Thị trường văn phòng cho thuê, để cung gặp được cầu
Vẫn còn những “điểm sáng”
Chia sẻ tại tọa đàm “Nhận diện nhân tố mới trên thị trường văn phòng cho thuê”, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: Trong 2 năm vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và có sự tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế, trong đó thị trường BĐS không phải là ngoại lệ. Từ quý 1 năm 2020, các chỉ số cho thấy sự sụt giảm trong giao dịch BĐS, trên thị trường chỉ còn 10% giao dịch.
Ảnh minh họa. |
Có thể nói, tất cả các phân khúc BĐS đều bị ảnh hưởng do các công trình phải dừng hoạt động, nguồn cung ứng vật liệu bị đứt gãy, các công trường không được phép triển khai hoạt động xây dựng; nhiều đợt giãn cách khiến cho hoạt động của chính quyền bị hạn chế dẫn đến các thủ tục phê duyệt dự án trở nên khó khăn… Và còn nhiều nguyên nhân khác khiến cho nguồn cung giảm. Đặc biệt, các phân khúc như căn hộ, du lịch, nghỉ dưỡng, bán lẻ… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, bất chấp hạn chế về thời gian giãn cách kéo dài, thị trường BĐS vẫn có điểm sáng qua con số ghi nhận khối lượng giao dịch thành công. Kết quả này là do các nhà môi giới, chủ đầu tư đã linh hoạt sử dụng công nghệ để bán hàng, biến khó khăn thành cơ hội và tạo nên một xu hướng mới được thị trường nhanh chóng tiếp nhận.
Riêng phân khúc BĐS văn phòng được đánh giá là một trong những mảng chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu nhận diện về lực cầu thì thị trường này vẫn còn dư địa để phát triển.
Ông Nguyễn Văn Đính cho biết: “Theo chỉ đạo của Chính phủ, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp trong thời gian tới. Lấy mốc năm 2020 thì con số đang đạt khoảng 800 nghìn doanh nghiệp chính thức được cấp phép hoạt động. Đây sẽ là đối tượng sử dụng nguồn cầu văn phòng lớn với nhu cầu sẽ tiếp tục gia tăng. Đơn cử như Hà Nội hiện có gần 200 nghìn doanh nghiệp cùng nhiều chi nhánh, đại diện của các doanh nghiệp khắp nơi đặt văn phòng tại đây. Nhu cầu tối thiểu của các đối tượng này ước tính trên 10 triệu m2 sàn. Trong khi đó, thị trường văn phòng Hà Nội chỉ có khoảng 200 dự án với nguồn cung 3-4 triệu m2 sàn. Do số lượng cung ít, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải lựa chọn phân khúc rẻ hơn như thuê mặt sàn chung cư, thuê nhà dân mở văn phòng… Do đó, nhìn về tổng quan, hiện trạng cung – cầu bất động sản văn phòng vẫn đang chênh lệch, cung chưa thỏa mãn cầu, nhất là phân khúc hạng A. Trong số đó, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn nhiều doanh nghiệp đang hoạt động, chưa được đáp ứng nhu cầu về văn phòng cho thuê”.
Làm sao cung cầu gặp nhau?
Báo cáo của Tập đoàn dịch vụ BĐS Savills tại Việt Nam cho thấy, tại thành phố Hồ Chí Minh, công suất cho thuê trung bình ổn định ở mức 90%, không đổi so với quý trước nhưng giảm 4 điểm phần trăm theo năm. Phần lớn các giao dịch mới từ các công ty trong lĩnh vực phân phối (48%); tiếp đó là tư vấn (12%) và chăm sóc sức khỏe (9%). Nhu cầu thị trường trong quý chuyển dịch về các công ty phân phối mặt hàng thiết yếu, các sản phẩm y tế và chăm sóc sức khỏe, vận chuyển.
Trong khi đó, tại Hà Nội, báo cáo của Công ty kinh doanh dịch vụ bất động sản CBRE tại Việt Nam cho thấy một số ngành có giao dịch tích cực nhất là công nghệ thông tin, ngành sản xuất, chiếm gần 80% tổng diện tích giao dịch. Đáng chú ý, mặc dù giãn cách nhưng trong quý 3 không ghi nhận giao dịch trả hoặc thu hẹp mặt bằng nào từ các toà nhà văn phòng hạng A và B. Tỷ lệ trống cho hạng A và hạng B lần lượt là 10,8% và 9,8%. Diện tích hấp thụ toàn thị trường đạt 4.892m2 dù không nhiều nhưng vẫn khá lạc quan, nhất là trong giai đoạn khó khăn vừa qua.
Theo các chuyên gia BĐS, dự báo trong thời gian tới, cung – cầu trên thị trường văn phòng cho thuê cũng sẽ có nhiều chuyển biến. Rõ nét nhất là sự dịch chuyển mạnh ra ngoài trung tâm và các tỉnh lân cận khi hàng loạt địa phương đang thúc đẩy triển khai đề án phát triển đô thị đến 2025 và định hướng đến 2030. Trong đó chú trọng xây dựng những trung tâm công nghệ, trung tâm tài chính hay thành phố thông minh…, thu hút đông đảo dân cư đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh mảng văn phòng truyền thống, cung – cầu về văn phòng linh hoạt cũng sẽ gia tăng. Mô hình codotel cũng sẽ phát triển mạnh khi tính pháp lý cho lĩnh vực này được hoàn thiện. |
Với vai trò là chủ đầu tư, bà Tạ Thị Thu Hằng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và cho thuê tài sản TNL cho rằng, thời điểm này doanh nghiệp cần linh hoạt có chính sách vừa song hành với khách hàng vừa giữ chân họ, hỗ trợ khách thuê đã ký hợp đồng bằng việc giảm giá. Tuy nhiên, điều quan trọng để giữ chân khách hàng là chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực, từ việc nâng cấp tòa nhà đáp ứng các yêu cầu. Khách hàng hiện nay không đơn giản chỉ nhìn ở giá thành nữa mà họ xem vị trí, tòa nhà đó có đảm bảo an toàn hay không, để khi đưa toàn bộ công ty, bộ máy của họ đến làm việc thì được đón nhận một môi trường thực sự an toàn và tiện ích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Dũng Minh – Phó Tổng giám đốc Quỹ đầu tư IDS Equity Holdings cho rằng, để có thể hấp dẫn được khách thuê trong thời gian tới, chủ đầu tư văn phòng cho thuê nên quan tâm nhiều hơn đến hạ tầng kỹ thuật. Yêu cầu hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng như về nguồn điện, công suất điện, tiêu chuẩn kỹ thuật để đáp ứng hệ thống máy chủ của doanh nghiệp IT lớn. Các chủ đầu tư các toà nhà cần lưu ý hạ tầng kỹ thuật phải làm từ trong quá trình chuẩn bị để không phải tính đến chi phí nâng cấp sau này, rất tốn kém.
Không gian xanh và không gian chung ở các tòa nhà cao tầng Hà Nội tìm kiếm gần như khó, nên chủ đầu tư nào “biến” được một số tiện tích thành không gian xanh, không gian chung của tòa nhà thì đó sẽ là lợi thế. Những không gian này sẽ mang lại giá trị lớn cho khách hàng.“Thời gian tới, các chủ đầu tư Việt Nam cũng nên nhìn nhận vấn đề bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đặc biệt khách hàng là công ty tập đoàn đa quốc gia, họ có cam kết riêng với cổ đông của họ về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường”, ông Minh thông tin thêm.
Theo các chuyên gia BĐS, dự báo trong thời gian tới, cung – cầu trên thị trường văn phòng cho thuê cũng sẽ có nhiều chuyển biến. Rõ nét nhất là sự dịch chuyển mạnh ra ngoài trung tâm và các tỉnh lân cận khi hàng loạt địa phương đang thúc đẩy triển khai đề án phát triển đô thị đến 2025 và định hướng đến 2030. Trong đó chú trọng xây dựng những trung tâm công nghệ, trung tâm tài chính hay thành phố thông minh…, thu hút đông đảo dân cư đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh mảng văn phòng truyền thống, cung – cầu về văn phòng linh hoạt cũng sẽ gia tăng. Mô hình codotel cũng sẽ phát triển mạnh khi tính pháp lý cho lĩnh vực này được hoàn thiện.
Xu hướng trên, và đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp đòi hỏi chủ đầu tư văn phòng phải có những lựa chọn và giải pháp phù hợp nhằm thích ứng với yêu cầu mới trên thị trường và có thể để giữ chân cũng như thu hút khách thuê. Chủ đầu tư cần chú trọng vào chất lượng, thiết kế, trang bị công nghệ hiện đại, cung cấp dịch vụ đồng bộ, phân loại khách hàng để có sự hỗ trợ kịp thời nếu khách hàng gặp khó khăn./.
Nguồn: Báo lao động thủ đô