Thị xã Sa Pa quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt

Thị xã Sa Pa quan tâm xử lý nước thải sinh hoạt

Xác định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng môi trường đô thị ở khu du lịch quốc gia, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt, góp phần cho môi trường xanh – sạch – đẹp.

Là khu du lịch nổi tiếng của quốc gia và quốc tế, những năm qua, tốc độ đô thị hóa tại thị xã Sa Pa diễn ra nhanh chóng, mật độ xây dựng dày đặc, dân cư tập trung đông tại khu vực đô thị. Trước đây, nước thải sinh hoạt khu vực đô thị được xả thẳng ra hệ thống thoát nước của thị xã, sau đó xả ra môi trường. Nhiều gia đình xả trực tiếp nước thải sinh hoạt ra hệ thống cống thoát nước mà không qua xử lý dẫn tới bốc mùi hôi, gây ô nhiễm không khí, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng kéo dài hoặc mưa lớn.

khoi thong.jpg

Khu vực trung tâm thị xã Sa Pa là vùng thượng lưu của 2 hệ thống suối lớn: Suối Mường Hoa và suối Ngòi Đum. Vấn đề thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt trở nên cấp thiết, liên quan đến diện mạo khu du lịch cũng như chất lượng cuộc sống của người dân.

Năm 2022, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 2 nhà máy xử lý nước thải được xây dựng và đưa vào vận hành. Dự án đầu tư 2 nhà máy xử lý nước thải có tổng kinh phí gần 210 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án ODA tỉnh làm chủ đầu tư. 2 nhà máy có tổng công suất thiết kế xử lý 7.500 m³/ngày – đêm với công nghệ xử lý hiện đại. Chất lượng nước thải sau khi xử lý đạt các tiêu chuẩn xả thải theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

xu ly nuoc thai
Nước thải sinh hoạt được thu gom về nhà máy xử lý.

Ông Trần Văn Thơ, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Sa Pa cho biết: Tổ dân phố có 150 hộ, phần lớn kinh doanh dịch vụ, du lịch. Trước đây, cứ nắng nóng là mùi hôi thối bốc lên từ các cống thoát nước, rất khó chịu. Từ năm 2022, nước thải sinh hoạt được thu gom theo hệ thống riêng để đưa về nhà máy xử lý nước thải, không xả chung ra hệ thống thoát nước mưa trên các tuyến phố như trước, vì vậy chất lượng môi trường được cải thiện, không còn tình trạng bốc mùi từ hệ thống cống, rãnh thoát nước.

vận hành
Nhà máy xử lý nước thải được đầu tư với công nghệ hiện đại.

Hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại khu vực nội thị của thị xã Sa Pa nằm trong Dự án Phát triển các đô thị dọc hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) lần thứ 2 – Tiểu dự án đô thị Sa Pa. Thực hiện dự án, nước thải sinh hoạt tại một số tuyến phố chính được thu gom theo hệ thống riêng, tách biệt với hệ thống thoát nước mặt (nước mưa). Hệ thống ống dẫn này được ngầm hóa. Qua hệ thống ống dẫn và các trạm bơm, nước thải sinh hoạt được đưa về nhà máy để xử lý theo quy trình trước khi xả ra môi trường. Xử lý nước thải là yêu cầu bắt buộc đối với các đô thị, chưa kể Sa Pa ở trên cao, đầu nguồn các con suối đổ về hạ lưu. Do đó, việc thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở Sa Pa đã góp phần rất lớn đảm bảo vệ sinh môi trường ở vùng hạ lưu.

z4522992601894_34bf10982fad9e65a3c769f5984cd216.jpg
Chất lượng nước trước và sau khi xử lý được kiểm tra thường xuyên.

Theo ông Bùi Tuấn Dương, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sa Pa, việc thu gom nước thải được thực hiện tại một số tuyến phố đã mang đến những thay đổi tích cực về chất lượng môi trường. Tuy nhiên, hệ thống này hiện chưa được đồng bộ toàn khu vực mà mới thu gom ở một số tuyến (đạt khoảng 1/4 các tuyến phố trên toàn khu vực nội thị). Bởi vậy, tại nhiều khu vực, nước thải sinh hoạt vẫn xả chung vào hệ thống thoát nước mặt đô thị, tiềm ẩn các nguy cơ ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước.

“Mỗi ngày, 2 nhà máy chỉ thu gom, xử lý hơn 2.000 m3 nước thải sinh hoạt, đạt 30% tổng công suất. Chúng tôi mong thị xã Sa Pa tiếp tục được đầu tư đồng bộ hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý, góp phần bảo vệ môi trường chung”.

Ông Bùi Tuấn Dương, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Sa Pa.

Bảo vệ môi trường, trong đó có vấn đề xử lý tốt nguồn nước thải sinh hoạt đang được các địa phương quan tâm, nhất là những địa phương có tốc độ đô thị hóa mạnh và có sự phát triển của dịch vụ, du lịch như thị xã Sa Pa. Với những nỗ lực trong xử lý nước thải sinh hoạt, Sa Pa đã và đang là địa phương đi đầu thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội gắn với gìn giữ môi trường.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích