Thị trường hàng hóa nhiều nơi ổn định, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân

Cũng theo Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, tính đến hết ngày 25/8, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã duyệt cấp mã QR code đăng ký “luồng xanh” cho 2.192 xe ô tô và cấp mã số xác nhận cho 9.869 xe mô tô, xe 2 bánh cho 250 doanh nghiệp, đơn vị theo danh sách của Sở Công Thương.

Thị trường hàng hóa nhiều nơi ổn định, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân
Hà Nội thị trường hàng hóa ổn định đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân

Các doanh nghiệp, các quận, huyện trên địa bàn Thành phố tích cực duy trì và mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân. Ngoài các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thuộc hệ thống Vinmart, Co.op, Big C, Circle K…Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội để mở 472 điểm bán hàng thiết yếu. 11 quận, huyện đã triển khai 57 điểm bán hàng lưu động.

Cùng với đó, các quận, huyện đã triển khai một số mô hình cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm như tổ chức các điểm bán hàng dã chiến, lập nhóm Zalo giữa nhân dân trên địa bàn và các đơn vị phân phối để thực hiện giao dịch. Sở Công Thương Hà Nội cũng đồng hành cùng Thành đoàn Hà Nội, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao đỏ và Công ty CP vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức Chương trình “Siêu thị mini 0 đồng – Hà Nội Trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn Thành phố. Đến nay, đã tổ chức được 11 điểm siêu thị 0 đồng, sẽ tiếp tục mở 6 điểm (tổng số 17 điểm trên toàn Thành phố).

Trong khi đó tại Nghệ An, hiện tại địa phương có 36 chợ đóng cửa, trong đó riêng Thành phố Vinh là 27 chợ. Để bảo đảm cung ứng hàng hóa kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu dùng và không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, Thành phố Vinh đã xây dựng phương án số 194/PA-UBND ngày 25/8/2021 về cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn Thành phố…

Theo đó, huy động các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội, tổ nhóm dân cư trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân thông qua các đơn vị cung ứng lớn trên địa bàn với số lượng có thể cung ứng: Rau, củ, quả các loại 55 tấn/ngày, thực phẩm tươi sống 17 tấn/ngày, hàng khô các loại 13 tấn/ngày, hàng vật tư y tế và các hàng thiết yếu khác khoảng 10 tấn/ngày. Nhìn chung, tình hình giá cả thị trường tại địa bàn các huyện, thị xã và Thành phố Vinh cơ bản ổn định.

Về cơ bản những ngày qua, tình hình thị trường tại các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung ổn định, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu người dân, không có hiện tượng giá tăng đột biến gây bất ổn thị trường.

Theo Tổ trưởng Tổ Công tác miền Bắc và miền Trung Trần Duy Đông, nhằm đảm bảo công tác vận chuyển hàng hóa được thông suốt; ngày 25/8 vừa qua, Tổ Công tác đã tham dự cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì về vận chuyển hàng hóa nông nghiệp trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tại cuộc họp, ông Trần Duy Đông đã phản ánh về thực trạng hoạt động lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân cũng như nguyên, nhiên liệu, vật tư phục vụ sản xuất công-nông nghiệp vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Đồng thời, đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với các cơ quan quản lý tại địa phương và đối với Sở Giao thông các tỉnh…

Tuấn Minh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích