Thị trường tín chỉ carbon – Nguồn thu tài chính bền vững
Thị trường tín chỉ carbon – Nguồn thu tài chính bền vững
Kể từ khi Chính phủ Việt Nam cam kết mục tiêu Net Zero vào năm 2050 và đặt ra lộ trình tham gia thị trường tín chỉ carbon, cho đến nay, mục tiêu này đã có những tín hiệu tích cực…
Gần 11.000 chủ rừng được nhận tiền
Theo thống kê của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (thành viên của Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam), tính đến hết tháng 11/2022, Việt Nam đã có gần 29,4 triệu tín chỉ carbon được phát hành, thuộc 276 dự án nằm trong khuôn khổ của Cơ chế phát triển sạch (CDM) thị trường carbon bắt buộc, tập trung ở các lĩnh vực thủy điện, năng lượng tái tạo, điện sinh khối, hiệu quả năng lượng, trong đó chủ yếu là các dự án thủy điện (204 dự án). Thị trường carbon tự nguyện cũng được hình thành với 32 dự án có tổng số 5,75 triệu tín chỉ carbon được phát hành, tập trung ở các lĩnh vực thủy điện, điện mặt trời, điện gió.
Ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Chính sách, thương mại và tài chính lâm nghiệp (thuộc Forest Trends – tổ chức phi lợi nhuận khuyến khích duy trì hệ sinh thái bền vững và kết nối các công cụ kinh tế thực hiện mục tiêu này) cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và đa dạng các lĩnh vực có thể tham gia vào thị trường carbon. Rừng của Việt Nam cũng có tiềm năng huy động được nguồn tài chính lớn với tổng diện tích 14,7 triệu hécta. Mỗi năm, rừng của Việt Nam có thể hấp thụ gần 70 triệu tấn carbon.
Hiện Chính phủ cũng đang lên kế hoạch xây dựng và vận hành thị trường carbon theo cơ chế bắt buộc trong tương lai. Theo đó, giai đoạn 2021-2027, tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch, phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon, xây dựng cơ chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tiếp theo là hướng dẫn đo đạc, báo cáo; thành lập sàn giao dịch tín chỉ carbon cũng như xây dựng hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia. Bên cạnh đó là triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế…
Là đơn vị đã trực tiếp nhận hơn 80 tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon rừng, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết, Quảng Bình là một trong 6 tỉnh được lựa chọn tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28-12-2022 của Chính phủ. Tỉnh Quảng Bình được phân bổ 80% kinh phí từ nguồn thỏa thuận chi trả giảm phát thải cho đối tượng rừng tự nhiên với hơn 235 tỷ đồng. Trong năm 2023, Quảng Bình được phân bổ 82,476 tỷ đồng, đối tượng thụ hưởng gồm 10.762 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 16 chủ rừng là tổ chức; 71 UBND cấp xã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng và 9 chủ rừng là tổ chức khác được giao quản lý rừng.
Hiện tại, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã chi trả cho các đối tượng hưởng lợi số tiền trên 72 tỷ đồng, đạt 88% kế hoạch. Kinh phí còn lại sẽ được đưa vào kế hoạch tài chính năm 2024. Nguồn thu này đã góp phần tăng kinh phí đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, cộng đồng dân cư sống phụ thuộc vào rừng và các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam cũng đã phân bổ kinh phí từ việc bán tín chỉ carbon của Ngân hàng Thế giới cho các tỉnh Thanh Hóa (hơn 162,5 tỷ đồng), Nghệ An (hơn 285,5 tỷ đồng), Hà Tĩnh (123 tỷ đồng), Quảng Trị (51 tỷ đồng) và Thừa Thiên Huế (hơn 107 tỷ đồng).
Sớm hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn
Theo ông Trần Quốc Tuấn, để có thành quả như ngày hôm nay, từ giai đoạn 2013-2016, tỉnh Quảng Bình đã tham gia Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ đối tác carbon trong lâm nghiệp thông qua Ngân hàng Thế giới tài trợ. REDD+ là cơ chế nhằm cung cấp những sự đền đáp về tài chính để tránh mất rừng và suy thoái rừng, đồng thời tạo ra sự kích thích quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì dịch vụ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân và cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào rừng ở các nước đang phát triển.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các chuyên gia, đơn vị tư vấn xây dựng đường phát thải tham chiếu rừng/đường tham chiếu rừng vùng Bắc Trung bộ làm cơ sở để tính toán mức phát thải, hấp thụ và lưu giữ carbon rừng. Theo kết quả công bố, tỉnh Quảng Bình đã giảm 4,5 triệu tấn carbon so với mức tham chiếu. Song song đó, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng; bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch sinh thái; thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững. Không những thế, tỉnh còn trồng rừng gỗ lớn, xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng…
Đánh giá về thị trường carbon, ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng Phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) khẳng định, thị trường tín chỉ carbon sẽ giúp Việt Nam gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu, nhất là đối với các thị trường có yêu cầu cao về bảo vệ môi trường cũng như tăng cường khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Để tạo được tín chỉ carbon, các cơ sở cần thực hiện 7 bước bắt buộc, thứ tự gồm: tài liệu thiết kế dự án; thư phê duyệt; thẩm định dự án; đăng ký dự án; kiểm tra lượng khí nhà kính giảm được của dự án; thẩm tra số liệu khí nhà kính giảm được của dự án (đơn vị thẩm định độc lập); cấp tín chỉ carbon.
Đây là quy trình phức tạp và chi phí cao. Trong đó, bước 3 và bước 6 bắt buộc phải mời cơ quan độc lập đạt tiêu chuẩn quốc tế xác minh. Các cơ sở cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật về giảm phát thải khí nhà kính, thị trường carbon; tăng cường năng lực về kiểm kê khí nhà kính; về hoạt động giảm phát thải khí nhà kính, cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS Phạm Văn Đại, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho biết, để thị trường carbon được vận hành bền vững, hiệu quả, Chính phủ cần sớm hoàn thiện các quy phạm, quy chuẩn mang tính kỹ thuật liên quan đến cơ chế giao dịch. Việt Nam quy hoạch tín chỉ carbon như dạng tài nguyên cần bảo vệ. Ngoài ra, cũng cần xem xét hình thành quỹ dự trữ tín chỉ carbon cho doanh nghiệp Việt Nam để khi tham gia chứng chỉ carbon toàn cầu, các doanh nghiệp không phải mua giá quá cao.
Ông NGUYỄN TOÀN THẮNG, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM:
Thị trường carbon mở ra nhiều cơ hội cho TP.HCM
Triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15, TP.HCM đã lựa chọn hai dự án là Thay thế đèn đường LED và Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở để tham gia thị trường carbon. Trong năm nay, Sở TN&MT phối hợp cùng Sở Tài chính hoàn thiện Đề án thí điểm Cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Đồng thời, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT xác định tỷ lệ đóng góp về lượng giảm phát thải, hấp thụ khí nhà kính trên địa bàn thành phố cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia trước khi giao dịch tín chỉ carbon; cùng Sở Tài chính trao đổi, thống nhất với Bộ TN&MT trong việc tính toán giá, lựa chọn bán tín chỉ carbon đối với các dự án thí điểm.
Hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các dự án xanh tại TP.HCM, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Không những thế, việc thí điểm thị trường tín chỉ carbon thể hiện cam kết của TP.HCM trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, và xa hơn, TP.HCM có thể trở thành trung tâm giao dịch tín chỉ carbon của khu vực và quốc tế.
* PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH THỌ, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách TN&MT (Bộ TN&MT):
Phát triển kinh tế xanh góp phần tạo tín chỉ carbon
Năm 2020, nền kinh tế xanh của Việt Nam tạo ra 6,7 tỷ USD (chiếm 2% tổng GDP) góp phần tạo ra 400.000 việc làm. Tuy vậy, phát triển kinh tế xanh vẫn đang còn gặp nhiều thách thức như hệ thống tài chính xanh còn non trẻ, khiến các dự án xanh gặp khó trong việc huy động tài chính. Việc thực thi các quy định về môi trường đôi khi còn lỏng lẻo, rườm rà dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không tuân thủ. Không những thế, mức độ nhận thức và sự tham gia của cộng đồng vào các vấn đề tăng trưởng xanh, phát triển bền vững chưa cao.
Việt Nam cần tăng cường phối hợp để đảm bảo tính nhất quán và sức mạnh tổng hợp, phát triển cơ chế tài chính đổi mới như trái phiếu xanh, tăng cường đầu tư công và tư nhân vào các dự án cơ sở hạ tầng xanh, tìm kiếm sự hợp tác và hỗ trợ quốc tế cho các sáng kiến tăng trưởng xanh…
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị