Thị trường trái phiếu ‘rơi’ đột ngột, DN mất đòn bẩy tài chính

Một số ý kiến lo ngại, tới đây nhiều doanh nghiệp đến hạn phải thanh toán trái phiếu đã phát hành, không biết sẽ lấy tiền đâu để trả. Nếu đổ bể, vỡ nợ đây sẽ là cú sốc lớn với nền kinh tế.

Thị trường trầm lắng, DN đói vốn

Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường trái phiếu DN tiếp tục nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.

Cụ thể, trong tháng 8/2022, có 26 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và một đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có hai đợt phát hành từ Công ty cổ phần (CTCP) Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.

Suốt 4 tháng qua, hoạt động phát hành trái phiếu DN rơi vào khoảng trống đột ngột. Từ sự bùng nổ và liên tục gia tăng trong các năm 2020 và 2021, hoạt động phát hành mới ở các lĩnh vực ngoài ngân hàng rơi vào trầm lắng. Những vụ bê bối vừa qua khiến thị trường trái phiếu DN im ắng, cùng với xu hướng siết chặt quản lý, kênh phát hành trái phiếu DN đã giảm mạnh trong mấy tháng qua.

thi truong trai phieu roi dot ngot dn mat don bay tai chinh
Suốt 4 tháng qua, hoạt động phát hành trái phiếu DN rơi vào trầm lắng.

Trong bối cảnh lo ngại lạm phát, Ngân hàng Nhà nước không tăng hạn mức tín dụng, thị trường tái phiếu DN lại trầm lắng khiến nguy cơ nửa cuối năm nay không đủ vốn cho nền kinh tế. Nhiều DN cần vốn cho sản xuất kinh doanh đang đối mặt với khó khăn.

Ngoài ra, thiếu vốn từ lâu đã là “căn bệnh trầm kha” của nền kinh tế Việt Nam. Tỷ lệ DN gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng tại Việt Nam vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Điều này có nghĩa là nhiều DN không thể tận dụng đòn bẩy tài chính vào các hoạt động kinh tế của họ. Vì vậy, việc phục hồi và phát triển thị trường trái phiếu DN rất quan trọng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, về nguyên tắc, phát hành trái phiếu DN được cho là có nhiều lợi thế hơn vay vốn ngân hàng. DN phát hành chỉ phải trả lãi hàng tháng, còn gốc thanh toán vào cuối kỳ, không như vay vốn ngân hàng phải trả cả gốc và lãi hàng tháng. Trái phiếu DN đến kỳ thanh toán, nếu thanh khoản không dồi dào, DN có thể tiếp tục phát hành trái phiếu để lấy tiền đảo nợ, trong khi vay ngân hàng không thanh toán đúng hạn sẽ trở thành nợ xấu, không thể tiếp tục vay vốn được nữa. Chưa kể, tiền thu từ phát hành trái phiếu DN không bị kiểm soát như vay vốn ngân hàng, vì vậy thuận lợi hơn rất nhiều.

Cũng theo ông Nghĩa, quy mô thị trường trái phiếu DN vừa qua phát triển rất nhanh, hiện vào khoảng 1,5 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số vốn trung dài hạn hệ thống ngân hàng 5 triệu tỷ đồng. Những năm qua, thị trường trái phiếu DN tăng trưởng khoảng 30-35%/năm.

Theo tính toán, cứ sau 2 năm, khối lượng trái phiếu DN tăng lên gấp đôi, thì 6 năm nữa sẽ đạt quy mô khoảng 11 triệu tỷ đồng. Gánh vác toàn bộ nguồn vốn trung dài hạn, giảm gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, có thể khẳng định thị trường trái phiếu DN có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế – ông Nghĩa nhấn mạnh.

Sớm phục hồi thị trường trái phiếu DN

Trong khi đó, theo Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa tại Việt Nam, gặp khó khăn tiếp cận tín dụng vẫn thuộc nhóm cao nhất trong khu vực. Chính sách tiền tệ, vì vậy chỉ có tác động hạn chế với sản xuất kinh doanh. Một điều khá rõ ràng là thời gian vừa qua lãi suất đã giảm xuống rất thấp, nhưng nhiều DN vẫn không thể tiếp cận được nguồn vốn chi phí rẻ này.

Chính phủ đang thực hiện gói cấp bù lãi suất 2% để giúp các DN phục hồi sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều DN không đủ điều kiện tham gia.

thi truong trai phieu roi dot ngot dn mat don bay tai chinh
Thị trường trái phiếu DN có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế.

DN thiếu vốn dẫn đến phải giảm hoặc ngừng sản xuất kinh doanh, không tạo ra dòng tiền. Một số ý kiến lo ngại, tới đây, nhiều DN đến hạn phải thanh toán trái phiếu đã phát hành không biết sẽ lấy tiền đâu để trả. Tổng giá trị trái phiếu DN đáo hạn tính đến cuối năm nay là 84.000 tỷ đồng và năm 2023 là 140.000 tỷ đồng, nếu đổ bể, vỡ nợ đây sẽ là “tử huyệt” của nền kinh tế.

Các DN đề nghị, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và thúc đẩy hoạt động phát hành trái phiếu DN.

Theo WB, sự phát triển của thị trường vốn (trái phiếu DN, chứng khoán) sẽ giúp Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid. Nó cũng sẽ mang lại cơ hội tài chính cho khu vực tư nhân, vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Việc phát triển thị trường cần được thực hiện với các tiêu chuẩn cao về công bố thông tin, đặc biệt là trên thị trường trái phiếu DN, vì thông tin đáng tin cậy và dễ tiếp cận là cần thiết để thúc đẩy và duy trì niềm tin của nhà đầu tư. Thị trường trái phiếu DN đại chúng cần được thúc đẩy bằng cách hợp lý hóa các quy trình phát hành và niêm yết, để có nhiều trái phiếu hơn ra công chúng với các thông tin công bố đạt chuẩn.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để khơi thông nguồn vốn trung, dài hạn cho DN tư nhân, cần thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu DN nói riêng và thị trường vốn nói chung. Cần hoàn thiện thể chế, tăng cường minh bạch thông tin; xây dựng văn hóa minh bạch thông tin và văn hóa xếp hạng tín nhiệm DN.

Ngoài ra, tránh việc siết quá chặt với các điều kiện bất hợp lý như: không được phát hành trái phiếu DN để đầu tư vào DN khác hoặc cho DN khác vay, phát hành trái phiếu DN để đảo nợ, phát hành trái phiếu DN không vượt quá 3 lần vốn chủ sở hữu, phải sử dụng vốn đúng mục đích phát hành,…

Muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến cần có một định chế độc lập, một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường. Đến nay, Việt Nam chưa có đủ định chế thật sự để quản lý giám sát phát triển thị trường này. Do giám sát không chặt chẽ dẫn đến tình trạng thị trường bị “lên bờ xuống ruộng”, cùng với cách giải quyết vấn đề là xử lý hình sự những sai phạm, gây ra rủi ro rất lớn, mất niềm tin và sẽ rất khó phát triển bền vững lâu dài.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích