Thị xã Việt Yên: Cơ sở nào không bảo đảm an toàn PCCC sẽ đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động

Thị xã Việt Yên: Cơ sở nào không bảo đảm an toàn PCCC sẽ đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát.

Thị xã Việt Yên có 17 phường, xã với 222 nghìn nhân khẩu. Là địa phương trọng điểm về phát triển công nghiệp, trên địa bàn có 4 khu công nghiệp và 3 cụm công nghiệp thu hút hơn 100 nghìn lao động, trong đó có hơn 70 nghìn người thuê trọ (tạm trú) kéo theo các loại hình dịch vụ phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ rất cao, đặc biệt là ở các nhà hàng, quán ăn, nhà ở kết hợp kinh doanh, quán karaoke và khu nhà trọ tự phát trong các hộ dân.

Công an thị xã quản lý 730 cơ sở; UBND các xã, phường quản lý 5.373 cơ sở có điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

Trên địa bàn thị xã còn một số đường thôn, xóm nhỏ, có cột bê tông ở đầu đường. Một số khu nhà trọ, cho thuê lưu trú gồm nhiều tầng, nhiều phòng, ngõ chật hẹp, nguồn nước phục vụ công tác PCCC hạn chế. Vì vậy, nếu xảy ra hỏa hoạn xe chữa cháy khó tiếp cận hiện trường.

tm-img-alt
Vụ cháy tại gia đình ông Tống Văn L. (SN 1965, ở thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) xảy ra vào ngày 22/6/2023 khiến 3 người tử vong.

Trước thực tế này, Thị ủy Việt Yên đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trong tình hình mới.

UBND thị xã Việt Yên thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, Công an thị xã, UBND các xã, phường tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở cố tình vi phạm.

Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC và CNCH được quan tâm theo phương châm “4 tại chỗ”.

Giai đoạn 2022-2024, trên địa bàn thị xã xảy ra 9 vụ cháy, trong đó có 2 vụ cháy tại công ty, 1 vụ cháy lán trại trong khu công nghiệp, 1 vụ cháy phòng khám Covid-19 bỏ hoang, 3 vụ cháy xe ô tô, 1 vụ cháy tại hộ gia đình và 1 vụ cháy rừng. Các vụ cháy làm 1 người chết, thiệt hại tài sản hơn 100 tỷ đồng và 10,1 ha rừng.

Tuy nhiên, qua phân tích cho thấy tình hình cháy nổ trên địa bàn thị xã diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chính là do ý thức và kiến thức về PCCC của người lao động, người dân chưa cao. Công tác hậu kiểm còn hạn chế.

Theo ông Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên, địa phương sẽ tập trung cao vào công tác quản lý phòng, chống cháy nổ ở các cơ sở, đặc biệt là nhà trọ.

“Quan điểm của thị xã là cơ sở nào không bảo đảm an toàn thì đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động, bất luận là của cá nhân nào. Vừa qua, UBND thị xã đã thông báo tới 418 chủ nhà trọ cao tầng chưa bảo đảm điều kiện an toàn PCCC và thoát nạn, yêu cầu khắc phục, hoàn thiện theo quy định.” ông Lượng chia sẻ.

Thị xã đã và đang đầu tư rất lớn về cơ sở hạ tầng, về con người cho công tác PCCC và CNCH. Tăng cường tập huấn, huấn luyện sử dụng các trang thiết bị ở các cơ sở cho thuê trọ. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao.

Tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã ký ban hành văn bản về việc tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH.

Tỉnh Bắc Giang xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH.

Khi có các vụ cháy xảy ra phải khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra cháy do nguyên nhân chủ quan; xử lý các hành vi vi phạm hoặc tham mưu xử lý theo quy định.

UBND các huyện, thành phố, khẩn trương kiểm tra, rà soát việc cấp phép xây dựng các công trình trên địa bàn theo thẩm quyền, việc thực hiện các quy định về PCCC và CNCH đối với các nhà cao tầng, nhà ở công nhân, cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các cơ sở chuyển đổi công năng từ nhà ở sang nhà cho thuê trọ có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở tập trung đông người, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ trong khu dân cư.

Yêu cầu các tổ chức, cá nhân được kiểm tra khắc phục triệt để các hạn chế, vi phạm. Kiên quyết đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh và xử lý nghiêm đối với các cơ sở kinh doanh hoạt động khi không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và CNCH. Tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp không chấp hành quyết định đình chỉ hoạt động của cơ quan có thẩm quyền.

Đồng thời, lập danh sách các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC, đặc biệt là các cơ sở cho thuê trọ, nhà ở công nhân, nhà cao tầng, khách sạn, nhà nghỉ để công khai, khuyến cáo người dân không thuê, mua, sinh sống tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC và CNCH.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích