chóng tổ chức các cuộc hội nghị trực tuyến phổ biến cam kết về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật liên quan đến các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Trung Quốc… Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) tổ chức chuỗi các phiên tư vấn xuất khẩu nông sản, thực phẩm vào từng thị trường trọng điểm… Tuy nhiên, để nông sản Việt Nam đáp ứng đầy đủ và đồng đều tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, nhất là các thị trường chất lượng cao như EU, Mỹ, thậm chí cả Trung Quốc hiện nay, thì cần thực hiện nghiêm túc, bài bản từ khâu sản xuất ở vùng nguyên liệu đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm. Trong đó, cần lưu ý đến việc triển khai sớm các nội dung phát triển nông nghiệp bền vững đang được nhiều quốc gia quan tâm thực hành như: giảm sử dụng thuốc trừ sâu hóa học; giảm thất thoát chất dinh dưỡng; giảm sử dụng phân bón hóa học; giảm doanh số bán thuốc kháng sinh cho động vật trang trại; tăng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Theo ND